Nhu cầu với mặt hàng không thiết yếu như các sản phẩm gỗ ở cả trong và ngoài nước đều suy giảm

Nhu cầu với mặt hàng không thiết yếu như các sản phẩm gỗ ở cả trong và ngoài nước đều suy giảm

Áp lực bủa vây ngành gỗ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam gần đây được cải thiện, nhưng tốc độ phục hồi chậm và phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

2023 - Năm buồn

Tổng cục Thống kê ước tính, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ đạt 13,424 tỷ USD, giảm 16,2% so với năm 2022.

Nhu cầu với mặt hàng không thiết yếu như các sản phẩm gỗ ở cả trong và ngoài nước suy giảm kể từ đầu năm 2023, khiến kết quả kinh doanh của đa số doanh nghiệp ngành này giảm mạnh.

Tính đến hết tháng 9/2023, trong 14 doanh nghiệp ngành gỗ niêm yết và đăng ký giao dịch có 6 doanh nghiệp chưa hoàn thành một nửa kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2023, nhiều doanh nghiệp khác chỉ hoàn thành khoảng 60% mục tiêu. Trong đó, Gỗ An Cường đã phải điều chỉnh giảm mục tiêu doanh thu từ tháng 7/2023.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản (Viforest) cho biết, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có sự cải thiện trong những tháng cuối năm 2023 nhờ hoạt động xúc tiến xuất khẩu được đẩy mạnh, kinh tế toàn cầu diễn biến tích cực hơn, hàng tồn kho tại các thị trường chính có xu hướng giảm… Tuy vậy, đà phục hồi của ngành gỗ rất chậm, chỉ bù đắp một phần nhỏ mức giảm từ đầu năm 2023 do tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng, nhiều quốc gia duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt.

Bên cạnh đó, các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Mỹ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và không thiết yếu, khiến mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu khó phục hồi mạnh.

Ngoài ra, tháng 6/2023, EU đã đưa ra quy định chống phá rừng (EUDR), buộc sản phẩm gỗ nhập vào thị trường này phải đảm bảo không gây mất rừng. Đây là yêu cầu khắt khe mà nhiều nhà xuất khẩu Việt Nam khó có thể đáp ứng trong thời gian ngắn.

Trong khi đó, ngoài giá bán và sản lượng tiêu thụ giảm, các doanh nghiệp ngành gỗ còn chịu áp lực lớn từ việc phải chờ hoàn thuế giá trị gia tăng. Tính tới tháng 6/2023, số liệu của Viforest cho hay, số tiền chưa được hoàn trả là 6.100 tỷ đồng, trong đó khoảng 4.000 tỷ đồng nằm ở các doanh nghiệp dăm gỗ. Sau nhiều kiến nghị, tới đầu tháng 10/2023, các doanh nghiệp ngành gỗ, chủ yếu thuộc lĩnh vực chế biến dăm gỗ, viên nén mới được hoàn 2.000 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng.

Khó khăn có thể kéo dài

Công ty Chứng khoán An Bình (ABS) dự báo, đà phục hồi chậm của ngành gỗ nhiều khả năng sẽ duy trì trong thời gian tới, bởi các nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn đối mặt với nhiều khó khăn nên nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt đối với nhóm hàng hóa không thiết yếu ở mức thấp.

ABS lưu ý, các thị trường xuất khẩu lớn có các quy định chặt chẽ hơn về tính hợp pháp và bền vững của sản phẩm gỗ. Chẳng hạn, ngoài quy định về EUDR, EU đưa ra quy định giới hạn mới về formaldehyde trong sản phẩm tiêu dùng. Đối với các sản phẩm và đồ nội thất bằng gỗ cũng như nội thất của phương tiện giao thông đường bộ, giới hạn liên quan trong tương lai sẽ là 0,062 mg/m3 formaldehyde.

Tổng cục Thống kê ước tính, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ đạt 13,424 tỷ USD, giảm 16,2% so với năm 2022.

Một trong những thành viên của EU là Đức đang áp dụng Luật Nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, tác động gián tiếp đến các nhà xuất khẩu Việt Nam. Các nhà nhập khẩu phía Đức yêu cầu nhà xuất khẩu Việt Nam cung cấp thêm các chứng nhận liên quan nguồn gốc sản phẩm, tình trạng sử dụng lao động, tiền lương, xử lý chất thải, các chứng chỉ amfori BSCI, SA 8000, SMETA, FSC...

Theo thống kê, hơn 77% tổng kim ngạch xuất khẩu sang EU là các mặt hàng thuộc nhóm đồ gỗ (HS 9401 và HS 9403), gần 23% còn lại là các mặt hàng thuộc nhóm gỗ và bán nguyên liệu (HS 44).

Thị trường Nhật Bản cũng yêu cầu các sản phẩm gỗ của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này phải có chứng chỉ bền vững.

Ông Phùng Quốc Mẫn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Bảo Hưng cho biết, chỉ riêng với đánh giá formaldehyde, mỗi thị trường sẽ có cách đo khác nhau. Kết quả đo sẽ xếp loại gỗ có đạt tiêu chuẩn E0, E1, E2 đối với thị trường châu Âu, tiêu chuẩn CARB P2 đối với thị trường Mỹ và tiêu chuẩn JIS đối với thị trường Nhật Bản. Hàng Việt Nam muốn xuất khẩu vào các thị trường này đều phải vượt qua các rào cản kỹ thuật đó.

Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 04/2023/TT-BXD hướng dẫn về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng, có hiệu lực từ 1/1/2024, trong đó quy định hàm lượng phát thải chất formaldehyde trong gỗ nhân tạo (còn gọi là gỗ công nghiệp).

Ông Nguyễn Quang Hiệp, Vụ phó Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng khẳng định, việc ban hành quy chuẩn mới với vật liệu nội thất, sản phẩm gỗ công nghiệp, gỗ nhân tạo sẽ giúp những loại vật liệu này an toàn, thân thiện hơn với người sử dụng.

Theo đại diện Gỗ An Cường, về cơ bản, việc nâng quy chuẩn đối với hàng hóa vật liệu xây dựng là tốt cho người tiêu dùng và môi trường. Tuy vậy, trở ngại lớn nhất của các sản phẩm theo quy chuẩn mới là giá thành sản phẩm sẽ tăng. Điều này buộc các nhà sản xuất xuất phải liên kết chặt chẽ với các nhà cung cấp đã đáp ứng được quy chuẩn mới, cùng với việc ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến và quy trình sản xuất tinh gọn để đưa ra thị trường các sản phẩm chất lượng, giá bán cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Trong thời gian vừa qua, một số doanh nghiệp có định hướng quay lại thị trường trong nước. Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm gỗ phụ thuộc lớn vào sự phục hồi của thị trường bất động sản. Về vấn đề này, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam dự báo, thị trường bất động sản sẽ phục hồi rõ nét hơn từ quý II hoặc III/2024, khi độ ngấm chính sách với các khung pháp lý mới có hiệu lực, cũng như việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản tiếp tục được đẩy mạnh.

Tin bài liên quan