Mở rộng đầu tư
Vốn điều lệ của Nhựa Đông Á là 493 tỷ đồng. Trong năm 2018, Công ty tiếp tục có kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược và phát hành nội bộ cho người lao động. Sau các đợt phát hành, dự kiến vốn điều lệ của Nhựa Đông Á sẽ tăng lên 620 tỷ đồng.
Mục đích tăng vốn của Nhựa Đông Á không nằm ngoài tham vọng tiếp tục mở rộng đầu tư, mở rộng mảng kinh doanh và thu hẹp mảng thương mại để gia tăng biên lợi nhuận trong thời gian tới.
Theo đánh giá của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), giai đoạn 2014-2017, tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của Nhựa Đông Á ở mức cao.
Riêng năm 2017, doanh thu và lợi nhuận tăng tương ứng 18% và 15%. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là biên lợi nhuận hoạt động lại ở mức khá thấp, với biên gộp 8,5% và biên thuần 3,8%, dẫn đến thu nhập trên vốn ROE chỉ xoay quanh mức 11%.
Theo kế hoạch đầu tư năm 2018, công ty này sẽ xây dựng mặt bằng nhà xưởng 20.000 m2. Ngoài ra, Nhựa Đông Á sẽ đầu tư một dây chuyền sản xuất tấm fomex, một dây chuyền máy sàn SPC, 5 dây chuyền tấm ốp trần công nghệ mới, mở rộng dây chuyền sản xuất cửa nhôm và một dây chuyền sản xuất hạt nhựa.
Việc mở rộng đầu tư là nhu cầu cần thiết trong quá trình phát triển của doanh nghiệp, nhưng không phải không có những lo ngại được đặt ra, đặc biệt liên quan đến hiệu quả đầu tư.
Chẳng hạn, năm 2017, Nhựa Đông Á đã đầu tư 2 dây chuyền fomex và năm 2018 tiếp tục đầu tư thêm 1 dây chuyền, việc tăng tốc đầu tư như vậy dựa trên những cơ sở nào?
Ông Nguyễn Bá Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng giám đốc Nhựa Đông Á cho biết, thông qua công tác thương mại đối với sản phẩm fomex trong 5 năm qua, Công ty đã xây dựng được hệ thống đại lý từ Bắc vào Nam và nắm rất chắc quy mô thị trường. “Đây là thời điểm thích hợp để đầu tư trực tiếp sản xuất sản phẩm này nhằm gia tăng lợi nhuận”, ông Hùng giải thích.
Giải bài toán “pha loãng”
Với năng lực hiện tại của Nhựa Đông Á, một trong những mối lo ngại của giới đầu tư là đợt phát hành tăng vốn sắp tới liệu có kéo theo “hiệu ứng phụ” - lợi nhuận có thể bị pha loãng, nếu tốc độ tăng trưởng lợi nhuận không theo kịp với tốc độ tăng vốn.
Năm 2018, Nhựa Đông Á đặt mục tiêu doanh thu 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 95 tỷ đồng, tăng trưởng 60% so với năm 2017.
Nếu hiện thực hóa được mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận, thì câu chuyện pha loãng không còn là vấn đề, vì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận 60% cao hơn tốc độ tăng vốn.
Tuy nhiên, giới đầu tư quan tâm, liệu công ty ngành nhựa này có đang vẽ ra một bức tranh pha màu ảo giác hay không?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Bá Hùng cho biết, Nhựa Đông Á xây dựng kế hoạch kinh doanh dựa trên các căn cứ cụ thể. Từ năm 2017, Công ty “Nam tiến” và việc mở rộng thị trường đang trên đà tiến triển tốt.
Chỉ số doanh thu của Nhựa Đông Á Sài Gòn tăng trưởng 2 con số trong năm 2017, hoạt động xuất khẩu cũng đang mở ra những tiềm năng lớn cho Nhựa Đông Á Sài Gòn.
Ngoài ra, Nhà máy profile vận hành cuối năm 2016 sẽ tiếp tục được công ty này khai thác để đưa ra các sản phẩm mới trong năm 2018.
Dấu hiệu bị “chôn vốn”?
Trong bối cảnh đẩy mạnh kinh doanh, Nhựa Đông Á có vẻ đang đối mặt với việc kiểm soát các chỉ số tài chính. Chẳng hạn, hàng tồn kho tăng mạnh từ 452 tỷ đồng hồi đầu năm 2017 lên 541 tỷ đồng thời điểm cuối năm 2017; các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng từ 222,6 tỷ đồng lên 353,9 tỷ đồng…
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Huyền Trang, Kế toán trưởng Nhựa Đông Á cho biết, trong năm 2017, quy mô và doanh thu tăng, nên doanh nghiệp phải duy trì lượng tồn kho nhất định để đảm bảo lượng hàng cung ứng.
Trong khi đó, với các khoản phải thu, Công ty có chính sách đối với một số đối tác lớn, và theo thông lệ, thời điểm thu nợ thường tập trung vào trước Tết Nguyên đán.
Theo đó, bước sang quý I/2018, con số công nợ của Nhựa Đông Á đã giảm nhiều, chỉ còn bằng khoảng 50% so với thời điểm ngày 31/12/2017.