Theo mô tả, sáng chế này được gọi là "Hệ thống dịch vụ pin tích hợp" (Integrated Battery Service System), là công nghệ cho phép vi xử lý điều khiển nguồn điện trong khi sạc. Cụ thể, điện thoại sẽ sạc nhanh hơn khi mức pin điện thoại dưới 80%. Nếu ở trên mức đó, bộ sạc sẽ đưa vào smartphone nguồn điện thấp hơn.
Tuy đã khởi kiện Apple, nhưng Somaltus vẫn chưa đưa ra được mức thiệt hại, cũng như khoản đền bù nếu nhận được. Trên thực tế, hãng này cũng chưa có sản phẩm hoặc dịch vụ nào sử dụng sáng chế trên. Nhưng trong quá khứ, họ đã thắng Ford và Nissan trong một vụ kiện tương tự.
Trong khi đó, tại Nga, một người đàn ông tên Dmitry Petrov đã khởi kiện Apple vì đã… không mở trung tâm bảo hành tại nước này. Theo Moscow Times, chiếc iPhone của Petrov đã bị hỏng màn hình. Dù đang trong thời hạn bảo hành nhưng ông không thể tìm được nơi sửa chữa chính hãng do Apple chưa triển khai hệ thống bán lẻ và chăm sóc khách hàng tại Nga. Người này chỉ còn 2 lựa chọn: gửi ra nước ngoài sửa chữa thông qua công ty chuyển phát, hoặc làm điều đó tại các cửa hàng sửa điện thoại trong nước nhưng giá lên tới 469 USD.
Trong đơn khiếu nại gửi lên Tòa án Kinh doanh Nga, Petrov nhấn mạnh Apple đã vi phạm luật bảo vệ người tiêu dùng bởi hãng đã không có chế độ hậu mãi, cụ thể là cung cấp phụ kiện thay thế tại nơi họ bán sản phẩm. Đồng thời, ông cũng "đòi" Apple phải xây dựng một trung tâm dịch vụ khách hàng mới, cũng như hợp thức hóa việc bán iPhone tại Nga.
Nga là một thị trường tiềm năng của Apple nhưng có vẻ hãng chưa "mặn mà" cho lắm. Tuy nhiên, sau vụ kiện này, công ty có trụ sở tại Cupertino (Mỹ) có thể phải suy nghĩ lại. Theo Phonearena, nếu xây dựng mạng lưới bán lẻ và trung tâm chăm sóc khách hàng tại xứ sở bạch dương, thị phần iPhone có thể sẽ tăng tới 17%.
Hiện Apple vẫn chưa đưa ra bình luận nào trong cả hai vụ việc trên.