Áp lực bán mạnh dần

Áp lực bán mạnh dần

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhịp điều chỉnh có thể khiến VN-Index kiểm định lại vùng hỗ trợ 1.200 điểm, nhưng nhiều khả năng đây sẽ là bước tạo đà để chinh phục mức cao hơn.

Cú huých AI hỗ trợ cho thị trường quốc tế

Thị trường chứng khoán Mỹ có khởi đầu tuần qua không mấy tích cực và gặp áp lực bán điều chỉnh sau biên bản cuộc họp tháng 1/2024 của Fed được công bố. Tuy nhiên, kết thúc tuần, thị trường vẫn ghi nhận 1 tuần tăng điểm và các chỉ số tiếp tục thiết lập mức kỷ lục mới trên đỉnh lịch sử, khi báo cáo kết quả kinh doanh quý của hãng sản xuất con chip Nvidia vượt xa kỳ vọng, tạo tâm lý hưng phấn cho nhà đầu tư.

Chứng khoán Nhật Bản cũng lập đỉnh cao lịch sử khi các nhà đầu tư đổ tiền vào một quốc gia đã thoát khỏi tình trạng giảm phát và đang trên con đường tăng trưởng bền vững. Hiệu suất của chỉ số Nikkei 225 vượt qua cả S&P 500 tính theo đồng nội tệ kể từ đầu năm 2023, với cổ phiếu chip chiếm 3 trong số 5 cổ phiếu tăng giá nhiều nhất của chỉ số.

Cú huých trí tuệ nhân tạo (AI) đã kéo theo toàn bộ chỉ số MSCI Emerging Markets tăng thêm 0,9%, dẫn đầu bởi mức tăng vượt trội của TSMC - nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu Đài Loan (Trung Quốc).

Bên cạnh đó, tại Trung Quốc, ngân hàng trung ương nước này bất ngờ công bố mức giảm lãi suất tham chiếu cho vay thế chấp lớn nhất từ trước đến nay, khi chính quyền cố gắng hỗ trợ thị trường bất động sản và nền kinh tế đang gặp khó khăn. Lãi suất cho vay ưu đãi 5 năm được giảm 25 điểm cơ bản, từ 4,2%/năm xuống 3,95%/năm, trong khi lãi suất cho vay ưu đãi 1 năm giữ nguyên mức 3,45%/năm.

Hầu hết các khoản vay mới và cũ ở Trung Quốc đều dựa trên lãi suất cho vay ưu đãi 1 năm, trong khi lãi suất cho vay ưu đãi 5 năm ảnh hưởng đến việc định giá các khoản vay thế chấp. Nhìn chung, việc cắt giảm 25 điểm cơ bản đối với lãi suất cho vay ưu đãi 5 năm là lớn nhất kể từ khi mức lãi suất tham chiếu được áp dụng vào năm 2019 và vượt xa kỳ vọng của các nhà phân tích. Đây được cho là một trong những tín hiệu rõ nhất về chu kỳ cắt giảm lãi suất lớn nhất trong lịch sử của Trung Quốc bắt đầu diễn ra. Việc này sẽ hỗ trợ trực tiếp ngành bất động sản bằng khi giảm chi phí vay thế chấp đối với người mua nhà. Ngoài ra, Trung Quốc tiếp tục đưa ra lệnh cấm các nhà đầu tư tổ chức lớn giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu vào lúc mở cửa và đóng cửa mỗi ngày giao dịch, nhằm hỗ trợ thị trường chứng khoán.

Một diễn biến đáng chú ý khác là vận động của lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ ghi nhận hồi phục mạnh, tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2023, sau phiên đấu giá trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 20 năm trị giá 16 tỷ USD diễn ra ảm đạm và các nhà đầu tư tiếp tục hạ thấp kỳ vọng vào cơ hội cắt giảm lãi suất vào tháng 3 tới.

VN-Index: Áp lực bán mạnh dần

Chỉ số VN-Index ghi nhận diễn biến rung lắc điều chỉnh trong tuần qua, sau khi bứt phá vùng cản tâm lý 1.200 điểm tuần trước đó. Diễn biến điều chỉnh của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và ngân hàng cùng với lực cầu có dấu hiệu suy yếu là những nguyên nhân chính tác động lên chỉ số chung.

Dưới góc nhìn kỹ thuật, áp lực bán xuất hiện mạnh hơn trong phiên giao dịch cuối tuần khi nhà đầu tư ngắn hạn cố gắng bảo vệ thành quả có được trong nhịp tăng, nhưng ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn của VN-Index quanh 1.200 điểm chưa bị vi phạm. Do đó, xu thế tăng ngắn hạn của thị trường được duy trì, dù nhịp điều chỉnh có thể khiến chỉ số kiểm định lại vùng hỗ trợ mới. Đồng thời, diễn biến này xuất hiện cũng được cho là đúng thời điểm khi chỉ số tiệm cận vùng đỉnh cũ hồi tháng 9/2023 tại 1.250 điểm. Để bứt phá thành công vùng cản đó, nới rộng dư địa tăng, thị trường có lẽ sẽ cần có thêm lực cầu.

Hiện tại, tâm lý thị trường dần yếu đi khi đà lan tỏa ngắn hạn tạo đỉnh gần mức 90% và xuyên xuống dưới MA10 của chính chỉ số. Áp lực điều chỉnh được ghi nhận đến từ tất cả các nhóm ngành trong phiên cuối tuần, đặc biệt là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và ngân hàng - nhóm đóng vai trò dẫn dắt nhịp tăng trong 2 tháng trở lại đây. Vì vậy, không quá khó để nhận thấy mức độ ảnh hưởng tới vận động của chỉ số thị trường thời gian tới.

Tuy nhiên, diễn biến điều chỉnh ở nhóm dẫn dắt, trụ cột chưa vi phạm các ngưỡng hỗ trợ quan trọng. Bên cạnh đó, mức độ hạ nhiệt của dòng tiền chưa đáng kể và chưa cho thấy sự rút lui ồ ạt của dòng tiền ra khỏi thị trường. Theo đó, trong kịch bản tích cực, diễn biến điều chỉnh hiện tại của thị trường và nhóm cổ phiếu trụ cột sẽ không ở mức nguy hiểm, gây sập gãy xu hướng tăng ngắn hạn. Nhịp điều chỉnh này trong các phiên tới sẽ mở ra cơ hội để gia tăng vị thế. Ngược lại, rủi ro đối với thị trường sẽ gia tăng nếu như tình trạng đồng thuận điều chỉnh tại nhóm vốn hóa lớn không được giải quyết và vận động kỹ thuật vi phạm xu hướng ngắn hạn hiện có.

Nhìn chung, sau khi duy trì đà tăng mạnh thì áp lực điều chỉnh với thị trường chứng khoán Việt Nam đã xuất hiện. Dù vậy, xu hướng tăng ngắn hạn được duy trì và sau khi bứt phá vùng cản tâm lý tại 1.200 điểm thì VN-Index chưa có nhịp kiểm định lại vùng hỗ trợ này. Do đó, vận động chậm lại và điều chỉnh để kiểm định lại vùng hỗ trợ mới được đánh giá là hợp lý. Diễn biến rung lắc, điều chỉnh có khả năng tái diễn trong tuần giao dịch mới, các vị thế mua mới nên chú ý đến những thay đổi trạng thái này của thị trường để tối ưu các vị thế giao dịch, thay vì bị yếu tố cảm xúc và trạng thái FOMO ảnh hưởng tới quyết định đầu tư.

Dự báo, dòng tiền sẽ tiếp tục xoay vòng quanh các nhóm cổ phiếu thuộc các ngành có nền tảng cơ bản tích cực và tiềm năng tăng trưởng trong năm 2024 như ngân hàng, bất động sản công nghiệp, cảng biển, hóa chất, dầu khí.

Tin bài liên quan