Sự suy yếu của thị trường lao động và nỗi lo xung quanh việc lợi suất trái phiếu tăng đã gây áp lực lên thị trường chứng khoán Mỹ trên diện rộng trong phiên giao dịch cuối tuần qua.
Tuy nhiên, với việc các cuộc đàm phán xung quanh gói viện trợ 1.900 tỷ USD của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Bide vẫn đang được tích cực thúc đẩy tại Quốc hội, giới đầu đặt kỳ vọng vào các chính sách kích cầu mạnh mẽ hơn nữa từ chính phủ có thể giúp nền kinh tế phục hồi trong giai đoạn tới.
Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC vào tối thứ Năm (18/2), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tuyên bố ủng hộ tăng viện trợ cho người Mỹ và cho rằng, nếu chính phủ chi tiêu quá tiết kiệm, người dân sẽ gánh chịu nhiều rủi ro hơn.
"Chúng tôi cho rằng Quốc hội Mỹ cần phải thông qua một gói cứu trợ đủ lớn để bù đắp nỗi đau mà đại dịch gây ra. Hiện tại, khoảng 15 triệu người Mỹ đang chậm thanh toán tiền thuê nhà, 24 triệu người trưởng thành và 12 triệu trẻ em đói ăn, các doanh nghiệp nhỏ thì lụn bại dần", bà Yellen nhấn mạnh.
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết, cơ quan lập pháp này sẽ cố gắng hết sức để có thể thông qua kế hoạch viện trợ trị giá 1.900 tỷ USD trước khi tháng 2 kết thúc.
Việc triển khai tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cũng đang được đẩy nhanh, dấy lên kỳ vọng thúc đẩy sự phục hồi kinh tế trong nửa cuối năm 2021. Tuần qua, Mỹ ghi nhận trung bình 72.831 ca nhiễm mới mỗi ngày, giảm 44% so với mức trung bình hai tuần trước, trong khi cho đến ngày 19/2, 59,1 triệu liệu vắc-xin đã được tiêm cho khoảng 17,8% dân số.
Tuy nhiên, sự lạc quan về một nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ cũng khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng. Trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt lợi suất 1,344% vào thứ Sáu, tăng mạnh so với mức 1,199% vào cuối tuần trước.
Thông thường, lãi suất ngân hàng cũng như lãi suất/lợi suất trái phiếu tăng sẽ làm suy yếu sức mua trên thị trường chứng khoán, tác động đến các mô hình tính toán liên quan đến chiết khấu dòng tiền trong tương lai. Bên cạnh đó, lãi suất trái phiếu tăng sẽ tác động đáng kể đến một số lĩnh vực như đầu tư nhà đất.
Mặt khác, chỉ số nhà quản trị mua hàng tổng hợp cho cả dịch vụ và sản xuất của Mỹ do IHS Markit công bố đã tăng lên mức 58,8 trong tháng 2 từ mức 58,7 trong tháng trước đó, cho thấy sự phục hồi kinh tế đang có dấu hiệu tăng tốc.
Ngoài ra, doanh số bán nhà có sẵn tại Mỹ đã tăng 0,6% lên mức 6,69 triệu trong tháng 1/2020.
Kết thúc phiên 19/2, chỉ số Dow Jones tăng 0,98 điểm (+0,00%), lên 31.494,32 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 7,26 điểm (-0,14%), xuống 3.906,71 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 9,11 điểm (+0,07%), lên 13.874,46 điểm.
Trong tuần, Dow Jones tăng 0,11%, S&P 500 giảm 0,71%, Nasdaq Composite giảm 1,57%.
Chứng khoán Châu Âu có phiên giao dịch khởi sắc vào thứ Sáu khi dữ liệu khi tế mới nhất cho thấy, hoạt động của các nhà máy tại khu vực trong tháng 2 tăng lên mức cao nhất trong vòng ba năm qua, trong khi doanh thu quý IV tích cực của nhiều công ty lớn thúc đẩy niềm tin vào sự phục hồi kinh tế trên diện rộng.
Bên cạnh đó, biên bản cuộc họp tháng 1 của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được công bố hôm thứ Năm cho thấy, các nhà hoạch định chính sách bày tỏ quan ngại về sức mạnh của đồng euro hiện nay nhưng có vẻ khá thoải mái trước sự gia tăng gần đây của lợi suất trái phiếu chính phủ.
Kết thúc phiên 19/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 6,87 điểm (+0,10%), lên 6.624,02 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 106,30 điểm (+0,77%), lên 13.993,23 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 45,22 điểm (+0,79%), lên 5.773,55 điểm.
Tính chung cả tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 0,52%, chỉ số DAX giảm 0,40% và CAC40 tăng 1,23%.
Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản vẫn chịu áp lực chốt lời và giảm phiên thứ hai liên tiếp, mặc dù chỉ số chính ghi nhận tăng tuần thứ ba liên tiếp.
Chứng khoán Trung Quốc tăng điểm nhờ đà tăng của nhóm cổ phiếu cơ sở hạ tầng và chứng khoán.
Chứng khoán Hồng Kông mất điểm từ sớm, nhưng đã bật lên trên tham chiếu vào những phút cuối nhờ nhóm cổ phiếu ngành vật liệu.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng điểm về cuối phiên, mặc dù các nhà đầu tư thận trọng trong suốt phiên do nghi ngờ về khả năng phục hồi bền vững của nền kinh tế và lo lắng về sự gia tăng gần đây của các ca nhiễm Covid-19 trong nước.
Kết thúc phiên 19/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 218,17 điểm (-0,72%), xuống 30.017,92 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 20,81 điểm (+0,57%), lên 3.696,17 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 49,46 điểm (+0,16%), lên 30.644,73 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 20,96 điểm (+0,68%), lên 3.107,62 điểm.
Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,69%, chỉ số Shanghai Composite tăng 1,12%, chỉ số Hang Seng tăng 1,56% và chỉ số KOSPI tăng 0,23%.
Giá vàng thế giới phiên ngày thứ Sáu tăng khá mạnh nhờ đồng USD yếu đi và phố Wall giảm điểm, kéo một phần dòng tiền trở lại với tài sản trú ẩn an toàn để dự phòng rủi ro.
Kết thúc phiên 19/2, giá vàng giao ngay tăng 9,30 (+0,52%), lên 1.784,60 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 3 tăng 2,30 USD (+0,13%) 1.776,30 USD/ounce.
Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 2,17%, giá vàng tương lai giao tháng 3 giảm 2,51%.
Trong khảo sát về giá vàng tuần tới của Kitco với 18 chuyên gia trên phố Wall, có 13 người dự báo vàng sẽ tăng giá, 3 người cho rằng giá vàng giảm và có 2 dự báo giá vàng sẽ đi ngang.
Đối với khảo sát trực tuyến với 1.292 người tham gia, 43% trong số đó tin rằng giá vàng sẽ tăng, 40% cho rằng giá vàng giảm và 17% có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.
Giá dầu giảm phiên thứ 2 liên tiếp trong bối cảnh các công ty năng lượng tại Texas rục rịch khởi động lại các mỏ dầu và khí bị đóng cửa trong thời gian gần đây do thời tiết băng giá và mất điện.
Thời tiết lạnh giá bất thường tại Texas và Plains đã làm giảm sản lượng dầu thô của Mỹ lên tới 4 triệu thùng/ngày và 21 tỉ feet khối khí tự nhiên. Đồng thời, các công ty năng lượng Mỹ trong tuần qua cũng đã cắt giảm hoạt động các giàn khoan dầu lần đầu tiên kể từ tháng 11/2020, đồng thời các nhà máy lọc dầu ở Texas tạm ngừng khoảng 1/5 hoạt động sản xuất.
Giá dầu giảm bất chấp tồn trữ dầu thô Mỹ giảm. Tồn trữ dầu thô trong tuần trước tại Mỹ giảm 7,3 triệu thùng, xuống còn 461,8 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020, Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết.
Kết thúc phiên 19/2, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,28 USD (-2,16%), xuống 59,24 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,02 USD (-1,62%), xuống 62,91 USD/thùng.
Trong tuần, dầu WTI tăng 1,47%, dầu Brent tăng 2,41%.