Trong một tuyên bố, nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới cho biết họ đã được Bộ năng lượng Xê Út yêu cầu duy trì Công suất bền vững tối đa (MSC) ở mức hiện tại trong vài năm.
“Aramco thông báo rằng đã nhận được chỉ thị từ Bộ năng lượng để duy trì công suất bền vững tối đa (MSC) ở mức 12 triệu thùng mỗi ngày thay vì tăng lên 13 triệu thùng/ngày…Công ty sẽ cập nhật hướng dẫn chi tiêu vốn khi kết quả cả năm 2023 được công bố vào tháng 3”, tuyên bố của Aramco cho biết.
Ả Rập Xê Út là nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và Aramco là viên ngọc quý của nền kinh tế vương quốc vùng Vịnh. Lợi nhuận của Aramco dự kiến sẽ tài trợ cho chương trình cải cách kinh tế và xã hội sâu rộng của Thái tử Mohammed bin Salman được gọi là Tầm nhìn 2030, nhằm đặt nền móng cho một tương lai hậu dầu mỏ.
Ả Rập Xê Út đã công bố kế hoạch tăng công suất sản xuất vào tháng 10/2021, đồng thời họ cam kết đạt được lượng khí thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2060.
Thông báo hôm thứ Ba (30/1) dự kiến sẽ không có tác động ngay lập tức đến sản xuất hoặc xuất khẩu.
Sau một loạt đợt cắt giảm nguồn cung dầu kể từ tháng 10/2022, sản lượng hàng ngày của Ả Rập Xê Út ở mức xấp xỉ 9 triệu thùng/ngày, thấp hơn nhiều so với công suất 12 triệu thùng/ngày.
Thông báo được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về triển vọng nhu cầu dầu trên toàn thế giới, trong bối cảnh quá trình chuyển đổi toàn cầu đang diễn ra theo hướng khử carbon đã phủ bóng lên các dự án đầu tư dài hạn vào nhiên liệu hóa thạch.
Theo báo cáo thường niên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố vào tháng 12, nhu cầu dầu toàn cầu được dự đoán đã tăng 2,3 triệu thùng/ngày vào năm 2023 lên 101,7 triệu thùng/ngày.
“Tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong quý IV/2023 đã được điều chỉnh giảm gần 400.000 thùng/ngày, trong đó châu Âu chiếm hơn một nửa mức giảm… Sự chậm lại dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra vào năm 2024, với mức tăng trưởng toàn cầu giảm một nửa xuống còn 1,1 triệu thùng/ngày, do tăng trưởng GDP vẫn ở dưới mức xu hướng ở các nền kinh tế lớn”, IEA cho biết.