Đối diện ngưỡng kháng cự
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán DSC cho biết, theo phân tích kỹ thuật, VN-Index đã chạm tới khu vực “quá mua”, với 90% số cổ phiếu vốn hóa lớn nằm trong vùng tăng giá ngắn hạn. Trong bước sóng hồi phục ở xu hướng giảm dài hạn thì đây là chỉ báo nhà đầu tư nên chốt lời dần các mã đã tăng giá mạnh, bởi thị trường có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh.
Trường hợp đà tăng được duy trì mà không có điểm tựa về xu hướng và thông tin hỗ trợ, thị trường sẽ xuất hiện tình trạng “dồn cung”, VN-Index có nguy cơ xảy ra nhịp giảm nhanh và sâu về khu vực 1.200 - 1.220 điểm, gây ra rủi ro lớn cho nhà đầu tư hưng phấn tham gia mua đuổi.
Gần đây, dòng tiền có dấu hiệu dịch chuyển vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, điều này thể hiện dòng tiền không mạnh. Tuy nhiên, dòng tiền ngắn hạn được cải thiện so với giai đoạn trước và lan tỏa đều giữa các nhóm cổ phiếu. Yếu tố hỗ trợ là thị trường chứng khoán Mỹ xác nhận xu hướng tăng trung hạn, tác động tích cực lên tâm lý nhà đầu tư trong nước, giúp dòng tiền ngắn hạn trên thị trường bền vững hơn.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm khách hàng cá nhân, Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, thị trường chịu áp lực điều chỉnh khi VN-Index đang ở trong vùng kháng cự 1.260 - 1.285 điểm. Mặc dù vậy, xu hướng tăng của thị trường vẫn duy trì nên nếu chỉ số giảm điểm thì đây là nhịp điều chỉnh kỹ thuật, với mức hỗ trợ là 1.229 điểm.
Áp lực chốt lời không lớn
So với mặt bằng chung của thị trường, nhiều cổ phiếu thuộc nhóm ngành chứng khoán, thép, bất động sản có mức tăng giá cao hơn, đạt 20 - 30%, nên áp lực bán chốt lời gia tăng là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, áp lực này được đánh giá không lớn.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận xét, thanh khoản ở vùng đáy của chỉ số rất thấp, khoảng 11.000 - 12.000 tỷ đồng/phiên trên HOSE, tức lượng hàng bắt đáy giá rẻ không nhiều.
Trong khi đó, các nhà đầu tư bắt đáy chủ yếu là nhà đầu tư tổ chức, chuyên nghiệp, nắm giữ dài hạn. Hơn nữa, đà phục hồi của thị trường chậm rãi, xen kẽ những phiên tăng là một số phiên điều chỉnh và tích lũy. Do đó, một phần lượng hàng bắt đáy ở vùng giá rẻ đã được chốt lời và thị trường hấp thụ tốt.
Mặt khác, theo ông Hinh, thanh khoản thị trường ở mức rất thấp tại vùng đáy và chỉ được cải thiện trong 2 tuần gần nhất, bình quân đạt hơn 16.000 tỷ đồng/phiên, cho thấy nhiều nhà đầu tư đã bỏ lỡ đợt sóng phục hồi. Do vậy, thị trường luôn thường trực dòng tiền chờ giải ngân tại vùng giá thấp.
Với sự dẫn dắt trở lại của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là ngân hàng khi ghi nhận kết quả kinh doanh quý II/2022 tích cực, dòng tiền sẽ được giữ lại trên thị trường để tìm cơ hội, giúp xu hướng thị trường có diễn biến khả quan.
Đồng quan điểm, bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt nhìn nhận, dòng tiền lan tỏa từ các cổ phiếu vốn hóa lớn đến các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ phản ánh niềm tin nhà đầu tư được cải thiện, dòng tiền có sự ổn định. Nếu thanh khoản tiếp tục tăng, dòng tiền sẽ chảy vào thị trường nhiều hơn, nhất là dòng tiền đầu cơ, nhưng không chỉ tập trung vào các cổ phiếu đầu cơ, mà cả nhóm VN30.
Nhà đầu tư Nguyễn Mạnh Tuấn nhìn nhận, đa số cổ phiếu hiện có mức tăng 20 - 30% so với đáy và dòng tiền vẫn nghiêng về nhóm cổ phiếu đầu cơ, nên sức bền của dòng tiền chưa thể khẳng định.
Tiền mặt trong tài khoản nhà đầu tư vẫn còn, nhưng chưa vội đẩy mạnh giải ngân. Dòng tiền đang có sự luân chuyển nhanh giữa các nhóm cổ phiếu, tức nhà đầu tư mua bán với chu kỳ ngắn hạn, cổ phiếu về tài khoản mà có lãi sẽ ngay lập tức chốt lời.
Trước thực tế này, bà Quỳnh khuyến nghị, những nhà đầu tư lướt sóng nên theo dõi sát sao dòng tiền đang ra vào nhóm ngành nào để có thể chốt lời dứt khoát hoặc mua mới. Đối với nhà đầu tư trung và dài hạn chưa kịp giải ngân thì không nên mua đuổi, mà chờ những nhịp điều chỉnh để tham gia.