Áp lực từ chênh lệch huy động và cho vay

Áp lực từ chênh lệch huy động và cho vay

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tốc độ tăng trưởng huy động vốn đang chậm hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng. Theo giới phân tích, nếu không đẩy mạnh tăng cung tiền thì lãi suất sẽ có xu hướng nhích lên.

Huy động chậm hơn cho vay

Báo cáo tài chính quý III/2024 của các ngân hàng cho thấy tốc độ tăng trưởng tín dụng luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng huy động vốn.

Chẳng hạn, tại Techcombank, đến cuối tháng 9/2024, tổng tài sản của Ngân hàng đạt 927.100 tỷ đồng, tăng 9,1% so với đầu năm và tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước. Riêng ngân hàng mẹ, tín dụng tăng trưởng 17,4% so với đầu năm, lên 622.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, tiền gửi của khách hàng đạt 495.000 tỷ đồng, tăng 8,9% so với đầu năm và tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến cuối quý III/2024, tổng tài sản của MB chính thức vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, tăng 8,9% so với đầu năm; trong đó, cho vay khách hàng tăng trưởng 14,9%, lên 702.020 tỷ đồng. Trong khi đó, tiền gửi của khách hàng tăng 10,6%, đạt 627.567 tỷ đồng vào cuối tháng 9.

Tương tự, tại ngày 30/9/2024, tín dụng của ACB đạt 555.000 tỷ đồng, huy động vốn đạt 512.000 tỷ đồng, lần lượt ghi nhận mức tăng trưởng 13,8% và 6,1% so với đầu năm.

Cùng thời điểm, dư nợ cho vay khách hàng của VPBank tăng 12,19% so với đầu năm, lên mức 635.344 tỷ đồng, nhưng tiền gửi của khách hàng chỉ tăng 7,55%, đạt 475.782 tỷ đồng. Tại HDBank, cho vay khách hàng đến cuối quý III ở mức 398.700 tỷ đồng, tăng 16,1% so với đầu năm; còn tiền gửi khách hàng chỉ tăng 7,1%, đạt 398.000 tỷ đồng.

Dư nợ tín dụng của VIB đến cuối tháng 9 đạt hơn 298.000 tỷ đồng, tăng gần 12% so với đầu năm, cao hơn so với mức trung bình ngành là 9%, song huy động vốn chỉ tăng 8%. Còn tại Eximbank, dư nợ cho vay khách hàng tăng 13,55% trong 9 tháng, đạt 159.483 tỷ đồng, song huy động vốn từ các tổ chức kinh tế và dân cư chỉ tăng trưởng 6,99%, đạt 167.603 tỷ đồng...

Chênh lệch giữa tăng trưởng huy động vốn và tín dụng nới rộng, bất chấp lãi suất tiền gửi liên tục được các ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng kể từ tháng 4 đến nay. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố, đến ngày 27/9/2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,79% so với đầu năm (cùng kỳ năm trước tăng 6,63%), tăng trưởng tín dụng tăng 8,53% (cùng kỳ đạt khoảng 6,24%). Ước tính, hệ thống ngân hàng đã bơm ra nền kinh tế thêm gần 1,16 triệu tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.

Tại họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2024 mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay, tín dụng toàn hệ thống đến nay tăng khoảng 9% so với cuối năm 2023. Theo ông Tú, thông thường, tín dụng sẽ tăng mạnh vào những tháng cuối năm nên mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm nay là hoàn toàn khả thi.

Trước đó, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối tháng 8 đạt 6,63% và đến ngày 17/9/2024 đạt 7,38%. Như vậy, trong tháng 9, tăng trưởng tín dụng đã tăng thêm gần 2,4 điểm phần trăm, tương đương khoảng 300.000 tỷ đồng. Riêng trong nửa cuối tháng 9, lượng tín dụng được hệ thống ngân hàng bơm ra nền kinh tế là gần 220.000 tỷ đồng.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trong thời gian tới, NHNN sẽ có quan điểm điều hành chính sách tiền tệ cởi mở hơn cho vấn đề tăng trưởng, hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi.

Lo ngại áp lực lên lãi suất

Các ngân hàng thương mại đang dùng vốn điều lệ để cho vay, bù đắp phần thiếu hụt do huy động thấp hơn tín dụng.

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực NHNN

Chia sẻ số liệu đến 30/9/2024, tổng số vốn huy động của hệ thống ngân hàng đạt 14,5 triệu tỷ đồng, trong khi dư nợ cho vay là 14,7 triệu tỷ đồng, ông Tú khẳng định, “không có chuyện 14 - 15 triệu tỷ đồng nằm tại ngân hàng”, bởi hiện nay, tín dụng toàn hệ thống đã cao hơn huy động vốn… Các ngân hàng thương mại đang dùng vốn điều lệ để cho vay, bù đắp phần thiếu hụt do huy động thấp hơn tín dụng.

Lãnh đạo NHNN cũng cho biết, trong quý IV/2024, cơ quan này tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên…

Nhìn nhận về câu chuyện tăng trưởng tín dụng và lãi suất, TS. Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng, hiện cung tiền chỉ tăng 12% so với cùng kỳ, nếu không đẩy mạnh tăng cung tiền thì lãi suất có xu hướng nhích lên.

Từ góc nhìn của ông Thành, mục tiêu tăng trưởng tín dụng có thể đang vượt qua nhu cầu thực tế của nền kinh tế. GDP tăng trưởng 7%, lạm phát 3% thì tăng trưởng GDP danh nghĩa 10%, tín dụng cũng chỉ cần tăng 10%. Tín dụng tăng trưởng 15% là để thúc đẩy tăng trưởng, vừa giúp giải quyết các khó khăn tài chính của nền kinh tế, trong khi cung tiền vẫn đang tăng chậm hẳn so với tín dụng, nên có áp lực tăng lãi suất. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, NHNN có dư địa giữ ổn định mặt bằng lãi suất. NHNN đã hạ lãi suất OMO từ 4,5%/năm trong giai đoạn trên xuống 4,25%/năm vào ngày 5/8/2024 và xuống 4%/năm từ 16/9/2024. Lãi suất liên ngân hàng cũng giảm.

Cũng theo TS. Thành, xu hướng cắt giảm lãi suất của Fed năm nay đã rõ ràng. Dự báo Fed sẽ có hai lần cắt giảm nữa vào tháng 11 và tháng 12 tới, mỗi lần 25 điểm cơ bản, nâng mức cắt giảm cả năm lên 100 điểm cơ bản. Sang năm 2025, các thành viên trong Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) dự kiến hạ lãi suất thêm 100 - 125 điểm cơ bản. Vì thế, những tháng cuối năm nay và đầu năm sau, chính sách tiền tệ trong nước có nhiều yếu tố thuận lợi để nới lỏng thêm.

Ông Trần Ngọc Báu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dữ liệu kinh tế tài chính WiGroup cũng đánh giá, tỷ giá bớt áp lực sau khi Fed giảm 0,5%/năm lãi suất, giúp NHNN có điều kiện nới lỏng chính sách tiền tệ. Những lãi suất điều hành mang tính thị trường như OMO, tín phiếu đã giảm, song theo ông Báu, cơ quan quản lý đang tập trung quá nhiều vào câu chuyện tăng trưởng tín dụng, còn tăng trưởng huy động và cung tiền đang rất thấp so với tín dụng tạo nên rủi ro. Đây là vấn đề mà ngành ngân hàng, nền kinh tế phải quan tâm.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng kỳ vọng lãi suất cho vay VND giảm thêm khoảng 0,5%/năm trong các tháng cuối năm 2024 và ông cho rằng, có cơ sở để giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất còn tùy thuộc vào chi phí vốn của ngân hàng. Các ngân hàng hiện huy động vốn với lãi suất đang tăng. Chi phí vốn đầu vào tăng thì việc giảm lãi suất cũng không dễ, nhất là trong bối cảnh nợ xấu có xu hướng đi lên. Nợ xấu của ngành ngân hàng đến thời điểm này có thể vượt mức 6%. Nếu nợ xấu tăng thì các ngân hàng phải đẩy lãi suất cho vay đi lên để bù đắp dự phòng nợ xấu và các thất thoát khi khách hàng mất khả năng trả nợ.

Tin bài liên quan