Biên lợi nhuận của doanh nghiệp xi măng đang mỏng hơn.

Biên lợi nhuận của doanh nghiệp xi măng đang mỏng hơn.

Áp lực của doanh nghiệp xi măng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không chỉ chịu áp lực chi phí đầu vào tăng cao, doanh nghiệp ngành xi măng tiếp tục đối mặt với tình trạng dư cung.

Chi phí ăn mòn lợi nhuận

Quý đầu năm nay, Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên (mã HT1) ghi nhận doanh thu hợp nhất 2.071 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái, song lợi nhuận sau thuế đạt 24,7 tỷ đồng, giảm 74% so với cùng kỳ.

Theo lãnh đạo Xi măng Hà Tiên, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine cùng các biện pháp cấm vận của phương Tây khiến tình trạng đứt gẫy chuỗi cung ứng toàn cầu, bắt đầu từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, trở nên trầm trọng hơn, đẩy giá các nguyên liệu sản xuất của ngành xi măng tăng vọt.

Tất nhiên, để bù đắp cho chi phí đầu vào tăng mạnh, các doanh nghiệp xi măng cũng phải tăng giá bán sản phẩm. Nhưng với Xi măng Hà Tiên, Xi măng Hoàng Mai, việc tăng giá bán chưa theo kịp với đà tăng của chi phí đầu vào.

Năm 2022, HOM đặt kế hoạch lãi sau thuế 12 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu dự kiến là 1,26%.

Tại Công ty cổ phần Xi măng Hoàng Mai (mã HOM), doanh thu quý I đạt 429 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn bán hàng lên tới 375 tỷ đồng, nên lợi nhuận rất mỏng, chỉ đạt 355 triệu đồng.

HOM cũng cho biết, giá nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào như dầu diesel, than cám, thạch cao tự nhiên… tăng cao đã ảnh hưởng đến giá thành sản xuất các sản phẩm của Công ty.

Đặc biệt từ tháng 8/2021 đến nay, nguồn cung than cám bị đứt gãy, giá than cám trên thị trường cao hơn của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) từ 200.000 - 250.000 đồng/tấn, gây khó khăn trong việc ổn định nguồn cung, ảnh hưởng tới tiêu hao năng suất, chất lượng và giá thành sản xuất clinker.

Bên cạnh đó, thị trường thế giới đối mặt với nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, chi phí logistics tăng cao ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hoá, trong đó có xi măng, clinker.

Trong khi đó, việc điều chỉnh giá bán xi măng đã giúp Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn (mã chứng khoán BTS) ghi nhận mức tăng trưởng 8% với chỉ tiêu doanh thu và 48% với chỉ tiêu lợi nhuận trong quý đầu năm nay. Tuy nhiên, tính trên quy mô vốn điều lệ hiện tại là hơn 1.235 tỷ đồng, con số lợi nhuận quý I là gần 18 tỷ đồng và kế hoạch cả năm là 74,2 tỷ đồng vẫn ở mức rất thấp.

Cung vượt cầu

Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, ngành xi măng Việt Nam vẫn trong tình trạng dư cung lớn và phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu. Sản lượng xi măng và clinker xuất khẩu ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tiêu thụ toàn ngành, với 42% trong năm 2021, tăng mạnh so với mức 21% của năm 2016.

Sản lượng xuất khẩu tăng cao chủ yếu đến từ việc xuất khẩu clinker sang thị trường Trung Quốc. Việc tập trung bán bán thành phẩm, chi phí vận chuyển tăng cao và phụ thuộc lớn vào một thị trường khiến hiệu quả của hoạt động xuất khẩu là không cao trong thời gian qua. Trong năm 2022, công suất toàn ngành dự kiến sẽ tiếp tục tăng 8% so với cùng kỳ và ngành bất động sản tại Trung Quốc chậm lại sẽ khiến cạnh tranh trong ngành ngày càng quyết liệt.

Đây cũng là những thách thức được Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bỉm Sơn chỉ ra trong tài liệu trình đại hội cổ đông thường niên 2022. Theo đó, nguồn cung xi măng trong nước dự kiến vào khoảng 107 triệu tấn, trong khi nhu cầu xi măng trong nước dự kiến 63 - 64 triệu tấn.

Thị trường xuất khẩu dự báo vẫn khó khăn do các nước nhập khẩu xi măng, clinker tiếp tục thực hiện chính sách bảo hộ sản xuất trong nước, hàng rào kỹ thuật thương mại, giá cước vận chuyển tăng cao…

Nhu cầu sử dụng xi măng bao đang dần thấp hơn xi măng rời, tiếp tục làm giảm lợi thế về thương hiệu xi măng Vicem Bỉm Sơn dẫn đến ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh.

“Giá bán thép xây dựng và xi măng hiện đã ghi nhận mức tăng lần lượt 15% và 7% so với đầu năm. Với việc thường chiếm tới 15 - 20% chi phí xây dựng, tiến độ các dự án xây dựng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, từ đó nhu cầu xi măng thực tế có thể thấp hơn dự kiến. Trong khi đó, giá than tiếp tục duy trì ở mức cao do cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine kéo dài hơn dự kiến, sẽ khiến biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp trong ngành suy giảm mạnh trong năm 2022”, VNDirect nhận định.

Tuy nhiên, do mức nền của kết quả kinh doanh năm 2021 thấp (ảnh hưởng của giai đoạn giãn cách xã hội phòng chống Covid-19 kéo dài, khiến nhiều hoạt động xây dựng bị đóng băng, sức tiêu thụ kém) nên VNDirect nhận định, lợi nhuận của doanh nghiệp ngành xi măng trong năm 2022 vẫn có khả năng tăng trưởng.

Năm nay, nhiều doanh nghiệp đặt mục tiêu kinh doanh với kỳ vọng khởi sắc. Năm 2022, Xi măng Bỉm Sơn đặt kế hoạch doanh thu 4.719 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 160 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 8,7% và 49,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hay Xi măng Hoàng Mai đặt kế hoạch doanh thu 1.811 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 12 tỷ đồng, cao hơn nhiều con số 1,9 tỷ đồng ghi nhận trong năm ngoái. Tuy vậy, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu dự kiến chỉ đạt 1,26%.

Giới phân tích đánh giá, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp xi măng đã được phản ánh vào thị giá cổ phiếu.

Tin bài liên quan