Trong năm 2022, lạm phát ở mức 4% là chấp nhận được.

Trong năm 2022, lạm phát ở mức 4% là chấp nhận được.

Áp lực lạm phát sẽ tác động lên lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 dần được khắc phục sẽ tác động tích cực lên tín dụng ngân hàng, nhưng mặt bằng lãi suất khó kỳ vọng giảm thêm.

Sức khỏe doanh nghiệp hồi phục đẩy cầu vốn tăng

Nhu cầu tín dụng tùy thuộc vào quá trình phục hồi sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, một khi ảnh hưởng của dịch bệnh được khắc phục và vòng đời sản xuất sản phẩm quay trở lại bình thường như trước đại dịch thì doanh nghiệp càng gia tăng nhu cầu sử dụng vốn vay. Tuy nhiên, cầu vốn mạnh hay yếu còn phụ thuộc vào sức khỏe của từng doanh nghiệp, từng lĩnh vực, ngành nghề. Chẳng hạn, với lĩnh vực hàng tiêu dùng, nhu cầu của thị trường ngày càng tăng thì nhu cầu vốn của doanh nghiệp lĩnh vực này cũng ngày càng cao, còn với lĩnh vực du lịch, khách sạn..., do đang trong quá trình hồi phục nên chưa thể tăng trưởng nhanh trở lại, cho nên cầu vốn cũng tăng chậm hơn.

Trong quý I/2022, tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 5,04% - tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước (2,16%), cho thấy nền kinh tế đang có nhiều tín hiệu tích cực, đời sống sinh hoạt, sản xuất - kinh doanh của người dân và doanh nghiệp đã trở lại bình thường.

Ông Huỳnh Bửu Sơn, Chuyên gia tài chính - ngân hàng
Ông Huỳnh Bửu Sơn, Chuyên gia tài chính - ngân hàng

Từ đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 14%, nhưng mục tiêu này có thể điều chỉnh vào cuối năm tùy tình hình thực tế. Nhu cầu tín dụng dự báo ở mức cao và có thể tăng cao hơn 14%, được hỗ trợ bởi sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế sau dịch. Ngoài ra, gói hỗ trợ ước tính 350.000 tỷ đồng trong 2-3 năm tới cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Thực tế, trong năm 2021, dù tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, tăng trưởng tín dụng vẫn đạt hơn 13% với sự bứt phá mạnh mẽ trong quý cuối năm. Khó khăn từ đại dịch dần được khắc phục và điều kiện kinh tế có chiều hướng tăng trưởng trong năm 2022 đã và đang tác động tích cực lên tín dụng ngân hàng. Hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp hồi phục, nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng lên, kéo tín dụng tăng trưởng trở lại trong quý đầu năm 2022, thay vì giảm như cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, hoạt động cho vay của ngành ngân hàng sẽ tăng cao hơn mục tiêu 14% đề ra nếu chính sách tiền tệ được nới lỏng thêm. Đồng thời, cần thêm các gói hỗ trợ cấp bù lãi suất để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn hậu đại dịch như các nước trên thế giới đã triển khai. Song, để thực hiện được chương trình này, cần có một cơ quan chuyên trách của Nhà nước để đánh giá tình hình thị trường, sức khỏe doanh nghiệp trước khi xây dựng, từ đó đưa ra các gói cấp bù lãi suất phù hợp.

Hiện nay, có nhiều ý kiến đề cập tới vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng không phải ý kiến nào cũng đồng tình, nên nếu nói doanh nghiệp cần thì không chỉ một, mà phải nhiều gói hỗ trợ, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay. Do đó, trong khi chờ đợi các gói hỗ trợ được triển khai, cần tiếp tục duy trì mặt bằng lãi vay ổn định ở mức thấp để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh thời kỳ hậu Covid.

Mục tiêu chung là thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và để thực hiện được mục tiêu đó thì trước hết doanh nghiệp phải phát triển. Nếu đứng trên góc độ quyền lợi quốc gia, quyền lợi của doanh nghiệp, chúng ta không nghĩ đến ngân sách, lạm phát hay hỗ trợ cho khu vực tư nhân... thì các chính sách sẽ thiết thực hơn nhiều. Lúc này, doanh nghiệp có cơ hội hồi phục, nền kinh tế tăng trưởng, các khoản nợ gia hạn, tái cơ cấu cũng được doanh nghiệp tất toán sớm, tránh nợ xấu.

Áp lực lạm phát tác động lên lãi suất

Lạm phát thế giới tăng cao, nhất là tại Mỹ, dẫn tới Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất USD trong tháng 3/2022 thêm 0,25%/năm và đưa ra lộ trình tăng lãi suất cơ bản lên 1%/năm hoặc cao hơn trong năm 2022.

Nhiều khả năng lãi suất sẽ thiết lập mặt bằng mới trong năm 2022 và tốc độ tăng lãi suất phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của nền kinh tế cũng như việc kiểm soát lạm phát.

Trong khi đó, lạm phát của Việt Nam hiện được kiểm soát tốt, chỉ khoảng 3,8% trong năm 2021 và dự kiến ở quanh mức 4% trong năm 2022 và so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm các ngân hàng đang áp dụng quanh mức 4-6%/năm tùy từng kỳ hạn thì người gửi tiền vẫn được hưởng lãi suất thực dương.

Tuy nhiên, nếu lạm phát tăng cao hơn trong thời gian tới thì mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm khó tiếp tục duy trì ở mức thấp như hiện nay. Cầu vốn tăng cao cùng với sức cạnh tranh từ các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán, bất động sản... gia tăng đã thu hút dòng tiền nhàn rỗi trong dân. Vì thế, mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm được các ngân hàng điều chỉnh tăng khoảng 0,2%/năm thời gian qua và dự báo còn tăng thêm trong thời gian tới.

Nhiều khả năng lãi suất sẽ thiết lập mặt bằng mới, cao hơn so với bình quân trong năm 2021 dưới áp lực của tín dụng hồi phục trong năm 2022. Áp lực lạm phát tăng ngày càng rõ nét, mặt bằng lãi suất đã chạm đáy, nên tốc độ tăng lãi suất sẽ phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của nền kinh tế cũng như việc kiểm soát lạm phát.

Mặt khác, trong bối cảnh lạm phát thế giới tăng cao thì giá cả hàng hóa, trong đó có hàng hóa của Việt Nam, cũng sẽ tăng cao hơn so với trước đây. Như vậy, nếu lạm phát tăng thì giá cả hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp Việt cũng sẽ cao hơn, từ đó bù đắp được phần nào chi phí lãi vay cao. Tất nhiên, một khi giá cả hàng hóa tăng sẽ phần nào ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng, nhưng điều quan trọng là lạm phát trong điều kiện kinh tế tăng trưởng sẽ tích cực hơn lạm phát trong thời kỳ suy thoái. Trong năm 2022, lạm phát được kiểm soát ở mức 4% là chấp nhận được và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam vẫn rất sáng sủa.

Thực tế, việc lãi suất cho vay tăng trở lại sẽ ít nhiều tác động tới doanh nghiệp. Vì thế, chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2022. Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ. Theo đó, về lãi suất, định hướng của Ngân hàng Nhà nước là điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ khác, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5-1%/năm trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là với các lĩnh vực ưu tiên.

Lãi suất USD dự báo tăng trong năm nay sẽ tác động đến các doanh nghiệp thường xuyên sử dụng ngoại tệ, trong đó phải kể đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cho dù mức độ tác động không quá lớn. Tuy nhiên, hiện lãi suất huy động vốn bằng ngoại tệ vẫn được khống chế ở mức 0% và dần chuyển dịch từ quan hệ vay - mượn ngoại tệ sang mua bán, đồng thời dự trữ ngoại hối của Việt Nam vẫn tương đối lớn sẽ tiếp tục ổn định tỷ giá.

Tin bài liên quan