Khi tỷ giá neo cao, áp lực rút vốn của khối ngoại vẫn lớn, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng như thế nào, thưa bà?
Nhà đầu tư nước ngoài thường đóng góp khoảng 10% giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam, do đó việc khối ngoại bán ròng kỷ lục chắc chắn sẽ có ảnh hưởng ít nhiều đến thị trường.
Theo số liệu thống kê, khối ngoại đã bán ròng liên tục trong 5 quý gần đây và đặc biệt là trong nửa đầu năm 2024, có thể do áp lực rút vốn khi tỷ giá tiếp tục neo ở mức cao. Sau giai đoạn bán ròng kể từ đầu năm đến nay, ước tính giá trị bán ròng lên đến 44.500 tỷ đồng (xấp xỉ 1,8 tỷ USD).
Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán hiện ở mức 17,5%, giảm khoảng 0,75% so với thời điểm cuối năm 2023.
Tuy nhiên, VN-Index vẫn tăng 11% trong thời gian này nhờ dòng vốn dồi dào của nhà đầu tư cá nhân trong nước, đã hấp thụ hết lượng bán ra của khối ngoại.
Như vậy, nhà đầu tư cá nhân đang là động lực chính dẫn dắt thị trường chứng khoán và nhóm này hiện đóng góp đến 90% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.
Do đó, chúng tôi cho rằng, nếu môi trường lãi suất thấp tiếp tục được duy trì sẽ là yếu tố quan trọng giúp dòng tiền nhà đầu tư cá nhân tiếp tục đổ vào thị trường chứng khoán trong thời gian tới, hấp thụ được lượng bán ròng của khối ngoại nếu hoạt động rút vốn còn tiếp diễn.
Nhưng chúng tôi kỳ vọng, áp lực rút vốn của khối ngoại sẽ giảm trong nửa sau của năm 2024 và năm 2025 khi tỷ giá hạ nhiệt theo lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed.
Tích cực hơn, dòng vốn ngoại sẽ sớm quay lại nếu có những bước tiến rõ rệt hơn cho tiến trình nâng hạng thị trường mới nổi của Việt Nam.
Dự báo diễn biến thị trường chứng khoán trong thời gian còn lại của năm 2024 như thế nào?
Như đã trình bày, đội ngũ phân tích của chúng tôi kỳ vọng một kịch bản tích cực cho thị trường chứng khoán Việt Nam, với động lực chính từ tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết.
VN-Index hướng tới ngưỡng 1.390 điểm trong nửa cuối năm 2024 với giả định P/E mục tiêu ở mức 14x (tương đương với mức hiện tại) và tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE ở mức 15% cho cả năm 2024.
Vì vậy, khi thị trường điều chỉnh về các vùng hỗ trợ sẽ là cơ hội để nhà đầu tư gia tăng tỷ lệ nắm giữ.
Ngành nào sẽ có tiềm năng hút dòng tiền trên thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2024?
Trong nửa sau năm 2024, chúng tôi kỳ vọng các nhóm ngành hưởng lợi từ việc thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng, sản xuất và xuất khẩu bước vào mùa cao điểm như bất động sản khu công nghiệp, logistic, bán lẻ, thép…sẽ là những nhóm ngành tăng trưởng tích cực và thu hút dòng tiền.
Dưới góc độ định giá, chúng tôi nhận thấy ngân hàng và bất động sản đang ở vùng định giá hấp dẫn, do đó, kỳ vọng dòng tiền sẽ sớm quay lại khi có cú huých từ vấn đề pháp lý cho lĩnh vực bất động sản, đây sẽ là tín hiệu sớm cho sự phục hồi và giải tỏa áp lực nợ xấu cho ngân hàng, tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ trở lại.
Dài hơi hơn, đón đầu cơ hội nâng hạng thị trường mới nổi, nhóm cổ phiếu có vốn hóa tự do chuyển nhượng lớn, đáp ứng điều kiện để lọt vào rổ chỉ số thị trường mới nổi sẽ có cơ hội thu hút dòng vốn ngoại.
Bên cạnh đó, các công ty chứng khoán, đặc biệt là các công ty có lợi thế môi giới khách hàng nước ngoài, cũng sẽ là nhóm hưởng lợi từ tiến trình nâng hạng khi giá trị giao dịch bùng nổ.
Vậy theo bà, nửa cuối năm 2024, kênh đầu tư nào sẽ trở thành kênh hút vốn của nhà đầu tư (thị trường chứng khoán, tiền gửi tiết kiệm, bất động sản, vàng…)?
Lãi suất tiền gửi tuy có tăng, nhẹ nhưng vẫn duy trì ở mức thấp, ở kỳ hạn 12 tháng là dưới 6%/năm đối với ngân hàng thương mại cổ phần và giữ nguyên mức 4,7%/năm đối với ngân hàng thương mại quốc doanh, vẫn kém hấp dẫn hơn so với tỷ suất sinh lời kỳ vọng của VN-Index, do đó, chúng tôi cho rằng thị trường chứng khoán vẫn là kênh thu hút vốn của nhà đầu tư.
Ngoài ra, nếu các vấn đề pháp lý của bất động sản được tháo gỡ, tín dụng được khơi thông, thị trường bất động sản cũng có thể sẽ bắt đầu thu hút vốn nhà đầu tư trở lại trong giai đoạn cuối 2024 khi có nhiều dự án được mở bán hơn.