ĐHĐCĐ thường niên 2017 của API được tổ chức vào ngày 15/6/2017, thì đến ngày 11/9/2017, ADVF gửi đơn yêu cầu tới tòa án.
ADVF là cổ đông nước ngoài sở hữu 5,7 triệu cổ phần của API (chiếm tỷ lệ 16,18%).
Trước cuộc họp ĐHĐCĐ, ADVF đã đăng ký tham gia cuộc họp dưới hình thức ủy quyền cho các cá nhân khác có quyền tham dự và biểu quyết. Cổ đông nước ngoài cũng gửi bản fax để API xác nhận. Tuy nhiên, đến ngày 15/6/2017, khi các đại diện ủy quyền đến tham dự ĐHĐCĐ thì không được Ban kiểm tra tư cách cổ đông công ty chấp thuận với lý do giấy ủy quyền chưa được hợp pháp hóa lãnh sự. Do đó, chưa xác minh được tính hợp pháp của những người được ủy quyền.
Trong quá trình giải quyết vụ việc, ngày 29/11/2017, TAND TP Hà Nội ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, buộc API phải tạm dừng thực hiện 9 nội dung tại Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2017.
Sau khi xem xét, Hội đồng phiên họp cho rằng, việc từ chối các giấy ủy quyền là không phù hợp với Điều 114, 140,147 Luật Doanh nghiệp; Điều lệ và quy chế tổ chức ĐHĐCĐ của API.
Cùng với quyết định hủy Nghị quyết ĐHĐCĐ, biện pháp khẩn cấp tạm thời vẫn tiếp tục được duy trì đến khi quyết định giải quyết việc dân sự có hiệu lực pháp luật. Thời hạn để các đương sự kháng cáo là 10 ngày.
Một số nội dung của Nghị quyết như thông qua BCTC hợp nhất năm 2016 với vốn chủ sở hữu là 373,2 tỷ đồng; doanh thu thuần là 49,7 tỷ đồng; lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 3,1 tỷ đồng; thông qua việc phát hành 5% cổ phiếu ESOP (tương đương 1,77 triệu cổ phiếu) cho toàn bộ cán bộ công nhân viên công ty nhằm bổ sung vốn lưu động; thông qua việc phát hành trái phiếu riêng lẻ để huy động 500 tỷ đồng.
Nghị quyết ĐHĐCĐ cũng thông thông qua việc miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT của bà Lusy Miranda.
Đến đầu tháng 12/2017, ADVF đã nâng sở hữu lên 6,293 triệu cổ phiếu API, chiếm 17,78% vốn điều lệ API. Cổ đông này cũng đăng ký mua thêm 30.000 cổ phiếu API từ 6-29/12/2017. Hiện chưa thấy công bố kết quả giao dịch.