ASEAN 2020: Đề xuất 2 sáng kiến “Tài chính bền vững trong ASEAN” và “Thúc đẩy kết nối thanh toán khu vực”

ASEAN 2020: Đề xuất 2 sáng kiến “Tài chính bền vững trong ASEAN” và “Thúc đẩy kết nối thanh toán khu vực”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 24/9, tại Hà Nội đã diễn ra buổi Họp báo Chuyên đề giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính về Hội nghị Bộ trưởng tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN 2020 cùng các Hội nghị liên quan.

Thông tin tại buổi Họp báo Chuyên đề giữa Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Tài chính về Hội nghị Bộ trưởng tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN 2020 và các Hội nghị liên quan diễn ra chiều nay cho biết, gắn với chủ đề quốc gia ASEAN của Việt Nam năm 2020 là “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, trong Tiến trình Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đề xuất 2 sáng kiến ưu tiên, bao gồm “Tài chính bền vững trong ASEAN” và “Thúc đẩy kết nối thanh toán khu vực”.

Cụ thể, trong lĩnh vực ngân hàng, bà Hoàng Thị Phương Hạnh, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, NHNN cho biết, các sáng kiến và ưu tiên trong lĩnh vực ngân hàng tại Hội nghị lần này bao gồm:

Sáng kiến “Thúc đẩy kết nối thanh toán khu vực”. Là một trong 13 sáng kiến thuộc Trụ cột Kinh tế đã được các Bộ trưởng và Lãnh đạo cấp cao phê duyệt. Mục tiêu của sáng kiến nhằm thúc đẩy khả năng liên thông của các hệ thống thanh toán bán lẻ trong ASEAN. Bên cạnh đó, cung cấp phương tiện thanh toán an toàn, hiệu quả; có cơ chế quản lý, xử lý rủi ro và đảm bảo quyền và lợi ích của người tiêu dùng, áp dụng các chuẩn mực về phòng chống rửa tiền

“Dự kiến, các Thống đốc sẽ phê duyệt “Bộ nguyên tắc hướng dẫn thực thi cho Khung chính sách thanh toán ASEAN, áp dụng cho thanh toán bán lẻ xuyên biên giới theo thời gian thực” do Nhóm công tác về Hệ thống thanh toán (WC-PSS) đề xuất tại Hội nghị Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN (ACGM) vào 2/10”, bà Phương Hạnh chia sẻ.

Tiếp theo đó, sau khi Bộ nguyên tắc hướng dẫn được phê duyệt, bà Phương Hạnh cho biết, Hiệp hội Ngân hàng ASEAN hỗ trợ cho các nước triển khai kết nối song phương. NHNN và Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã thành lập Tổ công tác để triển khai thí điểm kết nối thanh toán bán lẻ song phương bằng mã QR, đang tích cực xúc tiến để có thể kết nối thí điểm vào tháng 11 tới.

Ngoài sáng kiến được đăng ký theo kênh quốc gia như nêu trên, NHNN cũng chủ động thúc đẩy 6 sáng kiến ưu tiên khác trong kênh hợp tác ngân hàng trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm nay, gồm các yếu tố “gắn kết - chủ động thích ứng - bao trùm”.

Thứ nhất, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô: Nâng cao năng lực và hiệu quả hợp tác trong điều hành kinh tế vĩ mô: Thông qua cơ chế, hoạt động và sản phẩm của Thỏa thuận Đa phương hóa sáng kiến Chiềng Mai (CMIM) hoặc các tổ chức nội khối như Cơ quan giám sát kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO).

Thứ hai, thúc đẩy tài chính toàn diện: Xây dựng khuôn khổ nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của người dân thông qua việc phát triển các sản phẩm số đổi mới sáng tạo;

Thứ ba, hội nhập ngân hàng: Thúc đẩy việc chia sẻ kiến thức về thanh tra giám sát, áp dụng chuẩn mực quốc tế, xây dựng hướng dẫn và ký kết các thỏa thuận hội nhập ngân hàng.

Thứ tư, an toàn an ninh mạng: Tăng cường trao đổi thông tin về an ninh mạng thông qua diễn đàn chia sẻ thông tin an ninh mạng của các NHTW;

Thứ năm, kết nối thanh toán khu vực ASEAN: Kết nối thanh toán khu vực ASEAN: Thúc đẩy thanh toán xuyên biên giới giữa quốc gia ASEAN trên nền tảng kỹ thuật QR code tương thích;

Thứ sáu, tài chính bền vững: Thúc đẩy phát triển hệ thống ngân hàng bền vững thông qua việc xây dựng Hướng dẫn về ngân hàng xanh.

Theo tiến trình hợp tác đã được Uỷ ban quốc gia ASEAN 2020 phê duyệt, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN lần thứ 6 và các hội nghị liên quan sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ ngày 01-02/10/2020.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng đồng chủ trì điều hành Hội nghị từ Trung tâm Hội nghị Quốc tế (ICC), 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội. Đây là sự kiện quan trọng nhất của Tiến trình Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN trong năm.

Hội nghị cũng sẽ có phiên thảo luận với lãnh đạo các tổ chức tài chính quốc tế về tình hình kinh tế vĩ mô toàn cầu và khu vực, những cơ hội và thách thức, cũng như các giải pháp chính sách ở các quốc gia nhằm đối phó với tác động của đại dịch và phục hồi tăng trưởng kinh tế trong khu vực.

Kết thúc Hội nghị, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN sẽ ra Tuyên bố chung của Hội nghị thể hiện quan điểm về các vấn đề quốc tế và khu vực, cập nhật các kết quả hợp tác tài chính ngân hàng ASEAN cũng như đưa ra những định hướng chỉ đạo cho các hoạt động hợp tác trong giai đoạn tới.

Bên cạnh đó sẽ diễn ra các sự kiện quan trọng khác trong khuôn khổ hợp tác tài chính ngân hàng ASEAN, bao gồm Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 24, Hội nghị Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN lần thứ 16, Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương.

Bên lề hội nghị, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN sẽ có phiên đối thoại với các cộng đồng doanh nghiệp, bao gồm Cộng đồng doanh nghiệp ASEAN, Cộng đồng doanh nghiệp ASEAN - EU, và Cộng đồng doanh nghiệp ASEAN - US. Các Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN cũng sẽ có phiên thảo luận với Thứ trưởng Tài chính Hoa Kỳ về các vấn đề cùng quan tâm.

Về định hướng hoạt động trong thời gian tới, đặc biệt sau năm 2020 đối với ngành ngân hàng:

- Trên cơ sở tổng kết giữa kỳ năm nay, tiếp tục thúc đẩy các nhóm công tác triển khai kế hoạch hoạt động để phấn đấu hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu, mục tiêu của AEC Blueprint 2025.

- Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, NHNN sẽ phối hợp với NHTW các nước ASEAN tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong giám sát tình hình hệ thống tài chính và kinh tế vĩ mô trong khu vực, đẩy mạnh đối thoại, trao đổi chính sách kinh tế vĩ mô.

- Đồng thời, phối hợp các nước xúc tiền những sáng kiến mà Việt Nam đề xuất tăng cường ở những lĩnh vực mới có tác động quan trọng đến sự phát triển của hệ thống tài chính trong trung và dài hạn.

- NHNN tiếp tục có những đánh giá, rà soát định kỳ về tác động của hội nhập ngân hàng nói chung và hội nhập ASEAN nói riêng để kịp thời có đề xuất phù hợp đảm bảo hội nhập hiệu quả, an toàn, hội nhập phát triển đi đôi với đảm bảo ổn định tài chính, ổn đỉnh kinh tế vĩ mô và phát triển bao trùm.

Tin bài liên quan