Vấn đề tăng vốn điều lệ tiếp tục được đặt ra với nhiều tổ chức tín dụng trong trung - dài hạn. Ảnh: Dũng Minh

Vấn đề tăng vốn điều lệ tiếp tục được đặt ra với nhiều tổ chức tín dụng trong trung - dài hạn. Ảnh: Dũng Minh

Áp lực tăng vốn đè nặng ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năng lực tài chính được cải thiện mạnh mẽ trong giai đoạn tái cơ cấu vừa qua, nhưng các ngân hàng vẫn tiếp tục chịu áp lực tăng vốn.

Những kế hoạch tăng vốn “khủng”

Báo cáo tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, sau 4 năm thực hiện, các mục tiêu tại Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 cơ bản đã đạt được. Cụ thể, quy mô hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục tăng; năng lực tài chính, chất lượng quản trị, điều hành được củng cố và nâng cao. Bên cạnh đó, năng lực quản trị rủi ro được cải thiện, từng bước hình thành đồng bộ các chuẩn mực, thiết chế an toàn phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Cũng theo Thống đốc, 4 ngân hàng thương mại nhà nước nắm cổ phần chi phối (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hệ thống các tổ chức tín dụng. Bốn ngân hàng này đã tích cực tham gia hỗ trợ, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và dành nguồn lực để hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng vay gặp khó khăn do dịch Covid-19. Đáng chú ý là, đến cuối tháng 3/2022, trong khi tổng tài sản đạt 6.719.440 tỷ đồng, vốn huy động thị trường 1 đạt 5.625.250 tỷ đồng, lần lượt tăng 5,17% và tăng 2,9% so với cuối năm 2021 thì quy mô vốn điều lệ của nhóm này là 170.000 tỷ đồng, không thay đổi so với cuối năm 2021.

Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, Thống đốc cho biết, hoạt động cơ cấu lại về cơ bản đều bám sát phương án được duyệt, tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện các mặt tài chính, quản trị, xử lý nợ xấu, tăng cường các biện pháp kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động. Tính đến cuối tháng 3/2022, vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đạt 400.230 tỷ đồng, tăng 1,69% so với cuối năm 2021; tổng tài sản đạt 7.372.500 tỷ đồng, tăng 3,08% so với cuối năm 2021.

Những số liệu trên đã cho thấy khoảng cách lớn về quy mô vốn điều lệ giữa hai nhóm và tốc độ tăng vốn vượt trội của nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân so với nhóm ngân hàng nhà nước nắm cổ phần chi phối. Tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính đang là yêu cầu bức thiết với các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối và thực tế, câu chuyện này cũng nhiều lần được lãnh đạo các ngân hàng trong nhóm phản ánh.

Trong một môi trường có rủi ro tín dụng cao, việc đảm bảo nguồn vốn dự trữ đầy đủ của các ngân hàng sẽ rất quan trọng.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

Để nâng cao năng lực cho các ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021 - 2023 cho các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và từ nguồn ngân sách nhà nước đối với Agribank.

Được biết, trong năm 2022, BIDV có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 10.623 tỷ đồng, lên mức 61.208 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 21%. Vietcombank có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm gần 8.566 tỷ đồng, từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng. VietinBank cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 5.694 tỷ đồng, lên 53.751 tỷ đồng…

Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần, cuối tháng 5 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận phương án vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank). Theo đó, Viet Capital Bank được tăng vốn thêm tối đa 1.618,36 tỷ đồng thông qua hình thức phát hành từ nguồn vốn chủ sở hữu (khoảng 550,6 tỷ đồng), phát hành cho cổ đông hiện hữu (khoảng 917,7 tỷ đồng) và phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động (tối đa 150 tỷ đồng).

Trước đó, ngày 25/5/2022, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận việc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) tăng vốn điều lệ tối đa thêm 58,8 tỷ đồng; trong đó, phát hành cổ phiếu ESOP để huy động 50 tỷ đồng và phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài (Ngân hàng Aozora) để huy động 8,8 tỷ đồng.

Khối ngân hàng thương mại cổ phần tiếp tục cho thấy tham vọng tăng vốn mạnh mẽ, với tổng số vốn điều lệ dự kiến tăng thêm trong năm 2022 lên tới hơn 87.000 tỷ đồng. Dẫn đầu trong cuộc đua tăng vốn là VPBank, với kế hoạch tăng vốn từ mức 45.000 tỷ đồng (năm 2021) lên gần 80.000 tỷ đồng trong năm nay. Như vậy, mức vốn tăng thêm trong năm 2022 được xác định là hơn 34.000 tỷ đồng. Nếu thực hiện thành công kế hoạch này, VPBank cũng là ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất thị trường.

Ngoài VPBank, một số ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng lên kế hoạch tăng vốn mạnh mẽ trong năm 2022. Chẳng hạn, SHB dự kiến tăng vốn từ 26.673 tỷ đồng lên 36.007 tỷ đồng (tăng thêm khoảng 9.400 tỷ đồng); MB tăng vốn thêm khoảng 9.100 tỷ đồng, lên mức 46.882 tỷ đồng; TPBank tăng vốn thêm hơn 5.300 tỷ đồng, lên 21.143 tỷ đồng. MSB cũng có kế hoạch tăng vốn thêm khoảng 4.725 tỷ đồng, lên mức 20.000 tỷ đồng…

Áp lực trong môi trường rủi ro tín dụng cao

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định, các ngân hàng tiếp tục chịu áp lực tăng vốn trong giai đoạn tới. Các quy định về an toàn hoạt động kinh doanh ngân hàng trên thế giới đang theo hướng ngày càng thắt chặt và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó. Sau Basel 3, Basel 3,5 đang hình thành chính thức và Basel 4 đang được nghiên cứu xây dựng. Đối với các tổ chức tín dụng Việt Nam, dù vốn điều lệ của hệ thống tổ chức tín dụng tăng khá tốt trong năm 2021 thông qua hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, áp lực tăng vốn vẫn kéo dài từ năm 2019.

“Theo World Bank, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của toàn ngành ngân hàng Việt Nam đã giảm nhẹ, từ mức 13% vào năm 2015 xuống 11,1% vào tháng 6/2021. Tôi ước tính tỷ lệ này đạt 11,5% vào cuối năm 2021”, TS. Lực nói.

Theo TS. Lực, tỷ lệ CAR giảm một phần là do các tổ chức tín dụng áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN tiệm cận Basel 2, với yêu cầu tính tài sản có rủi ro chặt chẽ hơn, đồng thời các khoản cho vay chứng khoán, bất động sản… cũng bị áp dụng hệ số rủi ro tín dụng cao hơn. Quy mô vốn chủ sở hữu của 29 ngân hàng được quan sát đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại trong giai đoạn 2019 - 2021, từ mức 21% năm 2019 xuống 10% năm 2021.

“Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng giai đoạn này vẫn duy trì ở mức 13 - 14%, chưa kể tín dụng dự báo sẽ tăng cao hơn theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2022 - 2023. Theo đó, vấn đề tăng vốn sẽ tiếp tục được đặt ra với nhiều tổ chức tín dụng trong trung - dài hạn”, TS. Lực nhấn mạnh.

Còn bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nêu quan điểm, trong một môi trường có rủi ro tín dụng cao, việc đảm bảo nguồn vốn dự trữ đầy đủ của các ngân hàng sẽ rất quan trọng. Trong khi tỷ lệ nợ xấu liên tục ở mức dưới 3%, nhiều tài sản kém hiệu quả được báo cáo là vẫn chưa được phân loại đầy đủ, cho thấy những rủi ro tiềm ẩn trong lĩnh vực ngân hàng chưa được nhận diện đầy đủ. Do đó, tỷ lệ an toàn vốn có thể không đủ để đối mặt với rủi ro tín dụng và hỗ trợ tăng trưởng tín dụng bền vững.

“Ngoài ra, một số ngân hàng dường như không thể tăng cường cơ sở vốn của mình, bất chấp sự bùng nổ của thị trường trong những năm gần đây. Hành động giám sát được đảm bảo để giải quyết các liên kết yếu nhất”, bà Carolyn Turk nói.

Tin bài liên quan