Trung Quốc đã và đang thống trị thị trường thép toàn cầu với tư cách là nhà sản xuất và tiêu thụ thép lớn nhất trên thế giới, chiếm hơn một nửa tổng nhu cầu toàn cầu. Lĩnh vực bất động sản nước này đang bị chao đảo bởi một cuộc khủng hoảng nợ đè nặng lên hoạt động kinh tế, làm giảm nhu cầu đối với các mặt hàng như thép, đồng thời với việc Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng thiếu năng lượng.
ArcelorMittal cho biết, họ vẫn kỳ vọng tiêu thụ thép bên ngoài Trung Quốc sẽ tăng 12% lên 13% trong năm nay khi các nền kinh tế khởi động lại sau khi ngừng hoạt động. Tuy nhiên, nhu cầu của Trung Quốc hiện dự kiến sẽ giảm nhẹ, điều chỉnh giảm từ mức tăng trưởng hàng năm 3% đến 5% mà công ty đã dự đoán vào tháng 7.
Do sự sụt giảm của bất động sản, các ngành bất động sản và xây dựng của Trung Quốc lần đầu tiên thu hẹp trong quý III kể từ khi đại dịch xuất hiện. Lĩnh vực bất động sản chiếm 40% lượng tiêu thụ thép của cả nước, trở thành động lực chính thúc đẩy nhu cầu toàn cầu.
Truyền thông Trung Quốc đã báo hiệu rằng, công cuộc kiểm soát của Chính phủ đối với lĩnh vực bất động sản có thể giảm bớt, nhưng Bắc Kinh ít có dấu hiệu về việc quay trở lại với các biện pháp kích thích để khởi động lại hoạt động bất động sản và nhu cầu hàng hóa sau đợt sụt giảm lớn cuối cùng vào năm 2015-2016. Đầu năm nay, Trung Quốc đã cắt giảm sản lượng thép và giảm xuất khẩu như một phần trong nỗ lực giải quyết vấn đề ô nhiễm.
Giá xuất khẩu thép cuộn cán nóng của Trung Quốc đã tăng lên mức cao kỷ lục trên 1.000 USD/tấn vào tháng 4 khi nhu cầu bùng nổ ở cả Trung Quốc và các nước trên thế giới. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu chuẩn cho các thị trường thép toàn cầu kể từ thời điểm đó đã giảm gần 20% trong khi giá quặng sắt còn giảm mạnh hơn.
ArcelorMittal đã công bố báo cáo lợi nhuận quý III vào thứ Năm (11/11) và cho biết, họ đặc biệt bị ảnh hưởng bởi việc hủy đơn đặt hàng từ lĩnh vực ô tô, vốn đang bị ảnh hưởng bởi sự thiếu hụt chất bán dẫn.
Tuy nhiên, theo Giám đốc điều hành Aditya Mittal, triển vọng thị trường thép vẫn tích cực với việc công ty kỳ vọng các yếu tố ảnh hưởng đến doanh số bán hàng quý III sẽ đảo ngược trong 3 tháng tiếp theo.
“Nhu cầu cơ bản dự kiến sẽ tiếp tục cải thiện mặc dù giá thép đã giảm nhẹ so với mức cao kỷ lục gần đây, nhưng giá thép vẫn ở mức cao, điều này sẽ được phản ánh trong các hợp đồng cho năm 2022”, ông cho biết.
ArcelorMittal đã đạt lợi nhuận hàng quý cao nhất kể từ năm 2008 nhờ tác động của giá thép giao ngay cao khi giá bán trung bình của công ty cao hơn 76% so với một năm trước đó.