Kiềm tốc độ tăng lãi suất huy động
Ngày 5/8 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho 7 thành viên của thị trường vay gần 13.669 tỷ đồng qua thị trường mở (OMO - cho vay cầm cố giấy tờ có giá), kỳ hạn 7 ngày với lãi suất 4,25%/năm. So với phiên trước đó, quy mô cho vay OMO của NHNN đã tăng gấp hơn 2 lần và lãi suất cho vay giảm 0,25%/năm. Đây là lần đầu tiên kể từ đầu năm tới nay, NHNN điều chỉnh giảm lãi suất OMO. Lần gần nhất NHNN giảm lãi suất OMO là vào cuối năm 2023, sau đó có hai lần tăng loại lãi suất này vào tháng 4 và tháng 5/2024, với mức tăng mỗi đợt là 0,25%/năm.
Bên cạnh đó, NHNN cũng phát hành 3.250 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 14 ngày trong phiên 5/8/2024. Lãi suất trúng thầu là 4,25%/năm, giảm 0,25%/năm so với phiên trước đó.
Giám đốc Khối nguồn vốn một ngân hàng thương mại cổ phần nhìn nhận, việc NHNN giảm lãi suất OMO nhằm thiết lập mặt bằng lãi suất liên ngân hàng thấp trong thời gian tới và cùng với lãi suất tín phiếu giảm cho thấy định hướng hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng.
“Chỉ số DXY suy yếu cùng với sự can thiệp hiệu quả của NHNN thông qua việc bán ngoại hối đã giảm bớt áp lực lên tỷ giá VND/USD trong tháng 7. Tính đến ngày 3/7/2024, NHNN đã bán khoảng 6,4 tỷ USD kể từ cuối tháng 4 nhằm kiềm chế áp lực lên tỷ giá. Hơn nữa, việc NHNN duy trì mặt bằng lãi suất liên ngân hàng cao cũng giúp giảm chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND, qua đó, hỗ trợ chống lại sự mất giá của VND. Do vậy, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng giảm xuống mức 25.314 USD/VND trong tháng 7, đánh dấu mức tăng 3,9% kể từ đầu năm cũng là yếu tố hỗ trợ giảm lãi suất của nhà điều hành”, vị giám đốc trên nói.
Động thái giảm lãi suất liên ngân hàng và lãi suất tín phiếu của NHNN diễn ra trong bối cảnh các ngân hàng thương mại đang cấp tập tăng lãi suất. Cụ thể, ngày 5/8/2024, Sacombank tiếp tục tăng lãi suất huy động với mức tăng lên đến 0,4%/năm. Như vậy, tính từ đầu tháng 8 đến nay, nhà băng này đã có hai lần tăng lãi suất huy động. Trước đó, ngày 2/8/2024, Sacombank đã tăng lãi suất từ 1 - 2%/năm các kỳ hạn từ 1 - 36 tháng.
Cũng trong ngày 5/8 vừa qua, TPBank nâng lãi suất huy động thêm 0,2%/năm với các kỳ hạn từ 1 - 6 tháng. Tương tự, Saigonbank tăng lãi suất huy động tại tất cả kỳ hạn, với mức tăng đồng loạt 0,3%/năm, đẩy lãi suất cao nhất lên 6 - 6,1%/năm. Eximbank cũng điều chỉnh lãi suất tại kỳ hạn tiền gửi 12 tháng dành cho khách hàng cá nhân theo hướng tăng 0,4%/năm, lên 5,4%/năm (với khoản tiết kiệm lĩnh lãi cuối kỳ) và 5,2%/năm đối với khách hàng lĩnh lãi hàng tháng.
Như vậy, có 6 ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động từ đầu tháng 8, gồm Agribank, Eximbank, HDBank, Sacombank, Saigonbank và TPBank. Trước đó, tính đến cuối tháng 7, tổng cộng đã có 16 ngân hàng (bao gồm 4 ngân hàng lớn: MBB, VPB, Sacombank và BIDV) điều chỉnh lãi suất huy động với mức tăng từ 0,1 - 0,7%/năm, thậm chí lãi suất ở một vài ngân hàng đã vượt mốc 6%/năm trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh gấp 3 lần so với tốc độ tăng của huy động vốn. Điều này đã khiến các ngân hàng ráo riết tăng lãi suất huy động nhằm nâng cao tính cạnh tranh của kênh tiết kiệm so với các kênh đầu tư khác trên thị trường.
Theo vị giám đốc khối nguồn vốn trên, nếu lãi suất đầu vào tiếp tục tăng mạnh sẽ tác động không nhỏ đến lãi suất cho vay.
“Đây là vấn đề Chính phủ, NHNN và các ngân hàng thương mại không muốn, bởi nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn đang được triển khai ráo riết. Bên cạnh đó, lãi suất huy động tăng mà lãi suất cho vay không được tăng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận các ngân hàng, vốn vẫn chủ yếu đến từ hoạt động cho vay”, vị này nói.
Tín dụng vẫn là nguồn thu chính
Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 của các ngân hàng đã công bố là minh chứng cho vấn đề này. Chẳng hạn, tại Vietcombank, trong 6 tháng đầu năm 2024, mảng tín dụng mang về cho Ngân hàng khoản lãi thuần 27.986 tỷ đồng. Theo đó, tỷ trọng thu nhập lãi thuần/tổng thu nhập hoạt động Ngân hàng lên tới 82,2%. Đây cũng là nhân tố quan trọng giúp Vietcombank ghi nhận khoản lợi nhuận hợp nhất trước thuế gần 20.835 tỷ đồng, tăng 1,6% so với cùng kỳ 2023 và là mức cao kỷ lục của Ngân hàng.
Techcombank, với mức tăng trưởng tín dụng đạt 11,6% trong 6 tháng đầu năm, tiếp tục là ngân hàng có mức tăng trưởng tốt nhất toàn ngành. Nhờ vậy, thu lãi thuần 6 tháng đầu năm ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 40,2% so với mức nền thấp của năm trước, đạt 18.000 tỷ đồng và chiếm 70% tổng thu nhập hoạt động của Ngân hàng.
Câu chuyện diễn ra tương tự tại BIDV, dù hầu hết hoạt động kinh doanh của Ngân hàng đều tăng trưởng so với cùng kỳ. Cụ thể, thu nhập lãi thuần 6 tháng đầu năm của nhà băng này đạt gần 14.838 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ, đóng góp quan trọng vào số lãi trước thuế gần 15.549 tỷ đồng (tăng trưởng 12% so với cùng kỳ). Hay VietinBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 12.960 tỷ đồng, tăng 3,4%; trong đó, mảng tín dụng mang về cho ngân hàng này khoản lãi 15.339 tỷ đồng trong riêng quý II, tăng 20,2% so với cùng kỳ.
Tại MB, mặc dù thu nhập lãi thuần trong 6 tháng giảm 0,58% so cùng kỳ năm trước, đạt mức 19.593 tỷ đồng, nhưng vẫn chiếm 74,9% tổng thu nhập hoạt động của Ngân hàng.
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, ACB ghi nhận tăng trưởng tín dụng đạt 8,4% so với cuối năm 2023 - mức tăng trưởng tín dụng tích cực so với toàn ngành (6%). Tính đến thời điểm tháng 7, tín dụng đã ghi nhận tăng trưởng khoảng 12% và Ngân hàng tự tin có thể hoàn thành hạn mức tín dụng 16,1% được NHNN cấp từ đầu năm.
“Với nền tảng tăng trưởng tín dụng tốt trong 6 tháng đầu năm 2024, tín dụng tăng trưởng bền vững và đảm bảo một số chỉ tiêu tài chính khác, ACB kỳ vọng là một trong những ngân hàng được cấp thêm hạn mức tín dụng trong nửa sau năm nay, lên mức 20% trong năm 2024”, một lãnh đạo cao cấp ACB kỳ vọng.
Báo cáo giải trình do ông Hồ Nam Tiến, Tổng giám đốc LPBank ký, giải trình về biến động lợi nhuận sau thuế quý II/2024 của LPBank đạt 2.421,6 tỷ đồng, tăng 242% so với cùng kỳ năm trước và trong 6 tháng đầu năm đạt 4.720 tỷ đồng, tăng 142% so với cùng kỳ năm 2023, do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên là tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khởi sắc, hoạt động kinh doanh của nhiều cá nhân và doanh nghiệp phục hồi, cần bổ sung vốn lưu động cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. LPBank đã thực hiện giải ngân cho vay ngay từ đầu năm để đáp ứng vốn cho nền kinh tế dẫn tới thu nhập lãi thuần tăng so với cùng kỳ năm trước.
Trong diễn biến có liên quan, tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với lãnh đạo NHNN và một số bộ, ngành về điều hành chính sách tiền tệ vào ngày 5/8 vừa qua, Thủ tướng đã yêu cầu điều hành tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, tập trung cho các động lực tăng trưởng truyền thống và động lực tăng trưởng mới; tiếp tục chỉ đạo, vận động các ngân hàng tiết giảm chi phí, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để giảm lãi suất cho vay với các động lực tăng trưởng, các dự án hạ tầng…