ASEAN trở thành mảnh đất màu mỡ mà UAE nhắm tới

ASEAN trở thành mảnh đất màu mỡ mà UAE nhắm tới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đang đẩy nhanh quá trình đàm phán về các hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) với nhiều quốc gia tại Đông Nam Á.

Mới đây, Campuchia đã trở thành quốc gia châu Á tiếp theo ký CEPA với UAE, sau Ấn Độ vào tháng 5/2022 và Indonesia vào tháng 7/2022. Trong khi đó, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam đều bắt đầu tiến hành đàm phán CEPA với UAE vào tháng 5 trong chuyến công du khu vực của ông Thani bin Ahmed al-Zeyoudi, Quốc vụ khanh phụ trách Thương mại quốc tế, Bộ Ngoại thương UAE.

Nỗ lực hướng tới CEPA đã bắt đầu được thúc đẩy từ tháng 8/2022 khi UAE là một trong các nước tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC) trong cuộc họp các bộ trưởng ngoại giao của ASEAN.

Ông Thani bin Ahmed Al Zeyoudi cho biết, UAE đang xây dựng một hành lang cơ hội giữa Vịnh Ba Tư và Đông Nam Á bằng cách giảm hoặc loại bỏ thuế quan, loại bỏ các rào cản thương mại và tạo ra những con đường mới cho đầu tư chiến lược.

Các chuyên gia phân tích cho biết, bằng cách xây dựng lợi thế của người đi trước so với các đối thủ trong khu vực như Saudi Arabia tại các thị trường đang phát triển như ASEAN, UAE đang tìm cách tăng đòn bẩy trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc và các quốc gia phương Tây.

Ông Clemens Chay, một chuyên gia nghiên cứu tại Viện Trung Đông của Đại học Quốc gia Singapore, cho biết: Các động cơ thúc đẩy việc UAE gia nhập sâu hơn vào thị trường ASEAN nhằm tăng cường vai trò và tầm ảnh hưởng của UAE trong khu vực.

Trên nền tảng tăng cường đối thoại với khu vực, ông Chay nhận định rằng, hiệp định CEPA của UAE được xây dựng như một khuôn mẫu vượt xa các điều khoản của một hiệp định thương mại tự do thông thường.

Ngoài ra, vị chuyên gia cho rằng, CEPA phản ánh việc theo đuổi các mục tiêu của Abu Dhabi trên cơ sở hợp tác song phương và nằm ngoài phạm vi hoạt động của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC).

Ông Chay nhận định: "Ở cấp độ rộng hơn, những sáng kiến như CEPA cũng hỗ trợ nỗ lực đa dạng hóa của UAE không chỉ về mặt kinh tế và vươn lên dẫn đầu GCC, mà còn về đa dạng quan hệ đối tác quốc tế giữa các khu vực".

Ông Andreas Krieg, Phó giáo sư thuộc Trường Nghiên cứu An ninh của Đại học King's College London cho biết, UAE đang hướng tới các cơ hội để tạo ra sức mạnh tổng hợp và đoàn kết với các quốc gia khác, từ đó nâng cao vị thế so với các cường quốc, chẳng hạn như Trung Quốc, Nga hoặc Mỹ.

Ông cho biết, Đông Nam Á là một khu vực tăng trưởng quan trọng đối với mạng lưới thương mại và hậu cần của UAE. Vì vậy, Abu Dhabi hy vọng sẽ tạo ra các mối quan hệ chặt chẽ trong khu vực này, nơi họ có thể hợp tác hoặc thậm chí đồng đầu tư với Trung Quốc.

Mặc dù ngành năng lượng sẽ tiếp tục là động lực quan trọng trong chính sách của UAE đối với khu vực do sự phụ thuộc của các quốc gia tầm trung và lớn của châu Á vào các nước GCC để cung cấp năng lượng, nhưng thông qua CEPA, UAE sẽ đa dạng hóa hợp tác thương mại sang các lĩnh vực phi dầu mỏ.

Lợi ích kinh tế chắc chắn rất quan trọng đối với chính sách đối ngoại của UAE ở ASEAN. Tuy nhiên, những lợi ích như vậy chỉ là thứ yếu đối với các mục tiêu địa chính trị của UAE.

Ông Kristian Alexander, Cố vấn tại Gulf State Analytics, đồng thời là Trợ lý giáo sư tại Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Zayed, Abu Dhabi cho rằng, các quốc gia Đông Nam Á cũng có những lợi ích không chỉ về kinh tế trong quan hệ với UAE.

Ông cho biết: ASEAN đang chứng kiến sự cạnh tranh của nhiều cường quốc trong một thế giới ngày càng đa cực, nên việc thiết lập mối quan hệ đối tác với một quốc gia GCC giàu có như UAE sẽ rất quan trọng, khi có khả năng cho phép các nước trong khu vực tránh lựa chọn giữa Nga, Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia khác.

Tin bài liên quan