Argentina đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính, lạm phát tăng cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Argentina đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính với lạm phát hướng tới mức ba con số.
Argentina đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính, lạm phát tăng cao

Các nhà kinh tế cho biết, với lạm phát đang hướng tới mức ba con số nên chỉ cần một hoặc hai sai lầm chính sách có thể tạo tiền đề cho siêu lạm phát và việc ngân hàng trung ương đang cố gắng ngăn chặn sự mất giá của đồng peso sẽ chỉ kích hoạt một làn sóng tăng giá khác. Dữ liệu chính thức cho thấy lạm phát tại Argentina trong tháng 6 đã tăng 64% so với cùng kỳ năm 2021 sau mức tăng 60,7% trong tháng 5.

Mỗi ngày, ngân hàng trung ương đã cử các bên liên quan bán đô la và mua peso. Trung bình, họ đang bán ra 60 triệu USD mỗi ngày. Hiện tại, điều đó đã giữ cho đồng peso chủ yếu ổn định trên thị trường ngoại hối chính.

Vấn đề là dự trữ ngoại hối của nước này hiện đã thấp đến mức không ai có thể thực sự biết họ có thể chi thêm bao nhiêu.

Trong khi đó, hiện nước này có rất ít cơ hội nhận được sự giúp đỡ tài chính từ nước ngoài. Đặc biệt, với tiền sử các cuộc vỡ nợ trước đây, rất khó để Argentina có thể vay tiền từ các chủ nợ nước ngoài (phát hành trái phiếu ngoại tệ)

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng khó có thể bước vào thời điểm này. IMF đã cam kết khoảng 44 tỷ USD cho nước này và không quan tâm đến việc cam kết thêm vốn.

Tất cả điều này có nghĩa là các nhà đầu tư đang định vị cho một đợt mất giá lớn. Họ đã đẩy đồng peso xuống mức thấp nhất là 335 peso trên mỗi đô la vào tháng trước trên thị trường song song, một thị trường không có sự can thiệp của chính phủ.

Các nhà kinh tế cho rằng, sự mất giá ở mức độ đó có thể gây ra một đợt tăng giá ngay lập tức lên tới 30% đối với các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và thậm chí là mức tăng lớn hơn đối với nhiên liệu, làm sâu sắc thêm nỗi đau tài chính mà người Argentina đã phải chịu đựng trong nhiều năm.

Emiliano Anselmi, nhà kinh tế tại công ty môi giới Portfolio Personal Inversiones cho biết: “Vấn đề là chúng ta chưa bao giờ có tỷ giá hối đoái thực yếu như vậy, cũng như khoảng cách chênh lệch giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá song song rộng như vậy, trong khi dự trữ ở mức thấp như vậy. Chính phủ sẽ không thể cầm cự lâu hơn nếu không phá giá một lần”.

Hơn một nửa số tiền trên bảng cân đối của ngân hàng trung ương được giữ trong các hạn mức hoán đổi tín dụng với Trung Quốc và Ngân hàng Thanh toán Quốc tế. Vàng chiếm một phần nhỏ. Phần lớn phần còn lại - khoảng 12 tỷ USD - đến từ tiền gửi ngân hàng của người tiết kiệm.

Lo ngại về khả năng mất khả năng thanh toán của chính phủ nghiêm trọng đến mức những người tiết kiệm đã vội vã rút đô la từ tài khoản ngân hàng của họ vào tháng trước. Tiền gửi bằng đô la giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016 khi người Argentina rút gần 750 triệu USD.

Pablo Waldman, chiến lược gia cấp cao tại Inviu ở Buenos Aires cho biết: “Mọi người đang nhanh chóng phản ứng trong thời điểm thị trường căng thẳng”.

Mặt khác, cũng có hy vọng Argentina có thể thu được một lượng lớn đô la nếu họ có thể thuyết phục nông dân trồng đậu nành bán khoảng 13,4 tỷ USD của họ đang trong kho, thay vì chờ đợi một tỷ giá hối đoái có lợi hơn.

Mới đây vào ngày 28/7, chủ tịch Hạ viện Argentina đã được bổ nhiệm làm "siêu bộ trưởng" phụ trách ba bộ Kinh tế, Phát triển Năng suất và Nông nghiệp để đối phó khủng hoảng kinh tế do lạm phát tăng cao.

Các nhà đầu tư cũng lạc quan rằng ông Massa sẽ có cơ hội thúc đẩy nền kinh tế tốt hơn so với bộ trưởng tiền nhiệm.

Phá giá tiền tệ sẽ gây ra lạm phát đã trên 60%, nhưng cố gắng giữ nó ở gần mức hiện tại sẽ là một thách thức do thiếu đô la trong nước. Chính phủ cần cắt giảm chi tiêu, nhưng điều đó có nguy cơ làm xói mòn sự ủng hộ của người dân.

"Vấn đề trọng tâm vẫn là không có giải pháp dễ dàng cho một cuộc khủng hoảng. Lạm phát cao đang làm cho chính phủ không được ưa chuộng và thúc đẩy dòng chảy vốn chảy ra ngoài”, Graham Stock, chiến lược gia cấp cao về thị trường mới nổi tại Bluebay Asset Management cho biết.

Tin bài liên quan