Tín dụng sẽ dần cải thiện
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB nhận định, kinh tế đang có dấu hiệu dần tốt lên và khả năng cuối năm nay hoặc đầu năm sau, cầu vốn của khách hàng sẽ tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, sự phục hồi nhiều hay ít còn phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài như tình hình thị trường xuất khẩu, diễn biến giá dầu. Nếu chỉ nhìn vào các yếu tố trong nước thì có nhiều tín hiệu khả quan: giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh, lạm phát ở mức thấp, lãi suất giảm, tỷ giá được kiểm soát, Chính phủ có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh...
Theo ông Tùng, tính đến 30/9/2023, tổng tài sản của OCB đạt 216.755 tỷ đồng, tăng 11,7% so với đầu năm. Đặc biệt, dư nợ thị trường 1 tăng 10,8%, đạt 136.105 tỷ đồng, hoàn thành 92% kế hoạch năm 2023, nhờ tích cực triển khai các gói cho vay với lãi suất ưu đãi. Tổng doanh số giải ngân lĩnh vực sản xuất - kinh doanh trong 9 tháng đầu năm nay của OCB đạt 235% kế hoạch lũy kế, dư nợ đến cuối tháng 9 tăng 119% so với cùng kỳ. Việc tập trung vào phân khúc khách hàng và mảng kinh doanh phù hợp đã giúp OCB duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng tích cực so với mặt bằng chung của ngành. Hiện tại, lãi suất giải ngân mới của Ngân hàng giảm 2 - 6%/năm so với cuối năm ngoái.
Ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp, HDBank chia sẻ, Ngân hàng kỳ vọng nhu cầu tiêu dùng cuối năm sẽ khởi sắc nên sẵn sàng hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nhất là doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
“Lúc này, doanh nghiệp với ngân hàng sẽ đến với nhau như một người bạn. Doanh nghiệp với ngân hàng hãy nói rõ với nhau hơn, hiểu về nhau hơn”, ông Phương nói.
Hiện tại, HDBank đạt mức tăng trưởng tín dụng 16%, hướng tới dùng hết hạn mức được cấp lên tới 25%. Lãi suất cho vay hiện ở mức thấp, khách hàng có thể chấp nhận do đáp ứng được hiệu quả kinh doanh nên Ngân hàng kỳ vọng, tín dụng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM cho biết, đến cuối tháng 10/2023, tín dụng các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM tăng 4,67% so với cuối năm 2022, thấp hơn so với mức tăng của cả nước (7,39%, là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất so với cùng kỳ trong những năm gần đây).
“Mặc dù con số tăng trưởng tín dụng không cao, song đặt trong bối cảnh chung hiện nay thì kết quả này có ý nghĩa rất quan trọng để nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng trong thời gian còn lại của năm 2023 và làm cơ sở nền tảng tốt cho năm 2024 - năm được dự báo còn không ít khó khăn, thách thức”, ông Lệnh nói và cho hay, từ nay đến cuối năm, để kích thích tăng trưởng, các ngân hàng trên địa bàn sẽ tập trung khai thác tính chất mùa vụ, dịp Tết có nhu cầu vốn tăng cao, đẩy mạnh cho vay ngắn hạn khoảng 9.000 tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi từ 4 - 6%/năm nhằm giúp doanh nghiệp giảm giá thành.
“Chúng ta cần có niềm tin. Môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư tốt, niềm tin của người dân vẫn còn. Ngành ngân hàng đẩy mạnh cho vay, doanh nghiệp cũng cần làm tốt thì sẽ khơi thông được dòng vốn tín dụng”, ông Lệnh nói.
Kỳ vọng lợi nhuận khả quan
SSI Research dự báo, ngành ngân hàng có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 17% trong năm 2024.
Năm nay, OCB đề ra mục tiêu đạt lợi nhuận trước thuế 6.000 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2022. Tính đến cuối tháng 9, Ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế 3.915 tỷ đồng, tăng 47,8% so với cùng kỳ và hoàn thành 65,2% kế hoạch năm. Tổng giám đốc OCB cho hay, đến thời điểm này, Ngân hàng chưa điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận.
Trong khi đó, Vietcombank hạ mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2023 từ hơn 15% xuống dưới 10%, phản ánh khó khăn trong lĩnh vực bất động sản, nhu cầu tín dụng yếu. Vietcombank đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 18,5% trong 9 tháng đầu năm, nên việc hạ mục tiêu tăng trưởng cả năm ngụ ý rằng, lợi nhuận quý IV có thể thấp hơn cùng kỳ. Tuy nhiên, Vietcombank lạc quan vào triển vọng kinh doanh trong năm tới, kỳ vọng sẽ bật tăng khi kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi mạnh mẽ.
Cuối quý III/2023, dư nợ tín dụng của Vietcombank tăng 3,8% so với đầu năm, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành cũng như hạn mức được Ngân hàng Nhà nước cấp cả năm là 14%. Công ty Chứng khoán VNDIRECT đã hạ dự báo tăng trưởng cho vay của Vietcombank trong năm 2023 từ 10% xuống 7,5%, nhưng năm 2024, tín dụng có thể đạt 12%. Về biên lãi ròng (NIM), VNDIRECT kỳ vọng, NIM quý IV/2023 của Vietcombank sẽ cải thiện lên mức 3,14%, nhờ tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi tăng và chi phí vốn giảm; sang năm 2024, NIM có thể đạt 3,18%.
Theo dự báo của SSI Research, ngành ngân hàng có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 17% trong năm 2024, với giả định tín dụng tích cực hơn, kinh tế thế giới phục hồi, xuất khẩu tăng mạnh, tiêu dùng gia tăng..., giúp triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp tốt hơn. Bên cạnh đó, NIM chịu áp lực giảm trong năm 2023 khi chi phí đầu vào lớn, nhưng sang năm 2024, kỳ vọng áp lực này giảm dần, do mức trung bình lãi suất sẽ thấp hơn. Ngoài ra, thu nhập từ phí của nhiều ngân hàng trong năm 2024 từ các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, từ phí bảo hiểm sẽ tăng. Đó là các động lực để những ngân hàng có chất lượng tài sản tốt duy trì được mức tăng trưởng vượt trội.
Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, quý IV/2023, NIM ngành ngân hàng sẽ được cải thiện. Sang năm 2024, NIM, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) và tăng trưởng tín dụng sẽ phụ thuộc vào sự phục hồi của nền kinh tế. Với kỳ vọng vào việc kinh tế năm tới tích cực hơn, tổng thu nhập của các ngân hàng sẽ tốt hơn.
Lưu ý rủi ro nợ xấu
VDSC lưu ý, nợ xấu có xu hướng tăng trong quý III/2023 và khả năng sẽ thể hiện rõ hơn trong nửa đầu năm 2024. Bởi lẽ, ngân hàng là ngành phản ánh cuối cùng những khó khăn nền kinh tế giai đoạn trước. Đây cũng là vấn đề mà SSI Research lo ngại.
Thống kê 27/29 ngân hàng thương mại niêm yết cho thấy, tỷ lệ nợ xấu trong quý III/2023 tăng từ 2,09% lên 2,24%. Xét mối quan hệ giữa tỷ lệ nợ xấu (nợ từ nhóm 3 trở lên) và nợ quá hạn (nợ từ nhóm 2 trở lên), thì mức gia tăng trong nợ quá hạn nhanh hơn nhiều so với nợ xấu.
TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng Bộ môn Thị trường tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho biết, nợ xấu tăng trong quý III/2023, nhưng dự phòng rủi ro không tăng tương xứng, khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm. Thậm chí, có những ngân hàng giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng để duy trì mức lợi nhuận khả quan. Theo đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đã giảm từ 123% cuối năm 2022 xuống 94% cuối quý III/2023.
“Năm 2024, nhiều khả năng sẽ còn khó khăn đối với các ngân hàng, trong đó có vấn đề nợ xấu bào mòn lợi nhuận. Vì vậy, không nên kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng cao”, TS. Nguyễn Hữu Huân nói.