Tuy nhiên, có thể Tim Cook đang thay đổi chiến lược kinh doanh.
Ngoài hình ảnh một Apple "sang chảnh" như trước đây, ông đang hướng đến một Apple đại chúng hơn, và việc tung ra iPhone SE dung lượng mới, cũng như bán iPad 9,7 inch thấp hơn iPad Air 2 70 USD nhưng nâng cấp cấu hình (chip A8X đã được thay bằng chip A9 64-bit) thể hiện điều đó.
Đây là động thái cho thấy, Apple thực sự muốn một số sản phẩm của mình cạnh tranh về giá so với các hãng khác.
Ngành công nghiệp di động nên chú ý điều này, bởi những thay đổi của "Táo khuyết" sẽ tác động rất lớn, nhất là khi hãng đang hùng mạnh như hiện nay. Chiếc iPad trước đây đắt đỏ, giờ chỉ từ 330 USD – tương đương giá bán các mẫu máy tính bảng của Samsung, Lenovo hay Microsoft.
iPad 9,7 inch và iPhone SE 32 GB phục vụ chiến lược mới của Apple?
Khi giá còn đắt, Apple vẫn thống trị thị trường máy tính bảng, thì không có lý do gì khi hạ giá, nó không tiếp tục tạo sức hút, dù mặt hàng tablet không còn được ưa chuộng như cách đây vài năm.
iPhone SE "giá rẻ" cũng được nâng lên 32 GB – mức dung lượng đủ để phục vụ cho nhu cầu cơ bản của đa phần người dùng – nhưng giá không đổi. Cải tiến này không lớn, điều mà hãng vừa làm trên iPhone 6 phiên bản 32 GB, nhưng nó thể hiện sự quan tâm đến nhu cầu của khách hàng.
"Apple đang nỗ làm cho các sản phẩm của họ dễ tiếp cận hơn thông qua giá bán thấp hơn", Neil Cybart, một nhà phân tích thị trường độc lập, đưa ra nhận định.
Theo Cybart, ngoài 2 cái tên nói trên, các sản phẩm khác của Apple chưa hẳn đã đắt. Ông ví dụ, tai nghe AirPods có giá lên tới 159 USD nhưng vẫn rất rẻ so với các mẫu tai nghe không dây khác đang có mặt trên thị trường, hay mức giá 269 USD của Apple Watch vẫn rẻ hơn các sản phẩm từ Samsung hay Fossil.
Ông cho rằng, đây chính là những thiết bị làm nhiệm vụ "dẫn đường" cho người dùng mua iPhone nhiều hơn.
"Apple đang có các thay đổi về giá của sản phẩm để định hình phân khúc người dùng. Một mặt, hãng cắt giảm hoặc đưa ra giá bán một số sản phẩm để khách hàng tầm trung dễ tiếp cận, mặt khác đưa ra các sản phẩm đắt tiền sau đó để nhắm vào người dùng cao cấp", Cybart giải thích.
Theo một số tin đồn, iPhone 8 – phiên bản kỷ niệm 10 năm ngày iPhone ra đời – sẽ có giá trên 1.000 USD do chi phí màn hình OLED và cảm biến.
Cybart cho rằng, hãng điện thoại Mỹ đang có chiến lược khôn ngoan, biết đưa sản phẩm nào xuống giá rẻ để làm khách hàng hài lòng, nhưng cũng biết tăng giá các sản phẩm điểm nhấn như iPhone 8 để khách hàng vẫn chịu chi "không ngừng nghỉ". Đó cũng là bí quyết giúp Apple trở thành công ty giá trị nhất thế giới thời gian qua.
Mục tiêu chính của Apple vẫn là lợi nhuận, hãng phải bán được càng nhiều hàng càng tốt. Việc làm mới một số sản phẩm nêu trên để bán với giá rẻ hơn cho thấy sự nhạy bén về thị trường: rũ bỏ vai trò của một công ty chuyên bán sản phẩm cao cấp hoàn toàn để "rẽ nhánh" sang tầm trung.
Tất nhiên, theo Cybart, chiến lược của Apple cũng là con dao 2 lưỡi, bởi nếu các sản phẩm tầm trung đủ tốt, khách hàng sẽ không chịu nâng cấp lên phiên bản cao hơn. Lúc này, phần thiệt lại thuộc về Apple.