Sau phiên giảm mạnh trong phiên trước đó, chứng khoán Mỹ đã nỗ lực hồi phục trở lại trong phiên thứ Năm khi kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp ngành viễn thông và hàng tiêu dùng tích cực. Tuy nhiên, nỗ lực này đã gặp phải vật cản lớn là cổ phiếu Apple.
Trong phiên thứ Năm, cổ phiếu Apple giảm 2,35%, xuống mức 90,34 USD/CP, mức thấp nhất kể từ 6/2014 khi nhà đầu tư lo ngại về nhu cầu mua iPhone chậm lại.
Ngoài ra, hai quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát biểu cho rằng, cơ quan này nên tăng lãi suất nếu dữ liệu kinh tế được cải thiện, cũng gây chút ái ngại cho nhà đầu tư.
Chốt phiên giao dịch thứ Năm, chỉ có Dow Jones giữ được sắc xanh nhạt nhờ sự hỗ trợ của cổ phiếu Microsoft, còn 2 chỉ số chính còn lại đều đóng cửa dưới tham chiếu, nhưng mức giảm không còn mạnh như phiên thứ Tư.
Kết thúc phiên 12/5, chỉ số Dow Jones tăng 9,38 điểm (+0,05%), lên 17.720,50 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,35 điểm (-0,02%), xuống 2.064,11 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 23,35 điểm (-0,49%), xuống 4.737,33 điểm.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu tiếp tục giảm mạnh trong phiên thứ 2 liên tiếp do ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh không khả quan của các doanh nghiệp vừa công bố, cũng như ảnh hưởng từ việc giảm giá khá mạnh của cổ phiếu Bayer và BASF khi có thông tin cả 2 đều quan tâm đến việc mua lại Monsanto.
Kết thúc phiên 12/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 58,30 điểm (-0,95%), xuống 6.104,19 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 113,2 điểm (-1,13%), xuống 9.862,12 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 23,4 điểm (-0,54%), xuống 4.293,27 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc đồng yên tiếp tục giảm so với đồng USD giúp chứng khoán Nhật Bản có phiên tăng thứ 4 liên tiếp, nhưng đà tăng bị hạn chế do ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh kém khả quan của Toyota.
Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông vẫn tiếp tục giảm và đóng cửa ở mức điểm thấp nhất 10 tuần do ảnh hưởng từ chứng khoán Âu, Mỹ trong phiên trước đó. Chứng khoán Trung Quốc cũng không thể giữ được sắc xanh nhạt đã có trong phiên thứ Tư.
Kết thúc phiên 12/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 67,33 (+0,41%), lên 16.646,34 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 139,83 (-0,70%), xuống 19.915,46 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 1,18 điểm (-0,04%), xuống 2.835,86 điểm.
Trên thị trường vàng, những gì đã có được trong phiên thứ Tư đã được trả lại hết, thậm chí là hơn trong phiên thứ Năm khi đồng USD tăng mạnh. Đồng bạc xanh đã phục hồi hơn 2,5% từ mức đáy của tháng trong tuần trước. Ngoài ra, phát biểu của 2 quan chức Fed về khả năng tăng lãi suất cũng ảnh hưởng không tích cực lên giá vàng.
Kết thúc phiên 12/5, giá vàng giao ngay giảm 13,5 USD (-1,06%), xuống 1.263,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 4,3 USD (-0,34%), xuống 1.271,2 USD/ounce.
Thông tin về kho dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ giảm tuần trước, cũng như nguồn cung bị gián đoạn ở Nigeria, cháy rừng ở Canada ảnh hưởng đến khai thác… giúp giá dầu thô tiếp tục có phiên tăng giá thứ 3 liên tiếp. Tuy nhiên, đà tăng đã chậm lại và có nguy cơ đảo chiều khi Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho rằng, thặng dư dầu thế giới đứng ở mức 1,5 triệu thùng dầu mỗi ngày và thị trường có thể không cân bằng cho đến nửa đầu năm 2017.
Kết thúc phiên 12/5, giá dầu thô Mỹ tăng 0,47 USD (+1,01%), lên 46,70 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,48 USD (+1,00%), lên 48,08 USD/thùng.