Tín dụng tăng chậm, trong khi việc cải thiện NIM gặp thách thức

Tín dụng tăng chậm, trong khi việc cải thiện NIM gặp thách thức

Áp lực tăng trưởng lợi nhuận của các nhà băng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Tính đến ngày 24/6/2024, dư nợ tín dụng toàn ngành ngân hàng mới đạt mức tăng trưởng 4,4% so với đầu năm, cách xa mục tiêu từ 14 - 15% đề ra cho cả năm. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng gặp thách thức cũng đồng nghĩa thu nhập lãi thuần của các ngân hàng chưa thể tăng mạnh, trong khi đó, thu nhập ngoài lãi vẫn ảm đạm.

Nửa đầu năm tăng trưởng không cao

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng trong quý II/2024 có thể giảm nhẹ. Thu nhập lãi thuần (NIM) sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm khi lãi suất cho vay dự báo sẽ giảm thêm, trong khi lãi suất huy động đã tăng nhẹ ở hầu hết các ngân hàng. Tăng trưởng tín dụng trong quý II khả quan hơn so với quý I nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ, do đó, nhìn chung NIM của ngành ngân hàng vẫn chưa tăng mạnh.

Theo bà Hiền, thu nhập ngoài lãi của các nhà băng vẫn ảm đạm và chưa thể phục hồi khi dựa chủ yếu vào mảng thu phí và xử lý nợ. Hoạt động kinh doanh ngoại hối với chứng khoán dự báo sẽ không có mức tăng trưởng cao khi tình hình thị trường càng lúc càng khó khăn. Chi phí trích lập dự phòng sẽ tiếp tục tăng khi nợ xấu có dấu hiệu tăng lại trong quý II này. Nợ xấu tăng và tỷ lệ dự phòng trên nợ xấu giảm là xu hướng chung toàn ngành.

“Nhìn chung, lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng sẽ có mức tăng trưởng không cao, mức tăng nổi bật ở một số ngân hàng có tăng trưởng tín dụng tốt như LPBank, VPBank, HDBank. Một số ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng trưởng âm do lợi nhuận sau thuế cùng kỳ năm ngoái ở mức cao như Sacombank, BIDV”, bà Hiền nhận định.

Cụ thể hơn, chuyên gia đến từ MBS dự phóng lợi nhuận ròng quý II/2024 của LPBank tăng trưởng 146% so với cùng kỳ, nhờ mức nền thấp của cùng kỳ năm 2023. Tín dụng của Ngân hàng tới cuối quý II tăng trưởng 12,8% so với đầu năm nhờ tiếp tục đẩy mạnh cho vay nhóm khách hàng doanh nghiệp. Đáng chú ý, NIM sẽ giảm nhẹ 12 điểm cơ bản so với quý I, do đẩy mạnh cho vay doanh nghiệp - nhóm khách hàng có lãi suất cho vay thấp hơn.

Tăng trưởng tín dụng của Eximbank tiếp tục cải thiện trong quý II/2024 (tăng 7% so với đầu năm) nhờ Ngân hàng cung cấp các gói tín dụng với lãi suất hấp dẫn. Áp lực nợ xấu của Ngân hàng cũng vơi bớt trong quý vừa qua khi nợ nhóm 2 giảm xuống 1,2% (tương ứng giảm 21 điểm cơ bản so với quý trước). Lợi nhuận ròng quý II/2024 dự kiến tăng 29% so với cùng kỳ, chủ yếu từ mức nền thấp trong 2023

Còn tại ACB, tín dụng dự kiến tiếp tục tăng (tăng khoảng 7% so với đầu năm) nhờ lãi suất cho vay vẫn ở mức thấp; đồng thời, giảm áp lực tăng nợ xấu trong quý II/2024. Theo đó, lợi nhuận ròng quý II/2024 tăng 20% so với cùng kỳ, chủ yếu từ mức nền thấp trong năm 2023 (quý II/2023 giảm 2% so với cùng kỳ) .

Trong khi đó, lợi nhuận của Vietcombank được dự báo đi ngang so với cùng kỳ, khi tín dụng quý II có sự cải thiện so với quý liền trước nhưng tốc độ tăng trưởng dự kiến thấp hơn so với cùng kỳ, đạt 2,7%. Đồng thời, NIM tiếp tục chịu áp lực khi phải hạ lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, Vietcombank vẫn đang có mặt bằng lãi suất huy động thấp so với lịch sử và so với các ngân hàng thương mại khác, khi chưa có dấu hiệu tăng lãi suất huy động trở lại. Chính vì thế, dự kiến chi phí huy động của Vietcombank được cải thiện so với cùng kỳ.

Tương tự, TPBank được dự báo có lợi nhuận đi ngang so với cùng kỳ. Mặc dù NIM của Ngân hàng đã cải thiện nhưng tín dụng tăng trưởng âm trong quý I/2024 và dự kiến được cải thiện trong quý II/2024.

Đáng chú ý, BIDV, với NIM chưa cải thiện rõ rệt do Ngân hàng vẫn đang thực hiện chính sách ưu đãi lãi suất cho vay ở mức thấp so với toàn ngành và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 25% so với cùng kỳ nên lợi nhuận ròng dự kiến giảm 14% so với cùng kỳ.

Triển vọng nửa cuối năm

Theo các chuyên gia phân tích, năm 2024, phần lớn các ngân hàng đặt kế hoạch tăng trưởng thận trọng và điều này là dễ hiểu dưới áp lực cạnh tranh lãi suất, mức độ hấp thụ vốn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nội tại của nền kinh tế và thế giới. Ví dụ, thu nhập phí từ bancassurance toàn hệ thống nhiều khả năng chưa quay lại chu kỳ tăng trưởng khi Thông tư 67/2023/TT-BTC và Luật Các tổ chức tín dụng mới ban hành hạn chế đáng kể khả năng bán bảo hiểm không bắt buộc kèm với các sản phẩm của ngân hàng.

Nhận định về triển vọng trong 6 tháng cuối năm, lợi nhuận của các ngân hàng trong danh sách theo dõi của MBS dự báo tăng 15,3% so với cùng kỳ, nhưng bà Hiền cảnh báo, áp lực trích lập dự phòng vẫn còn cao trong năm 2024 do:

Thứ nhất, tăng trưởng nợ xấu đã quay trở lại mức cao. Theo tính toán, tại thời điểm cuối năm 2023, nợ xấu nội bảng của hệ thống có quy mô khoảng 617.000 tỷ đồng, trong khi nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02 là 183.500 tỷ đồng. Kết hợp với nợ nhóm 2 tại quý I/2024 là 215.000 tỷ đồng, ước tính quy mô nợ có rủi ro của hệ thống trên 1 triệu tỷ đồng, tương ứng với khoảng 7% dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Trong khi đó, tình trạng khó khăn của ngành bất động sản có thể kéo dài hơn dự kiến, ảnh hưởng tới quá trình xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu cũng như gia tăng áp lực nợ xấu ở nhóm các ngân hàng tập trung cho vay doanh nghiệp bất động sản, khiến định giá ngành duy trì trạng thái chiết khấu so với mức trung bình 10 năm, phản ánh lo ngại của thị trường về việc nợ xấu tiềm ẩn và tác động của nó tới triển vọng lợi nhuận và ROE.

Thứ hai, nhu cầu tín dụng chưa phục hồi mạnh, khiến hoạt động quay vòng vốn vay chậm lại, làm tăng nợ xấu, đặc biệt là cho vay bán lẻ.

“Tuy nhiên, áp lực này sẽ khác nhau giữa các ngân hàng”, bà Hiền nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), vẫn có những kỳ vọng khả quan về lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng trong năm 2024, với mức tăng trưởng trong danh mục là 18%, phục hồi so với mức 4% của năm 2023.

Cụ thể, tăng trưởng tín dụng cùng với NIM mở rộng nhẹ, sẽ thúc đẩy tăng trưởng lãi thuần - yếu tố dẫn dắt tăng trưởng chính cho thu nhập hoạt động. Tăng trưởng tín dụng năm 2024 của các ngân hàng trong danh mục theo dõi của VDSC đạt mức xấp xỉ 19% và NIM dự phóng tăng khoảng 14 điểm cơ bản, kéo theo tăng trưởng thu nhập lãi ở mức 19%. Trong khi đó, tổng thu nhập ngoài lãi gần như đi ngang so với cùng kỳ, đưa tổng thu nhập hoạt động dự phóng tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Bên cạnh đó, chi phí dự phòng dự phóng tăng nhẹ 7%, do tác động kết hợp của sự tiếp diễn trong quá trình làm sạch bảng cân đối và nâng cao bộ đệm dự phòng rủi ro và Thông tư 02 được gia hạn giúp giãn áp lực trích lập dự phòng”, chuyên gia VDSC nhận định

Tin bài liên quan