Việc tự sản xuất màn hình là một động thái khác lạ của táo khuyết vì họ thường nhờ tới bên thứ ba và chỉ cung cấp các thông số kỹ thuật.
Theo các chuyên gia am hiểu thông tin, Apple đã chi mạnh tay cho việc phát triển màn hình micro-LED trong thập kỷ qua và một khi bắt tay vào sản xuất, họ dự định tự mình thực hiện bước chuyển khối (mass transfer) – một bước quan trọng trong quá trình sản xuất.
Màn hình micro-LED tiêu thụ ít năng lượng hơn và có thể mỏng hơn so với màn hình OLED hiện nay. Theo những chuyên gia trong ngành cho biết, màn hình thế hệ mới cũng có hiệu suất độ sáng ngoài trời tốt hơn và có thể được sử dụng trên các bề mặt cong hoặc có thể gập lại.
Màn hình là một trong những linh kiện đắt nhất trong toàn bộ thiết bị của Apple. Kể từ khi gã khổng lồ ngành công nghệ này ra mắt màn hình OLED trên iPhone vào năm 2017, họ ngày càng phụ thuộc vào Samsung.
Để giảm bớt sự phụ thuộc và tăng khả năng đàm phán giá cả, Apple đã chuyển một phần sang các nhà cung ứng khác, chẳng hạn như LG Display hay BOE Technology của Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà cung ứng này đều chậm hơn so với Samsung về công nghệ và sự ổn định về chất lượng.
Một chuyên gia trực tiếp tham gia dự án trong nhiều năm cho biết rằng, Apple đã chi ít nhất 1 tỷ USD cho công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) và các mẫu cho công nghệ micro-LED trong gần 10 năm qua. Họ muốn đảm bảo quyền kiểm soát nhiều hơn đối với các công nghệ màn hình thế hệ tiếp theo cho các sản phẩm trong tương lai.
Các chip trong màn hình micro-LED nhỏ hơn khoảng 100 lần so với các loại chip sử dụng trong các sản phẩm chiếu sáng dạng LED. Đối với dự án màn hình thế hệ mới, Apple đang hợp tác với các nhà cung ứng như ams-Osram (nhập các linh kiện của micro-LED), LG Display (tấm nền) và TSMC (tấm wafer 12 inch).
Các chuyên gia cho biết, ngoài việc thiết kế các vi mạch tích hợp trình điều khiển cho màn hình micro-LED, Apple thậm chí còn tự thiết kế một số thiết bị sản xuất để kiểm soát tốt hơn quá trình truyền khối (mass transfer process). Điều này không có nghĩa là Apple sẽ luôn tự mình thực hiện quá trình chuyển khối. Tuy nhiên, Apple cũng quyết tâm phân bổ nguồn lực để tăng khả năng kiểm soát hơn công nghệ màn hình thế hệ mới.
Nikkei Asia cho biết, Apple có đội ngũ R&D phụ trách về màn hình ở Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản. Đội ngũ nhân sự tại Đài Loan có hơn 1.000 người và đã phê duyệt đơn xin mở rộng cơ sở R&D của Apple vào năm 2020. Ngoài công nghệ micro-LED, cơ sở ở Longtan còn là nơi Apple hợp tác với TSMC để phát triển micro-OLED cho các thiết bị thực tế tăng cường (augmented reality).
Công nghệ micro-LED của Apple vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm và Apple đang có kế hoạch áp dụng công nghệ màn hình mới trên Apple Watch trước tiên, với mục tiêu dự kiến là công nghệ này sẽ sẵn sàng vào năm 2025. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức đối với việc sản xuất hàng loạt.
Nikkei Asia cho biết, kế hoạch cuối cùng của Apple là áp dụng công nghệ màn hình trên iPhone, vốn là nguồn doanh thu chính và có khối lượng lớn hơn nhiều.
Eric Chiou, Chuyên viên phân tích màn hình tại cơ quan nghiên cứu TrendForce nhận định, chip micro-LED cực kỳ nhỏ, vì vậy có thể tích hợp thêm các cảm biến để cung cấp các tính năng như nhận dạng vân tay hoặc các chức năng cảm biến liên quan đến sức khỏe trên các sản phẩm đeo được như đồng hồ thông minh. Ông nói thêm rằng, công nghệ Micro-LED cũng có thể được sử dụng trên điện thoại gập.
Eric Chiou cho biết, Apple đã đầu tư vào công nghệ micro-LED trong nhiều năm qua và dựa trên những động thái trước đây của công ty, họ thường triển khai một công nghệ mới trên nhiều sản phẩm. Apple là một trong số ít thương hiệu chưa tung ra các sản phẩm gập có trang bị màn hình OLED.