Tăng vốn được Agribank xác định là nhiệm vụ “cấp bách” trong thời gian tới.

Tăng vốn được Agribank xác định là nhiệm vụ “cấp bách” trong thời gian tới.

Áp lực tăng vốn không buông tha bốn ông lớn ngân hàng

Để đáp ứng chuẩn mực quốc tế Basel II vào đầu năm tới, không chỉ các ngân hàng quy mô nhỏ mà ngay cả “Big 4” ngân hàng (Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank) cũng đang gặp khó khăn trong tăng vốn điều lệ.

CAR sát ngưỡng tối thiểu

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xác nhận, hệ số an toàn vốn (CAR) của 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank) đang ở sát ngưỡng tối thiểu, nhưng các ngân hàng này đang gặp khó khăn trong tăng vốn điều lệ. Trong năm 2018, 4 ngân hàng này có tốc độ tăng trưởng tín dụng khá nhanh, khoảng 16% cho mỗi ngân hàng, nhưng vốn điều lệ không được bổ sung kịp thời, nên hệ số CAR bị hạn chế.

Vì thế, NHNN đã đề xuất được phép sử dụng nguồn cổ tức Nhà nước năm 2018 để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước, thay vì nộp vào ngân sách. Đề xuất này đang chờ ý kiến góp ý từ các bộ, ngành trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Trên thực tế, những năm trở lại đây, 4 ông lớn ngân hàng nêu trên đã không ít lần đề xuất các giải pháp khác nhau để giải quyết bài toán tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên, hầu hết các giải pháp này đều đỏi hỏi sự kiên nhẫn.

Chẳng hạn, với BIDV, các phương án tăng vốn điều lệ thêm 9.541 tỷ đồng từ 5 nguồn khác nhau đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua từ tháng 4/2018. Nhưng phải đến ngày 11/12/2018, NHNN mới có văn bản phản hồi, chính thức cho ý kiến về các phương án tăng vốn này.

Theo đó, NHNN đã chấp nhận phương án khả dĩ và cũng được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng nhất là BIDV sẽ phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài, cụ thể là Ngân hàng Keb Hana Bank (Hàn Quốc). Với các phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn khác, NHNN “hẹn” sẽ có ý kiến sau khi thống nhất với Bộ Tài chính.

Với VietinBank, nhu cầu tăng vốn cũng đang “rất cấp bách”. Do đó, tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019, các cổ đông đã thông qua tờ trình phân phối lợi nhuận năm 2018 của Ngân hàng với 2 phương án: chia toàn bộ cổ tức bằng cổ phiếu hoặc để lại toàn bộ lợi nhuận để tăng vốn điều lệ. Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank khẳng định, trong trường hợp không tăng được vốn, Ngân hàng phải điều chỉnh lại kế hoạch tăng trưởng.

Tại Hội nghị Triển khai công tác ngành ngân hàng 2019, nhu cầu tăng vốn được lãnh đạo 4 ngân hàng VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank đồng loạt nhấn mạnh “cấp bách”.

Cấp bách tăng vốn

Tại báo cáo gửi Quốc hội mới đây, NHNN cho biết, việc nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ của ngân hàng thương mại có vốn nhà nước nhằm đảm bảo vai trò chỉ đạo của các ngân hàng này trên thị trường tài chính tiền tệ. Cụ thể, tổng vốn cần đầu tư, bổ sung cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước khá lớn để đảm bảo đáp ứng yêu cầu CAR tối thiểu theo Basel II.

Trong khi đó, nguồn lực Nhà nước có thể được sử dụng để tăng vốn cho các ngân hàng này hết sức hạn chế. Do đó, lãnh đạo NHNN cho rằng, cần có biện pháp xử lý phù hợp, trong đó có việc giữ lại lợi nhuận của ngân hàng hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng năng lực tài chính cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước.

Đồng thời, để đảm bảo các ngân hàng trên đáp ứng đủ vốn theo chuẩn mực vốn Basel II (phương pháp tiêu chuẩn), NHNN đang tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xử lý vấn đề tăng vốn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở đó, NHNN đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu và phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, sửa đổi hoặc ban hành một Nghị quyết mới theo hướng cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước (ngoại trừ các ngân hàng mua bắt buộc).

Tăng vốn khẩn cho 4 ông lớn ngân hàng

Mới đây, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cũng kiến nghị tăng vốn “khẩn” cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước. Hiệp hội cho rằng, nếu không sớm tăng vốn điều lệ, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung vốn cho nền kinh tế. Nguồn tín dụng 4 ngân hàng không tăng trưởng được sẽ kéo theo suy giảm tăng trưởng kinh tế, giảm thu ngân sách từ thuế; có nguy cơ vi phạm tỷ lệ an toàn vốn, ảnh hưởng xấu đến an toàn hoạt động, mức xếp hạng tín nhiệm quốc tế.

Tin bài liên quan