Áp lực tỷ giá năm 2022 không lớn

0:00 / 0:00
0:00
Theo ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng United Overseas Bank (UOB), áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại hối trong năm tới là không lớn, nhất là khi cung ngoại tệ của Việt Nam dồi dào.

Thưa ông, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát sẽ tác động ra sao lên thị trường ngoại hối cũng như tỷ giá VND/USD trong thời gian tới?

Việc tăng lãi suất của Fed trong năm 2022 cũng đã có kế hoạch rõ ràng, với lộ trình 3 lần, nhưng mức tăng không quá lớn, chỉ 0,25%/lần. Vì kế hoạch tăng lãi suất của Fed đã rõ, nên thị trường cũng tính toán các mức lãi suất hiện nay. Mức lãi suất Libor (là lãi suất chuẩn mà tại đó các ngân hàng toàn cầu lớn cho nhau vay trên thị trường liên ngân hàng quốc tế đối với các khoản vay ngắn hạn) 12 tháng cũng đã lên vài chục điểm so với đầu năm nay. Tuy nhiên, áp lực này được hỗ trợ rất lớn từ phần thặng dư về nguồn cung ngoại tệ của Việt Nam vẫn ổn định, không thay đổi nhiều trong năm 2021.

Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng United Overseas Bank (UOB).

Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng United Overseas Bank (UOB).

Mặc dù diễn biến dịch bệnh Covid-19 trong năm 2021 rất phức tạp và nghiêm trọng, song tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vẫn khả quan. Số liệu của Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, hoạt động kinh doanh của Việt Nam đang trở lại bình thường, đặc biệt đối với khu vực ngoại thương. Xuất khẩu tháng 11/2021 tăng 18,5%, trong khi nhập khẩu tăng 20,8%, với thặng dư thương mại 100 triệu USD. Tính từ đầu năm đến tháng 11, giá trị xuất khẩu đạt mức kỷ lục là 300 tỷ USD. Tính chung 11 tháng của năm 2021, xuất siêu 1,46 tỷ USD.

Quan trọng không kém là Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái, dù có 3 tháng bị giảm do cách ly ở nhiều khu vực trong nước. Đáng chú ý là, bất chấp làn sóng lây nhiễm và đóng cửa do Covid-19, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam. Tính đến cuối tháng 11, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,46 tỷ USD, điều này cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư vẫn ở mức cao.

Tỷ giá VND/USD được cho là sẽ duy trì xu hướng tăng trong năm 2022, thưa ông?

Theo dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý I/2022 của Ngân hàng United Overseas Bank (UOB), tỷ giá VND/USD được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng cùng xu hướng của các cặp tỷ giá giữa USD và các đồng tiền châu Á khác khi Fed bắt đầu tăng lãi suất vào năm sau. Cụ thể, UOB dự báo tỷ giá sẽ ở mức 23.100 VND/USD trong quý I/2022; 23.200 VND/USD trong quý II/2022; 23.300 VND/USD trong quý III/2022 và 23.400 VND/USD trong quý IV/2022.

VND đã tăng giá so với USD trong cả năm qua và tăng nhanh nhất sau khi Việt Nam đạt được thỏa thuận với Bộ Tài chính Mỹ vào tháng 7/2021, với cam kết không cố tình làm suy yếu VND nhằm đạt được lợi thế xuất khẩu. Thực tế cho thấy, VND đã có lúc chạm mức cao nhất kể từ tháng 2/2017 với 22.645 VND/USD (ngày 12/11/2021), so với mức 23.080 VND/USD hồi đầu năm nay.

Nhưng tháng 12/2021, VND đã bất ngờ đảo chiều giảm giá sau một loạt điều chỉnh tỷ giá tham chiếu từ cơ quan quản lý cùng với nhu cầu mua ngoại tệ của nhóm khách hàng doanh nghiệp và hoạt động giao dịch ngân hàng tăng cao. Biến động này đã xóa sạch mức tăng giá từ đầu năm đến nay của VND, kéo tỷ giá lên khoảng 23.100 VND/USD vào ngày 15/12 (VND giảm giá so với USD).

Các dự báo về mức tỷ giá chúng tôi đưa ra cũng cho thấy, VND theo xu hướng chung của các đồng tiền trong khu vực và chỉ mất giá nhẹ so với USD. Dự báo tỷ giá trong quý I/2022 vẫn xoay quanh mức 23.100 VND/USD. Theo quan điểm của chúng tôi, tỷ giá năm 2022 chưa phải là vấn đề nóng và lo lắng.

Còn với lãi suất VND, liệu có áp lực khi Fed tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát?

Với mỗi lần điều chỉnh lãi suất của Fed là 0,25%, thì sau 3 lần tăng cũng chỉ lên mức 0,75%. Như vậy, lãi suất cơ bản của USD đến cuối năm sau cũng chỉ ở mức khoảng 1%, chưa phải là vấn đề lớn và áp lực lên tỷ giá VND.

Như chúng ta đã thấy, hiện khoảng cách giữa lãi suất tiết kiệm VND và USD khá lớn. Chính sách áp dụng lãi suất huy động vốn bằng USD của Việt Nam 0% tiếp tục được duy trì. Mặt khác, lạm phát của Việt Nam được kiểm soát ở mức thấp, nên chênh lệch giữa lãi suất tiền đồng và ngoại tệ hiện nay cũng được xem là ổn định. Lạm phát của Việt Nam năm 2021 khoảng 2%, trong khi đó, lãi suất huy động bằng VND đang được các ngân hàng áp dụng ở mức 4-5%/năm, nên thực tế khách hàng gửi tiết kiệm vẫn hưởng lãi suất thực dương.

Với bối cảnh lạm phát tương đối lành tính và triển vọng không chắc chắn do biến thể Omicron mới xuất hiện, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có khả năng sẽ giữ ổn định chính sách của mình để hỗ trợ các nỗ lực phục hồi. Với kỳ vọng tình hình sẽ được quản lý tốt giống như đã từng xảy ra trước đây, nên cả lãi suất tái cấp vốn ở mức 4% và lãi suất tái chiết khấu ở mức 2,5% sẽ vẫn giữ ở mức thấp kỷ lục ở thời điểm hiện tại.

Trước áp lực lạm phát tại Mỹ tăng mạnh, liệu Fed có tăng lãi suất cao hơn mức trên hay không, thưa ông?

Áp lực lạm phát của Mỹ trong năm 2021 có đặc thù, không giống như lạm phát của các năm trước. Lạm phát của Mỹ hiện nay chủ yếu đến từ việc toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, dẫn đến chuỗi cung ứng hàng hóa bị tác động, chậm lại rất nhiều. Chẳng hạn trước đây, vòng quay từ lúc sản xuất đến tay người tiêu dùng chỉ mất khoảng 3 tháng, thì nay kéo dài 6 tháng. Lạm phát có thể đến từ các yếu tố bên ngoài, chứ không phải từ yếu tố chính sách tiền tệ.

Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và có gia tăng hay không thì không ai có thể đoán trước được, nhưng nhìn chung các dự báo về tình hình dịch bệnh của năm 2022 đều tích cực, kể cả sang năm 2023. Nếu dịch bệnh qua đi và chuỗi cung ứng quay trở lại hoạt động bình thường, thì theo tôi, áp lực lạm phát của Mỹ sẽ giảm lại.

Tin bài liên quan