Áp lực bủa vây
Ngành thủy sản có đà phục hồi mạnh mẽ sau khi bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Bảy tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản mang về gần 6,7 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong cơ cấu sản phẩm, cá tra và tôm chiếm khoảng 65%, các sản phẩm khai thác biển chiếm khoảng 35%. Một số mặt hàng có độ phủ rộng như cá tra chi phối 95% nguồn cá thịt trắng toàn cầu, sản lượng xuất khẩu tăng 80%, chủ yếu do cá tuyết, cá minh thái bị thiếu hụt nguồn cung từ Nga.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) kỳ vọng, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản có thể vượt mức mục tiêu 10 tỷ USD, tăng 12 - 15% so với năm 2021 (8,9 tỷ USD). Trong đó, tôm đạt 4,2 tỷ USD, cá tra 2 tỷ USD, hải sản 3,8 tỷ USD.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP cho biết, các doanh nghiệp vẫn đang chịu tác động, hệ lụy của dịch bệnh, các chuỗi cung ứng quốc tế đứt gãy trong giai đoạn trước đến nay chưa khôi phục hoàn toàn, lạm phát làm giảm sức mua tại các thị trường tiêu dùng thủy sản của Việt Nam, giá thức ăn thủy sản gia tăng...
Theo ông Nam, có hai áp lực chính mà các doanh nghiệp thủy sản đang phải đối mặt là chi phí sản xuất và chi phí vận tải biển.
Chi phí thức ăn chăn nuôi của sản phẩm tôm và cá tra chiếm tới 65 - 70% giá thành.
Chi phí sản xuất, cụ thể là giá thức ăn thủy sản tăng cao khiến giá thành sản phẩm thủy sản của Việt Nam gia tăng, làm giảm khả năng cạnh tranh với sản phẩm của các nước khác. Trong khi đó, chi phí thức ăn chăn nuôi của sản phẩm cá tra, tôm chiếm tới 65 - 70% giá thành.
Chi phí vận tải biển và chi phí nhân công đều đi lên trong 2 năm qua do các vấn đề liên quan đến dịch bệnh, ách tắc cảng và giá nhiên liệu tăng vọt. Chi phí một container đi Bờ Tây Mỹ hiện nay khoảng 400 triệu đồng, đi châu Âu là 10.000 - 12.000 USD. Các chi phí khác như bao bì, hóa chất… cũng tăng.
Một số áp lực khác lưu ý là câu chuyện dòng tiền và tín dụng bị siết lại kể từ đầu tháng 8/2022.
Ông Nam cho hay, tại một số thị trường lớn của thủy sản Việt Nam như Mỹ và EU, lạm phát cao kỷ lục khiến người tiêu dùng hạn chế chi tiêu, sức mua thủy sản có nguy cơ sụt giảm. Không ít nhà nhập khẩu thông báo không nhận đơn hàng từ nay đến hết tháng 10. Theo đó, doanh nghiệp nhiều khả năng không có đủ dòng tiền để trả nợ ngân hàng, mà không trả khoản nợ cũ thì sẽ không được vay khoản mới, ảnh hưởng đến hoạt động thu mua tôm, cá của người dân.
Nguy cơ giảm tốc
Tại các doanh nghiệp, bức tranh kinh doanh 7 tháng đầu năm 2022 phản ánh sự tăng trưởng, nhưng quý III có thể giảm tốc.
Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán VHC) cho biết, trong tháng 7/2022, doanh thu đạt 1.198 tỷ đồng, tăng gần 13% so với tháng 6 và tăng 48% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, sản phẩm cá tra mang về 789 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ. Lũy kế 7 tháng đầu năm nay, Vĩnh Hoàn đạt doanh thu 8.692 tỷ đồng, tăng 82,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường xuất khẩu chính trong tháng 7/2022 của Vĩnh Hoàn vẫn là Mỹ khi chiếm 36,2% tổng doanh thu, đạt 434 tỷ đồng, tăng 31% so với tháng 6 và tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu tại thị trường châu Âu, Trung Quốc và một số thị trường khác đều tăng. Đối với thị trường trong nước, doanh thu tháng 7 đạt 177 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giảm 30% so với tháng 6.
Tại Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú (Minh Phú, mã chứng khoán MPC), trong 6 tháng đầu năm 2022, Công ty ghi nhận doanh thu 8.730 tỷ đồng, tăng 43%; lợi nhuận sau thuế 242 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2021.
Năm nay, Minh Phú đặt kế hoạch đạt doanh thu 21.018 tỷ đồng, tăng 55%; lợi nhuận sau thuế 1.287 tỷ đồng, gần gấp đôi năm 2021. Với kết quả đạt được trong 6 tháng, Công ty thực hiện được hơn 21% kế hoạch doanh thu và 18,8% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Lợi nhuận quý II/2022 của Minh Phú trái chiều với doanh thu là do gánh nặng chi phí. Cụ thể, báo cáo tài chính cho thấy, chi phí tài chính là 83 tỷ đồng, gấp 7 lần cùng kỳ, vì chênh lệch lỗ tỷ giá hối đoái 67 tỷ đồng; chi phí bán hàng 467 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ; chi phí quản lý doanh nghiệp gần 192 tỷ đồng, tăng 135% so với cùng kỳ.
Nhiều doanh nghiệp thủy sản khác lãi lớn trong 6 tháng đầu năm 2022 như Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã chứng khoán FMC) với 161 tỷ đồng, tăng 42%; Công ty cổ phần Thủy sản Nam Việt (mã chứng khoán ANV) với 447 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ; Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia (mã chứng khoán IDI) với 391 tỷ đồng, tăng 22%.
Tuy nhiên, bức tranh kinh doanh quý III/2022 của ngành thủy sản được VASEP nhận định sẽ tăng trưởng chậm lại, tổng kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt khoảng 3 tỷ USD, thấp hơn so với quý II. Một trong những nguyên nhân là do tình trạng khan hiếm nguyên liệu tôm và hải sản. Trong khi đó, nhu cầu tôm thế giới được dự báo kém khả quan trong những tháng cuối năm.
Lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản chia sẻ, thời gian gần đây, đơn hàng bắt đầu chững lại, sức mua của người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi biến động tỷ giá tại EU, trong khi tại thị trường Mỹ, người dân dần thắt chặt chi tiêu. Một số nhà nhập khẩu thông báo thời gian nhận hàng chậm lại 3 - 5 tháng.
Tôm và cá tra là hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhưng cũng không tránh khỏi khó khăn, thách thức khi giá thức ăn tăng cao và áp lực cạnh tranh từ một số thị trường. Thời gian qua, Trung Quốc đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19, Ecuador và Ấn Độ không xuất khẩu được tôm vào thị trường này nên bán tháo vào thị trường Mỹ, Canada, Nhật Bản, EU…
Hiện tại, Trung Quốc đã cho nhập khẩu trở lại, nhưng tôm từ hai thị trường trên vẫn còn ứ đọng ở các thị trường khác, khiến hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam bị ảnh hưởng. Tại Mỹ, xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong tháng 7/2022 sang thị trường này giảm 23% so với tháng 6.
Về thức ăn cho chăn nuôi cá, nếu như năm 2020, một bao cám 25 kg có giá 330.000 đồng thì nay tăng lên 420.000 đồng, trong khi giá bán của nhiều loại cá thương phẩm không tăng so với trước.
Với mặt hàng cá tra, dù thuận lợi về nhu cầu thị trường nhưng nguồn cung cá tra nguyên liệu không ổn định.
Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam Dương Nghĩa Quốc cho biết, cá tra cỡ 0,8 - 1 kg/con có thể xuất đi Mỹ, EU với giá 28.000 - 29.000 đồng/kg, cá tra cỡ 1,1 - 1,3 kg/con có giá xuất khẩu 27.000 đồng/kg. Các mức giá này cao không đáng kể so với giá thành, nên nhiều người nuôi lưỡng lự, chậm thả nuôi vụ mới, vì khó thu lãi như mong muốn.
Theo Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI, tồn kho thủy sản tại các thị trường xuất khẩu chính, đặc biệt là Mỹ đang ở mức cao do khối lượng nhập khẩu lớn trong nửa đầu năm 2022. Kết hợp với áp lực lạm phát, xuất khẩu thủy sản có thể sẽ giảm tốc trong quý III này.
Thống kê mặt hàng cá tra cho thấy, trong tháng 7/2022, cá tra Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chỉ đạt 44 triệu USD, giảm mạnh so với mức 113 triệu USD trong tháng 4. Tương tự, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ giảm từ 81 triệu USD xuống 32 triệu USD.
Công ty Chứng khoán VNDIRECT dự báo, biên lợi nhuận gộp 2 quý cuối năm 2022 của nhóm doanh nghiệp cá tra và tôm có thể bị thu hẹp.