Apple “chốt” Ấn Độ, lửng lơ Việt Nam
Cuối cùng, sau một thời gian lưỡng lự, Apple đã quyết định sản xuất iPhone tại thị trường 1,3 tỷ dân Ấn Độ vào trước cuối tháng 4 năm nay. Tất nhiên, vẫn như thông lệ, Apple sẽ không tự sản xuất iPhone, mà hợp tác với Wistron (Đài Loan), chứ không phải Foxconn, sản xuất iPhone tại quốc gia này.
Hiện Wistron đã có công xưởng sản xuất tại Bangalore, “thủ phủ” công nghệ thuộc bang Karnataka của Ấn Độ.
Dễ hiểu vì sao Apple đã quyết định lựa chọn Ấn Độ, bất chấp “lời đe dọa” của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với các công ty "dám" mang việc làm ra khỏi nước Mỹ. Năm ngoái, 2,5 triệu chiếc iPhone đã được bán ra tại thị trường Ấn Độ, đạt mức doanh số bán hàng tốt nhất từ trước tới nay.
Theo dự báo, thị trường Ấn Độ sẽ tiêu thụ tới 750 triệu smartphone vào năm 2020, là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Hiển nhiên, đây là lý do khiến Apple không thể bỏ lỡ “miếng bánh màu mỡ” Ấn Độ.
Chưa kể, thông tin cho biết, trước khi có những quyết định chính thức, Apple đã đưa ra một danh sách dài các yêu cầu đối với Chính phủ Ấn Độ, trong đó bao gồm việc miễn thuế 15 năm đối với linh kiện và thiết bị mà hãng nhập khẩu vào nước này.
Chưa biết bao nhiêu yêu cầu này được Chính phủ Ấn Độ chấp thuận, song chắc chắn đã có những ưu đãi lớn cho “trái táo khuyết”. Không phải ngẫu nhiên mà Giám đốc Điều hành của Apple, Tim Cook đã nói rằng, Ấn Độ chính là “nơi để đến”.
Nhưng trong khi Ấn Độ là “nơi để đến”, thì Việt Nam sẽ ra sao? Năm ngoái, rất nhiều thông tin đồn đoán về việc Apple sẽ đầu tư 1 tỷ USD để xây dựng một trung tâm cơ sở dữ liệu quốc tế phục vụ thị trường châu Á tại Việt Nam. Thậm chí, không chỉ là đồn đoán, Apple đã liên tục tới nhiều địa phương, từ Hà Nội, TP.HCM, rồi Đà Nẵng để tìm kiếm địa điểm đầu tư dự án.
Tuy nhiên, cho tới nay, chưa có thêm thông tin về kế hoạch đầu tư này.
Ấn Độ chính là “nơi để đến” của IPhone
Trong một diễn biến khác, cũng đã có những suy luận về việc Compal - cũng là một trong những đối tác sản xuất của Apple, sẽ hợp tác với hãng này để sản xuất smartphone tại cơ sở sản xuất có vốn đăng ký đầu tư 500 triệu USD của họ tại tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, thông tin mới nhất của Báo Đầu tư, Compal vẫn chưa xúc tiến kế hoạch tái khởi động dự án này, cho dù nhiều lần tuyên bố, nhà máy sẽ bắt đầu đi vào hoạt động cuối năm 2016.
Năm ngoái, rất nhiều thông tin đồn đoán về việc Apple sẽ đầu tư 1 tỷ USD để xây dựng một trung tâm cơ sở dữ liệu quốc tế phục vụ thị trường châu Á tại Việt Nam.
“Nhà máy cũ - chuyên sản xuất máy tính xách tay (PV) - của Compal vẫn đóng cửa, để đấy. Họ chưa làm gì cả”, một lãnh đạo của tỉnh Vĩnh Phúc đã cho phóng viên Báo Đầu tư biết như vậy.
Trong bối cảnh đó, Apple đã quyết định chọn Ấn Độ. Câu hỏi đặt ra là, liệu họ có buông lơi kế hoạch đầu tư ở Việt Nam hay không? Đã thiết lập cơ sở sản xuất tại Ấn Độ thì lẽ thường, sẽ phù hợp hơn nếu họ cũng xây dựng trung tâm cơ sở dữ liệu ở đây. Và càng khó có khả năng đã sản xuất tại Ấn Độ, lại sản xuất tại Việt Nam, dù tất cả những thông tin liên quan đến kế hoạch này cho đến nay chỉ là phỏng đoán và kỳ vọng.
Việt Nam nên dè chừng?
Việc Apple quyết định sản xuất iPhone tại Ấn Độ được dư luận xem là một thắng lợi lớn đối với chính sách “Make in India” của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Chính sách này bắt đầu được thực hiện từ tháng 9/2014, với mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài và trong nước để biến Ấn Độ trở thành trung tâm chế tạo của thế giới.
Dù cũng đã thu hút được trên 24 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2016, nhưng rõ ràng, Việt Nam còn thua Ấn Độ khá xa. Mọi so sánh đều là khập khiễng, song trao đổi với Báo Đầu tư, GS-TSKH. Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, Ấn Độ đang trở thành đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Sau sáng kiến “Make in India”, cũng như các sáng kiến “Skill India”, “Digital India”, Ấn Độ đã vươn lên lọt vào top 10 nước thu hút đầu tư lớn nhất thế giới ngay trong năm 2014, với 34 tỷ USD, tăng 22% so với 28 tỷ USD của năm 2013, chiếm 83,5% tổng vốn đầu tư vào khu vực Nam Á (41,2 tỷ USD). Con số đã tăng lên 44,2 tỷ USD trong năm tài chính 2014 - 2015 và đạt mức kỷ lục 55,4 tỷ USD trong năm tài chính vừa qua.
“Sở dĩ Ấn Độ có sức hấp dẫn như vậy là vì quốc gia này áp dụng cơ chế 2 cấp ưu đãi, trung ương và tiểu bang. Ấn Độ có lợi thế về những ngành thâm dụng lao động vì mức lương nhân công tại Ấn Độ chỉ bằng 1/2 lương tại Việt Nam. Còn những ngành công nghệ cao, Ấn Độ có lợi thế nổi trội hơn hẳn, được mệnh danh là ‘thung lũng Silicon’ của khu vực châu Á”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói và cho rằng, việc tăng trưởng GDP của Ấn Độ đạt khoảng 7,5% trong năm qua, cộng thêm các chính sách cởi mở của Chính phủ Ấn Độ, thị trường này đang ngày càng trở nên hấp dẫn hơn trong con mắt của nhà đầu tư nước ngoài.
Do vậy, Việt Nam phải theo dõi các động thái từ thị trường này để có cách tiếp cận mới trong thu hút đầu tư nước ngoài, nếu không sẽ không thể cạnh tranh được với Ấn Độ.
Thông tin cho biết, tháng đầu tiên của năm mới 2017, vốn đầu tư vào Việt Nam khá tích cực. Nhiều dự án lớn đã được cấp chứng nhận nhận đầu tư trong tháng qua như: Dự án KCN Việt Nam - Singapore 3 ở Bình Dương, vốn đầu tư 284,75 triệu USD; Dự án sản xuất sợi lốp 220 triệu USD của Kolon Industries Inc tại Bình Dương; Dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp Lan Sơn và Nhà máy nhựa Khải Hồng Việt, tổng vốn đầu tư 150 triệu USD của Wenzhou Hendy Mechanism and Plastics Co., Ltd (Trung Quốc) tại Bắc Giang; Dự án mở rộng Nhà máy bia công suất 610 triệu lít/năm, vốn đầu tư 185 triệu USD của Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam tại Bà Rịa - Vũng Tàu...
Dự báo, vốn đầu tư vào Việt Nam vẫn tiếp tục xu hướng tăng, khi nhiều dự án quy mô lớn sẽ được cấp chứng nhận đầu tư trong nay mai, điển hình là dự án tăng vốn 2,5 tỷ USD của Samsung Display. Tuy nhiên, dè chừng Ấn Độ cũng là điều mà Việt Nam vẫn cần phải tính tới.