ASEAN ra mắt khuôn khổ quản trị AI, nhưng vẫn còn rất nhiều thách thức

ASEAN ra mắt khuôn khổ quản trị AI, nhưng vẫn còn rất nhiều thách thức

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Sáu (2/2), ASEAN đã công bố khuôn khổ quản trị trí tuệ nhân tạo (AI), nhưng các chuyên gia cho rằng các quốc gia thành viên trong khu vực đang ở “các giai đoạn phát triển kỹ thuật số khác nhau” nên có thể đặt ra thách thức cho vấn đề này.

Bộ Thông tin và Truyền thông Singapore cho biết: “Khuôn khổ này tìm cách thiết lập các nguyên tắc chung đáng tin cậy cho AI và đề xuất các phương pháp hay nhất về cách triển khai AI trong ASEAN”.

Singapore đã tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Kỹ thuật số ASEAN lần thứ 4 từ ngày 1/2 đến ngày 2/2 để thảo luận về các vấn đề kỹ thuật số mới nổi bao gồm AI và lừa đảo qua mạng.

Kristina Fong, nhà nghiên cứu chính về các vấn đề kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu ASEAN cho biết, “cách tiếp cận linh hoạt, nhẹ nhàng” để quản lý rủi ro AI bằng khuôn khổ này là “sự phản ánh những thách thức do khoảng cách phát triển giữa các quốc gia thành viên ASEAN đặt ra”.

Các quốc gia khác nhau, không chỉ về khả năng kỹ thuật số, mà còn về mức độ trưởng thành của các cơ quan quản lý, năng lực thể chế cũng như quy định của pháp luật.

“Đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải có một diễn đàn để thảo luận về những rủi ro và vấn đề này và có thể có cách tiếp cận phối hợp để quản lý chúng, và quan trọng hơn là đưa ra hướng đi cho các quốc gia thành viên ASEAN hiện đang bị tụt lại phía sau”, nhà nghiên cứu Kristina Fong cho biết.

Hướng dẫn của ASEAN về quản trị và đạo đức AI bao gồm các khuyến nghị cấp quốc gia và cấp khu vực mà các chính phủ có thể xem xét thực hiện để thiết kế, phát triển và triển khai các hệ thống AI một cách có trách nhiệm.

Mối quan tâm đến AI đã bùng nổ kể từ khi ChatGPT của OpenAI được ra mắt vào tháng 11/2022, khi chatbot này được lan truyền rộng rãi nhờ khả năng tạo ra phản hồi giống con người với những yêu cầu của người dùng.

“Singapore là một trong những quốc gia đầu tiên công bố Chiến lược AI quốc gia vào năm 2019”, Josephine Teo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Singapore cho biết vào tháng 11/2023 khi các nhà chức trách tìm cách “tận dụng tối đa AI”. Singapore đã đưa ra Chiến lược AI quốc gia 2.0 vào tháng 12/2023.

“Thách thức với một khu vực như ASEAN là trong khu vực có nhiều quốc gia khác nhau ở các giai đoạn phát triển kỹ thuật số khác nhau. Điều này có nghĩa là những mối quan tâm và cân nhắc về chính sách rất khác nhau”, Kenddrick Chan, nhà phân tích chính sách cấp cao tại Viện Thay đổi Toàn cầu Tony Blair cho biết.

“Ngay cả khi xem xét một số quy định cơ bản cần thiết để quản lý hiệu quả những rủi ro AI này, chẳng hạn như các quy định về an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu cá nhân, các quốc gia vẫn không cùng quan điểm về các giai đoạn thực hiện hoặc hiệu quả của quy định”, nhà nghiên cứu Kristina Fong cho biết.

Trong khuôn khổ quản trị AI của ASEAN, các khuyến nghị cấp quốc gia bao gồm nuôi dưỡng nhân tài AI và nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động cũng như đầu tư vào nghiên cứu và phát triển AI. Các đề xuất cấp khu vực bao gồm việc thành lập một nhóm làm việc để triển khai các đề xuất đó và tổng hợp các trường hợp sử dụng để chứng minh quá trình thực hiện.

Khuôn khổ này cung cấp cho các quốc gia thành viên trong khu vực các trường hợp sử dụng từ các công ty tư nhân và khu vực công ở châu Á đã triển khai các biện pháp quản trị AI trong thiết kế, phát triển và triển khai AI như Gojek và Smart Nation Group.

“Rõ ràng là khu vực tư nhân sẽ đóng một vai trò quan trọng trong các nỗ lực quản trị AI. Do đó, các chính phủ nên khám phá các cơ chế để thúc đẩy sự hợp tác công-tư tốt hơn trong lĩnh vực này, cả ở cấp quốc gia và khu vực”, nhà phân tích Kenddrick Chan cho biết.

“Làm như vậy có nghĩa là xây dựng, thực hiện và thực thi chính sách tốt hơn. Xét về vấn đề này, khuôn khổ quản trị AI của ASEAN là bước khởi đầu tốt nhưng khi lĩnh vực AI phát triển thì các hướng dẫn và quy định cũng cần phải có”, ông cho biết thêm.​

Tin bài liên quan