ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 1/3.
Đà hồi phục ngắn hạn không đáng tin cậy
(CTCK FLC - FLCS)
Trong phần lớn thời gian giao dịch của ngày 28/2, thị trường đã tăng điểm, tuy vậy khối lượng giao dịch vẫn đứng ở mức thấp. Điều này cho thấy lực cầu còn rất yếu và sự đầu cơ tăng giá sẽ chưa sớm quay trở lại. Có thể sau một vài phiên đi ngang sắp tới, thị trường lại xuất hiện những phiên giảm điểm mạnh hơn.
Biểu hiện tăng mạnh của sàn HOSE với khối lượng yếu còn cho thấy đà hồi phục ngắn hạn không đáng tin cậy, do vậy VN-Index có thể tiếp tục đà tăng nhẹ một vài phiên và sự tăng điểm này là cơ hội để tiếp tục giảm dần tỷ trọng cổ phiếu.
HNX-Index nhiều khả năng đi ngang và tiếp tục suy giảm, thị trường trong một vài ngày tới chưa xuất hiện những điểm mua an toàn.
Cơ hội ngắn hạn chưa thực sự rõ ràng
(CTCK BIDV - BSC)
Diễn biến tăng điểm trên HOSE ngày 28/2 khá tích cực về mặt điểm số và độ rộng, tuy nhiên vẫn thiếu sự ủng hộ đầy đủ của yếu tố khối lượng. Chúng tôi cho rằng, đà hồi phục sẽ vững chắc hơn nếu khối lượng được cải thiện và duy trì ở mức trên 60 triệu đơn vị/ngày. Còn nếu ngược lại khối lượng sụt giảm dần tạo mặt bằng thấp, thị trường nhiều khả năng đi vào trạng thái đi ngang trong ngắn hạn, cơ hội tìm kiếm lợi nhuận sẽ trở nên tương đối khó khăn.
Trong giai đoạn này chúng tôi vẫn khuyến nghị nhà đầu tư duy trì tỷ lệ tiền mặt cao hơn cổ phiếu nhằm dự phòng cho kịch bản thị trường tiếp tục điều chỉnh trong khi cơ hội ngắn hạn chưa thực sự rõ ràng, việc bắt đáy chỉ thích hợp với những nhà đầu tư chấp nhận được rủi ro cao.
Có thể quay lại xu hướng giảm ngắn hạn
(CTCK ACB - ACBS)
VN-Index liên tục leo cao và đóng cửa với mức tăng khá ngày 28/2. Tuy nhiên, diễn biến giao dịch trong phiên không cho thấy sự lấn át của bên mua.
Hiện VN-Index đang giao dịch ở hỗ trợ vừa bị phá 470-475 và gần đường xu hướng giảm của các phiên mất điểm vừa qua. Với việc khối lượng thấp dần cho thấy lực cầu yếu đi khi VN-Index hồi phục về các mức giá cao. Do đó, chúng tôi cho rằng, VN-Index có thể quay lại xu hướng giảm ngắn hạn trong phiên 1/3 và các phiên tới.
Ở chiều giảm, VN-Index có thể quay lại đáy nhỏ 459 hoặc xa hơn là hỗ trợ 440. Ở chiều tăng, nếu VN-Index vượt vùng kháng cự 470-475, breakout vừa qua có thể là bẫy giảm điểm và VN-Index có thể tiếp tục hồi phục cao hơn.
Trong khi đó, dù dao động trên tham chiếu trong phần lớn thời gian, nhưng HNX-Index vẫn đóng cửa giảm nhẹ khi áp lực bán gia tăng vào cuối phiên.
Việc đóng cửa trái chiều của hai chỉ số VN-Index và HNX-Index cho thấy sự không ổn định của thị trường trong các phiên tới.
Cây nến Shooting Star của HNX-Index cảnh báo áp lực bán có thể gia tăng trở lại trong phiên hôm nay. Theo đó, HNX-Index có thể kiểm nghiệm lại hỗ trợ 62 một lần nữa. Dưới mức này, HNX-Index có thể giảm sâu hơn về hỗ trợ 59.
Ngược lại, nếu vượt kháng cự nhỏ 64,5, HNX-Index có thể tiếp tục xu hướng tăng ngắn hạn.
Sẽ tiếp tục thể hiện sự thất thường
(CTCK Đầu tư Việt Nam - IVS)
Chốt phiên cuối tháng là một sự tăng giảm trái chiều, trong khi VN-Index tăng 1,89% lên 474,56 điểm thì chỉ số HNX-Index giảm 0,08% xuống 62,56 điểm. Như vậy, sau 2 tháng tăng điểm liên tiếp, cả hai chỉ số đã có sự sụt giảm nhẹ và đây là tháng có biến động lớn nhất.
Đà tăng của VN-Index ngày 28/2 được hỗ trợ mạnh từ nhóm cổ phiếu Large Cap và khối ngoại. Cho dù vậy, điểm quan tâm nhất của thị trường ngày 28/2 với NĐT lại là thanh khoản của thị trường lại có sự giảm sút khá mạnh. Dường như thị trường đang thể hiện kịch bản, thanh khoản giảm khi thị trường tăng và ngược lại khi thị trường giảm thì thanh khoản lại tăng vọt.
Thực tế, ở phiên 27/2 có khá nhiều yếu tố cho thấy phiên 28/2 thị trường sẽ tăng điểm. Như chúng tôi đã nhận định, những sự sụt giảm mạnh vừa qua có những tác động rất mạnh đến tâm lý của NĐT và điều này sẽ không thể mau chóng qua đi một cách nhanh chóng được. Vì thế, thái độ thận trọng của NĐT là điều dễ hiểu và nó sẽ còn tiếp tục. Chúng tôi cho rằng, trong những phiên tới đây, thị trường tiếp tục thể hiện sự thất thường tăng giảm đan xen. Trong điều kiện thị trường như vậy sẽ là phù hợp với những NĐT ưa lướt sóng.
Thị trường đang thiếu thông tin hỗ trợ
(CTCK FPT - FPTS)
Sau những diễn biến giảm điểm của thị trường vừa qua thì tâm lý nhà đầu tư đã tích cực hơn trong phiên giao dịch 28/2. Sàn HOSE tăng điểm khá mạnh, trong khi đó thì HNX lại thể hiện sự hồi phục yếu hơn, sắc xanh được duy trì trong phần lớn thời gian giao dịch, nhưng lại bất ngờ mất điểm vào những phút cuối.
Nhà đầu tư nước ngoài đã không còn thấy sự hào hứng như trước đó và có phiên bán ròng thứ hai liên tiếp, giá trị bán ròng trong phiên 28/2 là 76,6 tỷ đồng.
Diễn biến trong phiên khá chậm rãi cùng sự biến động trái chiều của hai sàn cho thấy mức độ tin tưởng vào nhịp phục hồi này của nhà đầu tư vẫn chưa cao, đi kèm với đó thanh khoản lại có dấu hiệu giảm dần thể hiện dòng tiền đang khá thận trọng và chưa thực sự sẵn sàng tham gia thị trường.
Trong những phiên sắp tới, nếu thanh khoản không tiếp tục cải thiện thì khó có thể ủng hộ cho xu thế hồi phục của thị trường. Trước mắt, thị trường đang thiếu thông tin hỗ trợ làm động lực cho đà tăng được duy trì. Chúng tôi vẫn bảo lưu khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng và chờ đợi thị trường cân bằng trở lại cùng những diễn biến tích cực hơn từ thanh khoản. Nếu xu hướng tiếp tục đi xuống thì việc xem xét giảm tỷ lệ cổ phiếu là cần thiết, đặc biệt là với các cổ phiếu đầu cơ đã tăng nóng trước đó.
Áp lực phân phối vẫn đang có phần lấn át
(CTCK Bảo Việt - BVSC)
Trong khi HNX-Index giằng co trong phần lớn khoảng thời gian của phiên giao dịch, thì VN-Index lại có mức phục hồi mạnh về điểm số.
Diến biến tích cực của nhóm cổ phiếu bluechips bên HOSE, bao gồm cả một số mã mang tính đầu cơ cao, được xem là động lực chính giúp VN-Index đi lên trong phiên 28/2. Chúng tôi cho rằng, sự lệch pha này là khá hợp lý do nhóm cổ phiếu dẫn dắt bên sàn Hà Nội đã “nảy lại” sớm hơn một phiên và ngược lại nhóm bluechips bên sàn HOSE đã xuất phát chậm trong nhịp hồi phục này. Mặc dù vậy, điểm đáng chú ý trong hơn 1 tuần giao dịch trở lại đây là tốc độ lao dốc trong những phiên sụt giảm thường khá mạnh với sự mất điểm đồng loạt của các nhóm cổ phiếu, trong khi những phiên hồi phục lại chỉ có biên độ hạn chế với sự phân hóa trên cả hai sàn. Điều này cho thấy áp lực phân phối vẫn đang có phần lấn át lực cầu bắt đáy tích lũy của nhà đầu tư tại vùng giá hiện tại.
Thêm vào đó, sau khi xu thế tăng ngắn hạn vừa bị phủ nhận trên phương diện kỹ thuật thì những phiên phục hồi sớm chỉ mang ý nghĩa điều chỉnh khi giá nhiều mã cổ phiếu chạm tới các vùng hỗ trợ ngắn hạn. Theo quan sát của chúng tôi, lực cung giá cao hiện còn tiềm ẩn khá lớn do nhiều nhà đầu tư vẫn đang có tâm lý kỳ vọng “chờ bán” được ở các mức giá tốt hơn. Trước khi lực cung tiềm năng này chưa được giải tỏa thì cơ hội tiếp tục đi lên của thị trường sẽ còn gặp nhiều thử thách. Nhà đầu tư tiếp tục được khuyến nghị duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp và tránh các quyết định tham gia trở lại quá sớm.
Thị trường đang trong giai đoạn khá nhạy cảm
(CTCK Rồng Việt - VDSC)
Phiên giao dịch 28/2 mặc dù là một phiên tăng điểm tích cực về mặt điểm số, tuy nhiên thanh khoản sụt giảm và yếu tố bán ròng của khối ngoại khiến chúng tôi lo ngại về khả năng hồi phục của thị trường trong ngắn hạn.
NĐT nước ngoài bán ròng rất mạnh một số mã trong phiên 28/2 nhiều khả năng có liên quan đến kỳ xem xét lại danh mục lần thứ nhất trong năm 2013 của các quỹ ETF, theo lịch, danh mục điều chỉnh danh mục của quỹ FTSE sẽ được công bố sau phiên giao dịch ngày 1/3.
Chúng tôi đánh giá thị trường hiện tại đang trong giai đoạn khá nhạy cảm sau 2 phiên sụt khá mạnh trong tuần trước và đầu tuần này. Việc các NĐT nước ngoài bán ròng 2 phiên liên tiếp mặc dù chưa có cơ sở để xác định là dòng tiền ngoại đang rút đi, tuy nhiên, đây cũng là tín hiệu đáng lưu ý và cảnh báo các NĐT nên thận trọng. Đồng thời, yếu tố thanh khoản khó cải thiện cũng là một trong những nhân tố khiến cho cơ hội phục hồi của các chỉ số gặp khó khăn.
Đợt hồi phục không bền vững
(CTCK Maybank Kim Eng - MBKE)
Thị trường đã tăng mạnh trở lại sau chuỗi ngày giảm điểm từ 498 về 460 điểm. Ngày 28/2, thị trường đã tăng gần 10 điểm, tương đương 1,9%. Bên cạnh việc quyết tâm giữ bình ổn giá xăng, chúng tôi cho rằng, việc quyết tâm của Đảng trong việc ổn định chính trị kinh tế là động lực thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư tốt lên và là động lực cho nhà đầu tư tham gia bắt đáy.
Phiên 28/2, mặc dù khối ngoại bán ròng 4,4 triệu cổ phiếu, nhưng họ lại mua ròng 1 số mã dẫn dắt và có tính đầu cơ mạnh trên thị trường gần đây như BVH, KBC. Bật lại từ vùng trung bình 50 ngày của VN-Index, điểm mấu chốt vào xu hướng giảm trung hạn, phản ánh tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa quá tiêu cực.
Chúng tôi cho rằng, việc tăng mạnh trong ngày 28/2 là 1 yếu tố tích cực, nhưng cũng chưa đủ mạnh để khuyến nghị nhà đầu tư quay lại tham gia vào thị trường. Thực tế, chúng tôi vẫn e ngại rằng các đợt hồi phục này có thể không bền vững do khối lượng giao dịch chỉ khoảng 70% so với trung bình 5 ngày gần đây, vì thế các nhà đầu tư nên thận trọng đứng ngoài thị trường. Các nhà đầu tư với tỷ trọng cổ phiếu cao và có dùng đón bẩy nên tận dụng đợt hồi phục này để giảm tỷ trọng và hạ mức rủi ro.
Khả năng sẽ xuất hiện bulltrap
(CTCK Maritime Bank - MSBS)
Bất chấp giao dịch khởi sắc hiện rõ trên sàn HOSE, chúng tôi cho rằng, phiên tăng điểm ngày 28/2 chưa đủ cơ sở để thị trường quay trở lại xu hướng tăng điểm. Nhiều khả năng thị trường sẽ xuất hiện bulltrap ở phiên 2 ngày 1/3 (Tăng điểm đầu phiên và giảm về cuối phiên).
Phiên điều chỉnh với khối lượng giao dịch khá lớn có thể làm thất vọng các nhà đầu tư với quan điểm ngắn hạn. Nhà đầu tư vẫn hạn chế mua vào và kiên nhẫn đợi các cơ hội rõ nét hơn.
Sự phân hóa sẽ diễn ra
(CTCK Sài Gòn - SSI)
Một số mã vốn hóa lớn như VIC, BVH, VCB tăng giá khá mạnh ngày 28/2 giúp cho chỉ số có một phiên xanh điểm mạnh trong cả phiên giao dịch. Cây nến ngày là một nến White Candle tạo khoảng trống (Gap) với cây nến trước đó và vẫn nằm thấp hơn khá nhiều so với mức cao nhất của cây nến giảm hơn 18 điểm ngày 26/2. Phiên tăng điểm mạnh nhưng khối lượng tiếp tục thụt giảm ở mức gần 50,68 triệu đơn vị, thấp hơn 25,54% so với phiên trước.
Nếu các mã vốn hóa lớn tăng tiếp chỉ số vẫn có thể tăng về điểm số, tuy vậy sự phân hóa sẽ diễn ra vào phiên 2 phiên giao dịch kế tiếp với lượng cung có thể tăng lên khá do hiện tượng tiết cung của ngày 28/2 và lượng cổ phiếu bắt đáy giá thấp về tài khoản có lãi vào phiên cuối tuần. Chúng tôi cho rằng, phiên giảm mạnh nhiều khả năng không lặp lại, mà thị trường sẽ biến động với biên độ hẹp hơn với sự tích lũy lành mạnh cho thị trường.