Áp lực từ EVFTA với nông sản Việt

0:00 / 0:00
0:00
Xuất khẩu nông sản Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi EVFTA được thực thi, tuy nhiên thị trường EU có yêu cầu cao về chất lượng và chứng nhận xuất xứ.
Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Theo ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thực thi từ ngày 1/8, xuất khẩu nông sản Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhờ các ưu đãi thuế quan, nhưng thị trường EU có yêu cầu cao về chất lượng và chứng nhận xuất xứ.

Với EVFTA, nông sản Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhờ các ưu đãi thuế quan và có thể gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU, thưa ông?

Với ngành nông nghiệp, EU cam kết xóa bỏ trên 99% số dòng thuế sau 7 năm, đồng thời cung cấp hạn ngạch cho Việt Nam. Theo đó, nông sản xuất khẩu của Việt Nam được nâng cao sức cạnh tranh so với nông sản của Ấn Độ và Thái Lan (không có FTA với EU).

EU là một trong 2 thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch trên 4 tỷ USD năm 2019, chiếm 10% kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng này. Khi EVFTA được thực thi, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang EU dự báo sẽ tăng trưởng.

Việt Nam và EU có hai ngành nông nghiệp bổ trợ cho nhau. Việt Nam xuất sang thị trường EU các mặt hàng cà phê, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, tiêu, điều, cao su tự nhiên, rau quả… Trong khi đó, EU là một trong những thị trường chính mà Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu, sữa và sản phẩm sữa, các sản phẩm chăn nuôi...

EU là thị trường tiêu dùng có tiêu chuẩn cao. Do vậy, sẽ có những thách thức không nhỏ mà ngành nông nghiệp phải vượt qua khi EVFTA được thực thi?

Kể từ khi hội nhập, sản xuất nông nghiệp Việt Nam đã có những bước chuyển lớn, nhất là khi có chủ trương tái cơ cấu theo hướng nâng cao chất lượng, tăng giá trị gia tăng. Các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU đã đăng ký chất lượng theo tiêu chuẩn EC. Tuy nhiên, EU là thị trường khó tính, có yêu cầu khắt khe đối với các mặt hàng nhập khẩu, nhất là nông, lâm, thủy sản.

Nhiều năm qua, một số lô hàng nông sản của Việt Nam đã bị EU trả lại hoặc từ chối nhập khẩu do nhiều nguyên nhân như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, không ghi nhãn đúng quy cách, không dán nhãn, sử dụng bao bì không đảm bảo chất lượng... Điều này cho thấy, chất lượng nông sản, khâu tự kiểm tra chất lượng và quy cách sản phẩm còn là vấn đề phải chú trọng cải thiện.

Để được hưởng ưu đãi thuế quan trong khuôn khổ EVFTA, nông sản Việt phải có xuất xứ thuần túy hoặc phải đáp ứng được các yêu cầu hàm lượng giá trị nội địa không dưới 40% mới, phải có một số công đoạn sản xuất tại các nước thành viên. Một số sản phẩm của Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu từ các nước ngoài EU về chế biến và xuất khẩu sang EU cần chú ý như: đồ gỗ, hạt điều, thủy, hải sản.

Với ngành hàng cà phê, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới. Liệu cà phê Việt Nam có thể tận dụng cơ hội từ EVFTA để vươn lên thành quán quân trong xuất khẩu?

EU là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất trên thế giới, với kim ngạch nhập khẩu từ các nước ngoại khối khoảng 10 tỷ USD/năm. Hiện xuất khẩu cà phê Việt Nam sang EU chiếm trên 8,5% tổng nhập khẩu của EU và chiếm trên 42% lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam. Khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ mức thuế từ 7,5-9% ngay lập tức cho cà phê nhân (rang, rang xay) và từ 9-11,5% trong vòng 3 năm cho một số chế phẩm từ hạt cà phê bao gồm cà phê hòa tan, tinh chất chứa cà phê.

Đây là cơ hội lớn để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu cà phê chế biến sang EU, nhưng trở thành quán quân trong xuất khẩu cà phê thế giới là điều không hề dễ dàng. Năm 2019, Brazil xuất khẩu khoảng 1,1 triệu tấn cà phê sang EU, trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu sang EU khoảng 677.000 tấn. Cơ cấu cà phê xuất khẩu của Brazil có tỷ lệ Arabica nhiều hơn, nên cho giá trị cao hơn.

Tuy nhiên, với riêng Robusta, thì Việt Nam là nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu trong nhiều năm qua. Xuất khẩu cà phê Robusta vẫn có tiềm năng và lợi thế rất lớn tại thị trường EU, đặc biệt là các sản phẩm chế biến.

Để tận dụng các cơ hội, ngành cà phê Việt Nam cần chú trọng các giải pháp như: nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch bằng cách thúc đẩy thực hành sản xuất tốt trong các khâu trồng, chăm sóc, thu hái, sấy, chế biến và bảo quản theo chuỗi, thúc đẩy truy xuất nguồn gốc xuất xứ; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác công tư, chủ động tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa các công ty nhà nước, khuyến khích các nhà đầu tư lớn trong nước đầu tư vào chế biến…

Khi EVFTA được thực thi, nông sản Việt Nam còn chịu áp lực từ chính thị trường trong nước, khi hàng hóa từ EU tràn sang?

Với EVFTA, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan với 48,5% số dòng thuế (64,5% kim ngạch nhập khẩu), sau 10 năm là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ tăng sức ép cạnh tranh cho nhà sản xuất trong nước không chỉ về giá, mà còn về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.  

Ngành được dự báo gặp áp lực cạnh tranh lớn là chăn nuôi, khi mức thuế dao động từ 11-40% về 0%. Các mặt hàng có dư địa thuế tương đối cao như thịt gà và thịt lợn có lộ trình cắt giảm thuế dài (8-10 năm), trong khi thịt bò, sữa và các sản phẩm từ sữa có lộ trình giảm nhanh (0-3 năm). Một số sản phẩm trái cây cũng có thể chịu sự cạnh tranh mạnh từ các sản phẩm nhập khẩu của EU.

Ông có đề xuất chính sách gì nhằm đảm bảo giao thương thuận lợi, cũng như quyền lợi của doanh nghiệp và sản phẩm trong nước?

Trước hết, cần nâng cao năng lực của các tổ chức nông dân, qua đó tăng cường năng lực cạnh tranh mạnh mẽ hơn trên thị trường nội địa đối với các mặt hàng như thịt, sữa; hỗ trợ sinh kế cho hộ sản xuất nhỏ nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và hạn chế sự cạnh tranh của các mặt hàng nhập khẩu từ EU.

Ngoài ra, cần nghiên cứu và xây dựng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp để chủ động đối phó với các tranh chấp thương mại (thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, đối kháng) và rào cản kỹ thuật (chất lượng, môi trường, bảo hộ sản phẩm chế biến...).

Về dài hạn, phải tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Việc tái cơ cấu sẽ là cơ hội để định hướng lại sự phát triển của ngành theo hướng hội nhập và bền vững, đáp ứng tốt hơn những yêu cầu của EVFTA về những yếu tố phi thuế quan như môi trường, an toàn thực phẩm hay truy xuất nguồn gốc xuất xứ.

Bên cạnh đó, cần tuyên truyền cho người sản xuất, doanh nghiệp về các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, xuất xứ hàng xuất khẩu sang thị trường EU. Thu hút và thúc đẩy doanh nghiệp xuất khẩu tăng cường đầu tư chế biến sâu để gia tăng hàm lượng giá trị nội địa. Các cơ quan nhà nước nên ban hành sớm Thông tư về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào EU quy định rõ các quy trình, thủ tục để các doanh nghiệp có thể tận dụng ngay các cam kết ưu đãi của EVFTA.

Tin bài liên quan