Một số app đầu tư đang lấn sang lĩnh vực mới như phân phối chứng chỉ quỹ, cho vay ngang hàng

Một số app đầu tư đang lấn sang lĩnh vực mới như phân phối chứng chỉ quỹ, cho vay ngang hàng

App đầu tư chuyển mình

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cùng với những diễn biến không thuận lợi của thị trường chứng khoán, tài sản số… và các rủi ro thường được đề cập liên quan tới quy định pháp lý và mô hình kinh doanh, các ứng dụng đầu tư trực tuyến có sự chuyển mình để tiếp tục giữ vai trò nhà cung cấp kênh đầu tư đơn giản, hiệu quả.

Chuẩn hoá hoạt động

Trong những năm qua, các ứng dụng đầu tư trực tuyến (app đầu tư) nhanh chóng phát triển và giành được vị thế nhất định trên thị trường. Theo Business of Apps, số lượng người dùng các ứng dụng đầu tư trong năm 2021 trên toàn thế giới đạt hơn 130 triệu người, tăng 49% so với năm trước đó. Các ứng dụng đầu tư đã tạo ra doanh thu 22,8 tỷ USD năm 2021; trong đó, Robinhood là ứng dụng nổi bật nhất.

Với ứng dụng đầu tư, nhà đầu tư cá nhân có thể tham gia thị trường chứng khoán, trái phiếu, chứng chỉ quỹ… bằng thao tác đơn giản trên các thiết bị di động, chi phí thấp và số vốn nhỏ. Nhiều yếu tố khác hỗ trợ nhà đầu tư sử dụng ứng dụng đầu tư, bao gồm việc dễ dàng truy cập các thông tin tài chính - đầu tư, sự thông dụng của các nền tảng mạng xã hội, tư vấn cá nhân, chatbot… Sự bùng nổ thông tin tại các nền tảng mạng xã hội và các chính sách tặng thưởng của ứng dụng đầu tư góp phần thôi thúc người dùng mới tìm tới và gắn kết với các ứng dụng đầu tư.

Tại thị trường Việt Nam, các ứng dụng đầu tư cho phép người dùng tích lũy hoặc khởi đầu hoạt động đầu tư bằng số vốn rất nhỏ, chỉ từ 10.000 - 50.000 đồng/lần, bắt đầu phát triển mạnh mẽ, với cộng đồng người dùng đáng kể.

Tuy nhiên, cùng với những diễn biến không thuận lợi của thị trường đầu tư, bao gồm sự sụp đổ niềm tin tại thị trường trái phiếu, tài sản số… và các rủi ro thường được đề cập liên quan tới quy định pháp lý và mô hình kinh doanh, các ứng dụng đầu tư có sự chuyển mình để tiếp tục giữ vai trò nhà cung cấp kênh đầu tư đơn giản, hiệu quả cho nhà đầu tư.

Sự dịch chuyển rõ nét nhất phải kể tới việc Finhay - ứng dụng đầu tư có thâm niên bậc nhất trên thị trường đầu tư tài chính vi mô, đồng thời là một trong những ứng dụng đầu tư cá nhân phổ biến nhất tại thị trường Việt Nam với hơn 3 triệu người dùng đã mua lại Công ty cổ phần Chứng khoán Vina (VNSC). Theo đó, tài sản của người dùng sau quá trình chuyển đổi sẽ được giao dịch và quản lý bởi VNSC, doanh nghiệp được cấp phép và giám sát hoạt động trực tiếp bởi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, khác với trước đây là sẽ được thực hiện ủy thác quản lý danh mục đầu tư cho công ty quản lý quỹ đối tác.

Bên cạnh đó, với việc VNSC đã được cấp phép hoạt động phân phối chứng chỉ quỹ, Công ty sẽ thay mặt các công ty quản lý quỹ phân phối sản phẩm và ghi nhận thông tin nhà đầu tư, lệnh đầu tư theo pháp luật hiện hành.

Sau khi chúng tôi hoàn tất lộ trình chuyển đổi, người sử dụng sản phẩm và dịch vụ trên ứng dụng của Finhay sẽ được bảo hộ trực tiếp bởi hệ thống pháp luật chứng khoán.

Ông Nghiêm Xuân Huy, Nhà sáng lập, Giám đốc Finhay

“Sau khi chúng tôi hoàn tất lộ trình chuyển đổi, người sử dụng sản phẩm và dịch vụ trên ứng dụng của Finhay sẽ được bảo hộ trực tiếp bởi hệ thống pháp luật chứng khoán. Các hoạt động của VNSC với nhà đầu tư sẽ được quản lý và giám sát chặt chẽ bởi Uỷ ban Chứng khoán”, ông Nghiêm Xuân Huy, nhà sáng lập, Giám đốc Finhay cho biết.

Trong khi đó, các ứng dụng đầu tư Tikop và Topi ký kết hợp tác với Fmarket - nền tảng duy nhất tập trung các quỹ mở hàng đầu Việt Nam đã được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép.

Cụ thể, Công ty cổ phần Đầu tư VAM hiện đang sở hữu ứng dụng đầu tư và quản lý TOPI ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược với Công ty cổ phần Fincorp. Fincorp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính với hai sản phẩm chính là nền tảng Fmarket dành cho nhà đầu tư và nền tảng F-Platform cung cấp hệ thống quản trị và phân phối sản phẩm cho các công ty quản lý quỹ.

Năm 2018, Công ty cổ phần Fincorp đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động phân phối chứng chỉ quỹ mở.

Với Tikop, nền tảng Fmarket sẽ trở thành đơn vị hỗ trợ khách hàng trong việc giao dịch đầu tư chứng chỉ quỹ. Theo đó, nhà đầu tư có thể mua chứng chỉ quỹ được phân phối bởi Fmarket ngay trên ứng dụng này. Tài sản chứng chỉ quỹ của nhà đầu tư đã mua trước đó tại Tikop sẽ được hai bên phối hợp chuyển giao để nhà đầu tư trực tiếp đứng tên sở hữu với công ty quản lý quỹ. Điều này đảm bảo các nhà đầu tư đứng tên sở hữu hợp pháp các chứng chỉ quỹ và các nhà đầu tư được đăng ký tài khoản giao dịch trực tiếp với công ty quản lý quỹ.

Ra mắt từ năm 2020, đến nay, Tikop đang cung cấp dịch vụ đầu tư và tích lũy trực tuyến cho hơn 800.000 khách hàng.

Lấn sân lĩnh vực mới

Trong khi các ứng dụng đầu tư - tích luỹ trên thị trường đang tập trung vào các dịch vụ phân phối chứng chỉ quỹ, đầu tư chứng khoán, tích luỹ…, một số ứng dụng khác “mạo hiểm” hơn khi lấn sân lĩnh vực mới.

Buff - ứng dụng đầu tư và tích luỹ của Công ty cổ phần Buff Fintech vừa ra mắt sản phẩm tài trợ vốn cho doanh nghiệp vào cuối năm 2022. Theo đó, bên cạnh việc cung cấp các gói tích luỹ, Buff bắt đầu triển khai dịch vụ cho vay ngang hàng (P2P Lending), trong bối cảnh thị trường có nhiều diễn biến bất ổn.

Theo thông tin quảng bá từ Buff, sản phẩm B-Funding (Business Funding) là sản phẩm hưởng thu nhập cố định độc quyền chỉ có tại Buff, vừa ra mắt ngày 25/11/2022. Sản phẩm giúp nhà đầu tư tài trợ vốn cho các doanh nghiệp để phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh, đầu tư, tái cơ cấu nguồn vốn. Số vốn tối thiểu để đầu tư chỉ từ 100.000 đồng.

Thông qua B-Funding (Business Funding), nhà đầu tư có thêm lựa chọn để đầu tư vào công cụ nợ do các doanh nghiệp phát hành. Doanh nghiệp nhận tài trợ thông qua B-Funding có nghĩa vụ thanh toán tiền lãi và gốc đầu tư định kỳ cho nhà đầu tư.

Với hình thức này, Buff sẽ trở thành ứng dụng kết nối nhà đầu tư/người có nhu cầu cho vay với khách hàng/người vay là các doanh nghiệp. Đây là mô hình P2P Lending đã được nhiều công ty trên thị trường tham gia. Tuy nhiên, các hoạt động theo mô hình P2P Lending chưa được thừa nhận và bảo hộ bởi pháp luật.

Nhà đầu tư cho vay qua các ứng dụng P2P Lending đối diện hai nhóm rủi ro là chưa có quy định pháp luật điều chỉnh và rủi ro quản trị khi không thể giám sát, nắm bắt được tình hình tài chính và hoạt động của ứng dụng.

Thực tế, nhà đầu tư hoàn toàn “mù tịt” về tỷ lệ nợ xấu, năng lực thẩm định, xét duyệt hồ sơ vay cho vay của các app… Chỉ cần nợ xấu lớn, các công ty P2P Lending sẽ phải ôm nợ gánh khoản lãi 18 - 20%/năm và khi nhà đầu tư rút tiền, không có người cho vay mới, các app sẽ mất khả năng thanh toán. Sự kiện VO247 và Fiin Credit - hai công ty P2P Lending tại thị trường Việt Nam “cạn” thanh khoản, ngừng cho phép nhà đầu tư rút tiền là tiếng chuông cảnh báo.

Tin bài liên quan