Áp lực đầu tư phát triển, TP.HCM xin giữ lại ngân sách 23%

Áp lực đầu tư phát triển, TP.HCM xin giữ lại ngân sách 23%

0:00 / 0:00
0:00
Trước nhu cầu chi đầu tư phát triển ngày càng gia tăng, TP.HCM kiến nghị được điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Thành phố giai đoạn 2022 - 2025 là 23%

Nộp ngân sách lớn nhất, tỷ lệ được giữ lại thấp nhất

Cuối tháng 4/2020, Báo Đầu tư có loạt bài “Siêu dự án trung ương và lời khẩn cầu từ TP.HCM” phản ánh những khó khăn, khốn khổ không chỉ của người dân, mà của cả chính quyền TP.HCM khi hàng loạt dự án lớn trên địa bàn ngưng trệ vì nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do thiếu vốn đầu tư. Liên quan vấn đề này, mới đây, một lần nữa, UBND TP.HCM có văn bản “khẩn cầu”, bởi những áp lực quá lớn trong đầu tư phát triển.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, Thành phố đang đối diện với hàng loạt khó khăn, thách thức lớn, đặc biệt là sự quá tải về hạ tầng kinh tế - xã hội đang ngày càng gia tăng. Thành phố chỉ xây mới và cải tạo được 2.757 km/6.000 km hệ thống cống thoát nước (đạt 45,95% quy hoạch); nạo vét được 129 km/4.369 km kênh rạch (đạt 2,96%), trong khi đang chịu ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng nước biển dâng và hiện tượng sụt lún.

Hạ tầng giao thông ở TP.HCM chậm được mở rộng và nâng cấp. Mật độ đường giao thông của Thành phố là 2,17 km/km2 (chỉ đạt khoảng 20% so với quy chuẩn mật độ đường đô thị), hệ thống giao thông kết nối liên vùng còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, chưa tương xứng với vị thế trung tâm liên kết của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.

TP.HCM là địa phương có tỷ lệ đóng góp vào ngân sách lớn nhất cả nước (khoảng 27%), nhưng tỷ lệ được phân chia lại ngân sách… thấp nhất nước (từ năm 2017, tỷ lệ này chỉ còn 18%). Nhu cầu vốn để chi đầu tư phát triển hạ tầng và nhu cầu kinh phí để đảm bảo các chính sách, chế độ ngày càng tăng cao, gây áp lực lớn, tác động lớn đến sự phát triển nhanh hơn, bền vững hơn của Thành phố.

Kiến nghị được giữ lại 23% ngân sách

Trong văn bản kiến nghị gửi tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.HCM cho biết, năm 2020, tiến hành xây dựng Đề án “Điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025”, Thành phố đã tổ chức nhiều cuộc họp và xây dựng trên 12 kịch bản tỷ lệ điều tiết theo phương pháp nghiên cứu khoa học.

Kết quả dựa trên chuỗi số liệu từ các kịch bản cho thấy, phương án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM là 23% trong giai đoạn 2022 - 2025 (bằng với giai đoạn 2011 - 2016) cho kết quả tối ưu, đảm bảo đáp ứng được tất cả các tiêu chí.

Đặc biệt hơn, theo ông Nguyễn Thành Phong, TP.HCM được giữ nhiều ngân sách, thì số tiền nộp về ngân sách trung ương lại tăng so với trường hợp Trung ương vẫn giữ nguyên tỷ lệ điều tiết 18% ngân sách để lại cho TP.HCM. Tại Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 42 (tháng 7/2020), ông Nguyễn Thiện Nhân, khi đó là Bí thư Thành ủy TP.HCM, đã phân tích, do TP.HCM là trung tâm có hiệu quả kinh tế cao nhất nước, năng suất gấp 2,8 lần bình quân cả nước; một đồng vốn công bỏ ra ở TP.HCM thu hút 10 - 14 đồng vốn đầu tư và mỗi năm tạo thêm 126.000 việc làm.

Sau đó, Thành ủy TP.HCM đã có Tờ trình kiến nghị Bộ Chính trị chấp thuận chủ trương điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025 là 23%, thay vì 24% như ban đầu.

Trong kiến nghị mới đây gửi tới Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.HCM khẳng định: “Số thu ngân sách chuyển nộp về ngân sách trung ương tăng so với trường hợp Trung ương vẫn giữ nguyên tỷ lệ điều tiết 18% cho ngân sách TP.HCM”.

Từ đó, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng “ủng hộ chủ trương và quan tâm chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với Thành phố và cơ quan liên quan hoàn chỉnh Đề án Điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Thành phố, hoàn thiện tờ trình của Chính phủ trình cấp có thẩm quyền thông qua Đề án trong năm 2021 nhằm tăng thu ngân sách chuyển về cho Trung ương và tạo tiền đề để Thành phố phát triển nhanh, bền vững”.

Đầu tư công cũng cần tăng vốn

UBND TP.HCM cũng cho hay, tại Công văn số 419/TTg-KTTH ngày 2/4/2021, Thủ tướng Chính phủ thông báo mức vốn dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn của TP.HCM là 156.483,2 tỷ đồng; trong đó vốn ODA vay lại là 14.873 tỷ đông, vốn ngân sách của Thành phố là 127.683 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương là 13.926 tỷ đồng.

Tuy nhiên, qua rà soát, số vốn ODA vay lại 14.873 tỷ đồng không đáp ứng nhu cầu vốn của các dự án ODA trọng điểm của Thành phố giai đoạn 2021 - 2025 (51.007 tỷ đồng).

Đối với vốn ngân sách TP.HCM, qua rà soát, tự cân đối ngân sách, Thành phố có thể bố trí vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2025 cao hơn so với kế hoạch của Trung ương giao từ nguồn bán đấu giá các khu đất sạch, nhà, đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, quỹ nhà, đất tái định cư dôi dư, nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước...

Từ các cơ sở trên, lãnh đạo TP.HCM cho rằng, đối với vốn ODA vay lại, Trung ương cần bố trí đủ theo các hiệp định vay đã ký kết và đang hoàn tất các thủ tục ký kết.

Đối với vốn ngân sách TP.HCM, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh tăng mức vốn dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 phù hợp với tình hình thực tế để UBND TP.HCM trình HĐND Thành phố quyết định theo nguyên tắc: cân đối nguồn vốn được đến đâu, sẽ bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn đến đó nhằm bố trí vốn cho các dự án trọng điểm của Thành phố.

Tin bài liên quan