Dự trữ ngoại tệ của Cơ quan quản lý tiền tệ Arập Xêút đã sụt giảm gần 73 tỷ USD kể từ khi giá dầu bắt đầu tụt dốc hồi năm ngoái, trong bối cảnh Riyadh liên tục phải bơm tiền kích thích nền kinh tế và tài trợ cho các chiến dịch quân sự của mình tại Yemen.
Cụ thể, kể từ quý III/2014, dự trữ ngoại tệ của Arập Xêút nắm giữ tại quỹ chứng khoán nước ngoài giảm tới 71 tỷ USD, chiếm gần như toàn bộ trong tổng số sụt giảm dự trữ 72,8 tỷ USD tài sản ở nước ngoài.
Một phần số tiền rút khỏi các quỹ này được chi để bù đắp thâm hụt ngân sách, đồng thời tái đầu tư vào những sản phẩm tài chính ít rủi ro hơn, cũng như giàu tính thanh khoản hơn. Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương Arập Xêút cũng phải chuyển hướng sang các ngân hàng nội địa để tìm kiếm nguồn vốn tài trợ cho chương trình bán trái phiếu, nhằm bù đắp cho sự sụt giảm nhanh trong dự trữ ngoại tệ.
Trong tháng 9, một số nhà quản lý quỹ đã ghi nhận làn sóng rút vốn mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay. Một nhà quản lý quỹ cho biết: “Đây thực sự là thời điểm đen tối”, khi nhắc tới số lượng tài sản khổng lồ mà Arập Xêút đã rút ra trong tuần.
Từ nhiều năm qua, các thể chế tài chính này đã hưởng lợi đáng kể từ số tài sản gia tăng mà Arập Xêút gửi vào, quốc gia giàu tài nguyên dầu mỏ song đang gặp khó khăn sau khi giá “vàng đen” sụt giảm đáng kể.
Nigel Sillitoe, Giám đốc điều hành Công ty dịch vụ tài chính Insight Discovery cho biết, các nhà quản lý quỹ ước tính Arập Xêút đã rút khoảng 50 - 70 tỷ USD từ các quỹ trong vòng 6 tháng qua. “Vấn đề lớn là khi nào Arập Xêút sẽ trở lại, bởi các quỹ đầu tư nước ngoài phụ thuộc khá nhiều vào quốc gia Vùng Vịnh này trong những năm gần đây”.
Một nhà quản lý quỹ khác nhận định: “Arập Xêút cảm thấy không thoải mái trước những biến động cổ phiếu toàn cầu”. Hệ quả là, các quỹ đầu tư có quan hệ chặt chẽ với các quỹ đầu tư chủ quyền Vùng Vịnh, như BlackRock, Franklin Templeton và Legal & General, đã nhận được thông báo rút vốn từ Arập Xêút. Tuy nhiên, không phải quỹ tài chính nào cũng bất ngờ và bị động trước động thái của Arập Xêút. Một số đã có giải pháp và chuẩn bị cho tình huống này.
Mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng lên tiếng cảnh báo rằng, thâm hụt ngân sách của Arập Xêút đang ngày một "phình" to và tình trạng này có thể "ăn mòn" nguồn dự trữ ngoại tệ nếu quốc gia Hồi giáo này không thực hiện các biện pháp cải cách mạnh tay.
Theo IMF, giá dầu thế giới liên tiếp sụt giảm đang khiến ngân sách của nước này ngày càng thâm hụt và có thể duy trì ở mức cao trong trung hạn. Do đó, Riyadh cần thực hiện một chương trình cải cách tài chính kéo dài nhiều năm với giá trị lớn nhằm cân bằng ngân sách. Các biện pháp cải cách có thể bao gồm việc thay đổi chính sách năng lượng hiệu quả và điều chỉnh giá nhiên liệu.
Báo cáo của IMF dự báo thâm hụt ngân sách của Arập Xêút sẽ ở mức 19,5% GDP trong năm nay, tương đương 130 tỷ USD. Đồng thời, tăng trưởng kinh tế của Arập Xêút trong năm nay và năm 2016 có thể giảm xuống 2,8% và 2,4%.
Chi tiêu công của Arập Xêút tăng nhanh trong vài năm gần đây nhờ lợi nhuận cao từ dầu mỏ. Năm 2014, thâm hụt ngân sách của Arập Xêút đứng ở mức 17,5 tỷ USD, mức cao thứ hai kể từ năm 2002. Dự đoán, tổng kho dự trữ ngoại tệ của Arập Xêút có khả năng giảm xuống 629 tỷ USD vào cuối năm nay.