Thưa Phó thủ tướng, kể từ khi thành lập vào cuối năm 2015, Cộng đồng Kinh tếASEAN (AEC) - một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN - đã có tác động như thế nào đến việc thu hút đầu tư và mở rộng hợp tác thương mại của Việt Nam?
Tôi chưa có con số cụ thể, nhưng có thể nói, từ khi trở thành cộng đồng, thương mại giữa các nước ASEAN tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, thương mại giữa Việt Nam và ASEAN lại giảm 7-8%. Điều này phản ánh thực tế là chúng ta chưa thực sự quan tâm đến thị trường ASEAN. Đây là điều mà chúng ta phải suy nghĩ.
Có nhiều lý do của tình trạng trên, trong đó có vấn đề cạnh tranh hàng hóa. Chúng ta cần phải quan tâm hơn tới thị trường xuất nhập khẩu ở Đông Nam Á. Đây là thị trường có tính khác biệt, là thị trường có tính tương đồng về hàng hóa giữa các nước ASEAN, chứ không phải là hàng hóa có tính bổ trợ cho nhau.
Phó thủ tướng đánh giá như thế nào về vai trò và những đóng góp của Việt Nam trong quá trình phát triển của ASEAN, đặc biệt là trong 22 năm qua, kể từ khi Việt Nam gia nhập tổ chức này?
Việt Nam gia nhập ASEAN từ năm 1995, tính đến nay là 22 năm, gần một nửa thời gian 50 năm hình thành và phát triển của Cộng đồng ASEAN. Từ khi tham gia, Việt Nam đã đóng góp tích cực và có trách nhiệm trong vai trò thành viên của ASEAN. Tựu trung, Việt Nam đã đóng góp trên những lĩnh vực:
Một là mở rộng ASEAN, đưa ASEAN từ tập hợp 5 nước trở thành cộng đồng ngày nay gồm 10 nước ASEAN.
Hai là, ASEAN trở thành cộng đồng kể từ đầu năm 2016, đó là nỗ lực chung của các nước thành viên, trong đó Việt Nam, thông qua các sáng kiến, đề xuất, như Chương trình Hành động Hà Nội 2010. Chúng ta đã cùng xây dựng và thực thi các mục tiêu, chỉ tiêu để thành lập Cộng đồng ASEAN. Cho đến nay, Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc thực hiện các mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015. Đó là những đóng góp hết sức quan trọng cho việc thành lập, hình thành Cộng đồng ASEAN.
Ba là, chúng ta đã giữ vai trò điều phối các cơ chế hợp tác giữa ASEAN với các đối tác, gần đây nhất là với Trung Quốc, EU và Ấn Độ. Việt Nam đã đóng góp vào việc kết nối, mở rộng, làm sâu sắc quan hệ, kể cả quan hệ chiến lược giữa ASEAN và các đối tác này.
Bốn là, chúng ta đưa ra những sáng kiến như mở rộng thành viên của Hội nghị Cấp cao Đông Á, bằng cách thúc đẩy kết nạp Nga và Mỹ tham gia Cấp cao Đông Á; lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2010. Đó là những cơ chế hết sức quan trọng trong việc kết nối không chỉ trong ASEAN, mà giữa ASEAN với các nước, góp phần tạo ra vị thế của ASEAN với các nước.
Năm là, chúng ta đã hai lần giữ vai trò là Chủ tịch ASEAN, vào năm 1998 và 2010, với những đóng góp thông qua các sáng kiến hết sức cụ thể.
Đối phó với những thách thức của ASEAN, Việt Nam cũng có những đóng góp hết sức tích cực và có trách nhiệm như xây dựng Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông, đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông.
Trong hình dung của Phó thủ tướng, cùng với những đóng góp của Việt Nam, thì Cộng đồng ASEAN sẽ phát triển như thế nào?
ASEAN đã xây dựng một tầm nhìn đến năm 2025. Với tầm nhìn này, mục tiêu của ASEAN sẽ là tiếp tục xây dựng một cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và chia sẻ trách nhiệm xã hội. Điều này có nghĩa là ASEAN lấy người dân làm trọng tâm trong chính sách của mình, lấy luật lệ, luật pháp làm nền tảng cho hoạt động. ASEAN đã xây dựng Hiến chương và chính Hiến chương này là nền tảng cho các hoạt động của ASEAN.
Một vấn đề nữa mà ASEAN hết sức quan tâm trong thời gian tới là làm sao xây dựng cộng đồng tự lực phát triển, đồng thời tăng cường đoàn kết và đóng vai trò trung tâm ở khu vực. Xây dựng được sự đoàn kết là hết sức quan trọng đối với sự sống còn của ASEAN, bởi đó là mẫu số chung lớn nhất của lợi ích các nước thành viên ASEAN. Chỉ có duy trì được đoàn kết, ASEAN mới duy trì được vai trò trung tâm của mình.
Phó thủ tướng đánh giá thế nào về những thách thức hiện nay của ASEAN?
Trong 50 năm phát triển, ASEAN cũng có nhiều thách thức. Đó là trình độ phát triển kinh tế của các nước ASEAN không đồng đều. Với sự khác biệt trong lợi ích, ASEAN đang cố gắng tạo ra điểm tương đồng giữa các nước để xây dựng cộng đồng.
ASEAN cũng đang chịu sự cạnh tranh chiến lược của các nước lớn đối với khu vực. Ngoài ra, ASEAN cũng phải đối phó với những thách thức về an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống như khủng bố.
Dù Cộng đồng ASEAN đã được hình thành, nhưng nhận thức của người dân và doanh nghiệp về lợi ích mà cộng đồng này đem lại cũng chưa cao. Các nước đều phải có trách nhiệm tăng cường hiểu biết của người dân và doanh nghiệp về những lợi ích này, nếu không, cộng đồng này sẽ chỉ có ý nghĩa trên giấy tờ. Khi nhận thức của người dân được nâng lên, họ sẽ được hưởng lợi từ sự giao lưu, đi lại và công việc trong Cộng đồng ASEAN. Việc giảm thuế và xóa bỏ các rào cản thương mại trong ASEAN sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong một cơ sở sản xuất chung trong ASEAN.