Nhiệm vụ huy động vốn trong năm nay là 340 nghìn tỷ đồng

Nhiệm vụ huy động vốn trong năm nay là 340 nghìn tỷ đồng

Áp lực lớn với thu ngân sách năm 2017

(ĐTCK) Với dự toán thu ngân sách nhà nước năm nay là 1,21 triệu tỷ đồng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhìn nhận đây là áp lực lớn trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế đang đối mặt với không ít khó khăn...

Theo Bộ Tài chính, trong tổng dự toán thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2017 là 1,21 triệu tỷ đồng, thu nội địa 990 nghìn tỷ đồng; thu dầu thô 38 nghìn tỷ đồng (giá dầu khoảng 50 USD/thùng); dự toán thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu là 180 nghìn tỷ đồng.

Dự toán bội chi ngân sách nhà nước năm nay là 3,5% GDP. Nhiệm vụ huy động vốn trong năm 2017 là 340 nghìn tỷ đồng, trong đó để bù đắp bội chi là 184 nghìn tỷ đồng, để trả nợ gốc là 156 nghìn tỷ đồng.

Các chỉ tiêu trên, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, đang là áp lực lớn đối với ngành tài chính, khi bước sang năm 2017, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, có thể tăng cao hơn năm 2016, nhưng vẫn phục hồi chậm, không đồng đều và còn nhiều rủi ro. Giá một số hàng hóa cơ bản và dầu thô vẫn ở mức thấp. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực diễn ra gay gắt.

Ở trong nước, bên cạnh những thuận lợi, nền kinh tế đang bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém: năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp, trong khi thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các hiệp định thương mại thế hệ mới mở ra nhiều cơ hội thuận lợi, nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức...

Mặt khác, hoạt động thu ngân sách cũng đang đối mặt với không ít thách thức khi quản lý thu ngân sách ở một số địa bàn, lĩnh vực chưa quyết liệt, chưa theo sát tình hình thực tiễn; nợ đọng thuế có khả năng thu còn lớn. Giải ngân vốn đầu tư phát triển còn chậm; việc phân bổ, sử dụng vốn vay còn dàn trải, hiệu quả đầu tư một số chương trình, dự án thấp. Tình trạng chi sai quy định, vượt tiêu chuẩn định mức vẫn còn xảy ra ở một số đơn vị...

Để hoàn thành kế hoạch thu ngân sách, cũng như đảm bảo tỷ lệ bội chi ngân sách trong năm nay, ông Dũng yêu cầu toàn ngành tổ chức triển khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 tích cực, chặt chẽ, tăng cường kỷ luật tài chính-ngân sách. Trong đó tập trung vào 3 trụ cột.

Đầu tiên là triển khai các giải pháp nhằm phấn đấu tăng thu, chú trọng nuôi dưỡng nguồn thu. “Tăng cường công tác quản lý giá, thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, đảm bảo cho nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Tăng cường kiểm tra, giám sát để cải cách thủ tục hành chính đi vào thực tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người nộp thuế…”, ông Dũng cho hay.

Giải pháp tiếp theo là chống thất thu, gian lận thuế thông qua tăng cường thanh tra, kiểm tra; chống chuyển giá và trốn thuế; quản lý chặt hoàn thuế giá trị gia tăng; kiên quyết cưỡng chế, thu hồi nợ thuế, giảm nợ đọng thuế, định kỳ công khai các doanh nghiệp nợ thuế...

Nhóm giải pháp quan trọng cuối cùng là tiết kiệm chi, nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước để vừa giảm áp lực lên thu và bội chi ngân sách nhà nước, vừa tạo thêm dư địa thu mới. Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh: kiên quyết cắt giảm các khoản chi không cần thiết, chậm triển khai; hạn chế chi chuyển nguồn; hạn chế ứng trước dự toán năm sau; tiết kiệm chi để giảm bội chi ngân sách nhà nước. Kiểm soát chặt nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép…

Thực hiện đánh giá đầy đủ các yếu tố tác động lên nợ công và khả năng trả nợ trong trung hạn trước khi thực hiện các khoản vay mới. Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại danh mục nợ công theo hướng bền vững, tập trung phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài và giảm dần lãi suất phát hành.

Cũng để tiết kiệm chi cho ngân sách nhà nước, trong định hướng hoạt động năm 2017, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, sẽ đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính áp dụng đối với các đơn vị sự nghiệp công, giá dịch vụ công; tập trung hoàn thiện, ban hành các danh mục sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; quy hoạch mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập...

Tin bài liên quan