Áp lực điều hành kinh tế 2023

0:00 / 0:00
0:00
Diễn biến của nền kinh tế cho thấy, điều hành vĩ mô sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2023.
Lạm phát tháng đầu năm chịu tác động cộng hưởng bởi nhiều yếu tố, như quy luật tiêu dùng, giá cả tăng cao vào dịp Tết…

Lạm phát tháng đầu năm chịu tác động cộng hưởng bởi nhiều yếu tố, như quy luật tiêu dùng, giá cả tăng cao vào dịp Tết…

Áp lực “thúc tăng trưởng và kiểm soát lạm phát”

Dù xu hướng phục hồi của nền kinh tế vẫn tiếp tục, song các chỉ số kinh tế vĩ mô tháng 1/2023 và những diễn biến gần đây của nền kinh tế cho thấy, khó khăn, thách thức ở phía trước là rất lớn.

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh việc “điều hành vĩ mô tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức”. Trong đó, lớn nhất là áp lực điều hành tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát.

Trên thực tế, đây không chỉ là áp lực riêng của nền kinh tế Việt Nam, mà là của kinh tế toàn cầu. Thậm chí, kinh tế toàn cầu đã phải đối mặt với vòng xoáy lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế từ năm ngoái. Trong khi đó, kinh tế Việt Nam tăng trưởng ấn tượng 8,02% và kiểm soát lạm phát ở mức 3,15% trong năm 2022.

Tuy nhiên, bước sang năm 2023, câu chuyện đã khác. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lạm phát cơ bản tháng 1/2023 đã tăng 5,21% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn lạm phát chung (4,89%). Đây là mức tăng cao nhất cùng kỳ tháng 1 từ năm 2016 đến nay.

Mặc dù vậy, báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đây là điều đã được dự báo trước, khi lạm phát và giá cả tháng đầu năm chịu tác động cộng hưởng bởi nhiều yếu tố, như quy luật tiêu dùng, giá cả tăng cao vào dịp Tết; các chính sách hỗ trợ thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, thuế giá trị gia tăng, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí… hết hiệu lực từ đầu năm 2023; xu hướng lạm phát tăng từ nửa cuối năm 2022 đến nay; chi phí sản xuất tăng, bao gồm cả lãi vay, tiền lương, giá nguyên vật liệu đầu vào trong nước và nhập khẩu…

“Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng lạm phát hiện nay không xuất phát từ thị trường tài chính, tiền tệ như giai đoạn năm 1997 và 2008-2013, mà do gián đoạn chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, thiếu hụt nguồn cung toàn cầu”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và cho biết, đây là vấn đề chưa từng có tiền lệ, phát sinh do kinh tế thế giới đồng thời bị tác động bởi đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine, cộng hưởng với chính sách tiền tệ nới lỏng mà nhiều quốc gia theo đuổi trước đây…

Cũng chính các yếu tố trên đã và đang gây áp lực tới điều hành tăng trưởng của Việt Nam. Tháng 1/2023, do nghỉ Tết, nên số ngày làm việc chỉ khoảng 20 ngày, bằng 2/3 so với các tháng khác, cùng với tác động kép của tình hình thế giới, trong nước, nên hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhất là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu… gặp nhiều khó khăn.

Không chỉ sản xuất công nghiệp, mà cả xuất khẩu đều sụt giảm so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1/2023 chỉ bằng 92% so với cùng kỳ năm trước. Mức giảm này cao hơn tháng Tết các năm 2018-2022. Thậm chí, nhiều ngành công nghiệp trọng điểm giảm so với cùng kỳ năm trước và giảm ở nhiều địa phương có quy mô công nghiệp lớn như TP.HCM, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Đồng Nai…

Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2023 đều giảm so với cùng kỳ năm trước, lần lượt giảm 25%, 21,3% và 28,9%. Không những thế, xuất khẩu sang các thị trường chủ lực đều giảm mạnh, như Mỹ (giảm 24,5%), EU (giảm 32,7%), Hàn Quốc (giảm 14,9%), ASEAN (giảm 13,4%)… “Đây là mức giảm khá lớn so các tháng Tết cùng kỳ giai đoạn 2018-2022”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận.

Dù mới chỉ là những chỉ số của tháng đầu năm, song điều này cũng cho thấy một năm 2023 vô cùng khó khăn, với áp lực lạm phát tăng cao hơn, trong khi tiềm năng tăng trưởng lại thấp hơn so với năm 2022.

“Hóa giải” áp lực

Áp lực điều hành kinh tế 2023 là rất lớn. Làm sao để “hóa giải” áp lực này là điều không đơn giản.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để ứng phó với tình trạng lạm phát cao, nhiều nền kinh tế lớn tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ, làm thu hẹp phía cầu của nền kinh tế để tận dụng thời gian, củng cố lại các chuỗi cung ứng và sản xuất. Tuy nhiên, mặt trái là làm suy giảm hoạt động đầu tư, hạn chế việc cải thiện phía cung của nền kinh tế. Từ đó, tạo thành nguy cơ “đình lạm” kéo dài, tức là lạm phát cao, tăng trưởng thấp tại các quốc gia.

Vì vậy, ở Việt Nam, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trọng tâm chính sách không chỉ tập trung vào chính sách tiền tệ, mà phải đồng thời cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, trong đó chính sách tài khóa phải đóng vai trò quan trọng và quyết định. “Tình hình doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp khó khăn, thiếu đơn hàng, cắt giảm lao động, lãi suất tăng cao, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn thời gian qua sẽ tác động đến sản xuất - kinh doanh, tăng trưởng kinh tế năm 2023. Điều này đòi hỏi phải kịp thời nghiên cứu, bổ sung ngay các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hoạt động sản xuất - kinh doanh”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Có chung nhận định, trong một báo cáo vừa được công bố, Ngân hàng HSBC cho rằng, các dữ liệu kinh tế tháng 1/2023 tiếp tục cho thấy những rủi ro suy giảm tăng trưởng và lạm phát cao. Về tăng trưởng, theo HSBC, dù các chỉ số thương mại của Việt Nam tiếp tục xấu đi, một phần là do hiệu ứng cơ sở dịp Tết, nhưng triển vọng FDI tươi sáng và nhu cầu trong nước vẫn mạnh mẽ có thể bù đắp một phần cho một số suy yếu trong lĩnh vực bên ngoài.

“Bất chấp tình hình thương mại đang chậm lại, vẫn có những yếu tố giữ cho nền kinh tế Việt Nam vững vàng”, các chuyên gia của HSBC nhận định và cho rằng, du lịch sẽ là một ngành có ý nghĩa “then chốt” mang lại tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam trong năm 2023.

Theo HSBC, dù sau khi mở cửa trở lại, du lịch quốc tế của Việt Nam chưa mấy sôi động, song vẫn có những lý do để kỳ vọng một sự phục hồi mạnh mẽ hơn. Một trong số đó chính là sự mở cửa trở lại của Trung Quốc. Các chuyên gia của HSBC dự đoán, Việt Nam có thể đạt được tỷ lệ khách du lịch Trung Quốc quay lại từ 50-80%, tương ứng với 3-4,5 triệu lượt khách trong năm 2023.

Sự mở cửa trở lại của Trung Quốc cũng là lý do khiến các chuyên gia của VinaCapital cho rằng, sẽ giúp thúc đẩy kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm 2023. Sự gia tăng khách du lịch nước ngoài là một điểm đáng chú ý. “Khách du lịch Trung Quốc trước đây chiếm 1/3 tổng số khách du lịch của Việt Nam, nếu phục hồi hoàn toàn vào nửa cuối năm 2023, sẽ tương đương với lượng khách du lịch tăng thêm khoảng 20% vào năm 2023”, ông Michael Kokalari CFA, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital lý giải.

Theo phân tích của ông Michael Kokalari, du lịch nước ngoài trước đây đóng góp khoảng 10% GDP của Việt Nam. Vì vậy, ước tính, việc một phần lượng khách du lịch nước ngoài trở lại đã đóng góp khoảng 2% vào tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm ngoái. “Sự tăng trưởng liên tục của lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam có thể sẽ thúc đẩy tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam hơn 2% trong năm nay. Điều này sẽ bù đắp nhiều hơn cho sự sụt giảm trong lĩnh vực sản xuất”, ông Michael Kokalari dự báo.

Tất nhiên, cùng với đó, giải ngân đầu tư công tiếp tục được coi là yếu tố quan trọng giúp “hóa giải” áp lực điều hành tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Không chỉ VinaCapital, mà các định chế nước ngoài nói chung đều có nhận định như vậy. Chính phủ Việt Nam cũng xác định giải ngân đầu tư công là giải pháp hàng đầu để thúc tăng trưởng kinh tế.

Trong Báo cáo Hướng đến năm 2023 do VinaCapital vừa công bố, ông Michael Kokalari, CFA, Chuyên gia Kinh tế trưởng của đơn vị này cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ chậm lại, giảm từ mức 8% trong năm 2022 xuống còn 6% trong năm 2023.

“Nguyên nhân là giai đoạn bùng nổ sau Covid của Việt Nam đã kết thúc và nhu cầu về các sản phẩm ‘Made in Vietnam’ ở Mỹ, EU… đang chậm lại đáng kể, cùng với sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu”, ông Michael Kokalari lý giải.

Tin bài liên quan