Áp lộ trình siết dần cho vay tiền mặt tại công ty tài chính

Áp lộ trình siết dần cho vay tiền mặt tại công ty tài chính

(ĐTCK) Với nội dung Thông tư số 18/2019/TT-NHNN vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sửa bổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính nhằm hạn chế rủi ro trong cho vay tiền mặt tiêu dùng theo lộ trình xuống 30% tổng dư nợ.

Theo đó, các công ty tài chính chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng, cho vay tiền mặt đối với khách hàng không có nợ xấu theo báo cáo quan hệ tín dụng tra cứu tại Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) tại thời điểm gần nhất so với thời điểm ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.

Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng tại một công ty tài chính so với tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty đó phải tuân thủ tỷ lệ tối đa theo lộ trình.

Cụ thể, tỷ lệ cho vay giải ngân trực tiếp bằng tiền mặt tại các công ty tài chính sẽ giảm 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2021 là 70%; từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022 là 60%; từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023 là 50%, còn từ 1/1/2024 là 30%. Như vậy, các công ty tài chính có lộ trình trong 5 năm để giảm cho vay tiền mặt.

Thực tế cho thấy, nếu như trước đây công ty tài chính tiêu dùng tham gia thị trường thường mở rộng liên kết với các đối tác để chiếm lĩnh thị phần cho vay thông qua các điểm bán, thì nay các tân binh công ty bước chân vào lĩnh vực này chỉ nhắm đến mảng cho vay tiền mặt được cho là còn nhiều dư địa và dễ tăng tưởng dư nợ.

Điển hình như: VietCredit, Easy Credit, SHB Finnance... và kể cả FE Credit, Home Credit, HD SAISON cũng chủ yếu nhắm đến mảng cho vay tiền mặt qua thẻ.

Các chuyên gia phân tích của FiinGroup cũng đưa ra nhận định, cho vay tiền mặt là một cách hiệu quả để Công ty tài chính thâm nhập vào 48% dân số là phân khúc thu nhập phổ thông và thấp. Quy mô của khoản vay không có bảo đảm thường là 1-10 triệu đồng và quay vòng trong 30 ngày, lên tới 70 triệu đồng trong 3 năm tùy theo lịch sử tín dụng.

Đó chính là lý do công ty tài chính đã tham gia thị trường này, nhằm đẩy mạnh cho vay tiền mặt. EVN Finance kể từ khi chính thức giới thiệu thương hiệu tài chính tiêu dùng Easy Credit tại TP.HCM, sau khi NHNN quyết định sửa đổi bổ sung nội dung giấy phép thành lập và cách thức hoạt động của EVN Finance, đã đẩy mạnh chủ trương cho vay tiền mặt, đáp ứng nhu cầu gia tăng của khách hàng cá nhân.

Mới đầu, gói vay tiền mặt được công ty áp này dụng tại 5 tỉnh: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Vũng Tàu. Sau 5 tỉnh thành đầu tiên, Easy Credit mở rộng sự hiện diện của mình tại 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ từ đầu năm 2019 đáp ứng nhu cầu vay tiền mặt tại đây. Khoản vay thấp nhất áp dụng là 10 triệu đồng và tối đa không quá 90 triệu đồng, thời hạn vay từ 6 - 60 tháng tùy khoản vay.

SHB Finance cũng cho biết, với sản phẩm cho vay tiền mặt chủ đạo, SHB Finance đang thể hiện chiến lược tập trung, đáp ứng nhu cầu của đông đảo khách hàng đại chúng với mức thu nhập trung bình từ 3 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, VietCredit chủ yếu cho vay tiền mặt qua thẻ. Lãi suất thẻ vay VietCredit dao động từ khoảng 2% đến 4,58%/tháng (tương đương 24% - 55%/năm) tính trên dư nợ gốc thực tế trên cơ sở 365 ngày.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích tài chính – tiền tệ đã đến lúc phải nhìn nhận lại việc đẩy mạnh cho vay tiền mặt của Công ty tài chính. Bởi cho vay tiêu dùng phải gắn với hoạt động mua hàng cụ thể, trong khi đó, việc các Công ty tài chính đẩy doanh số cho vay tiền mặt quá lớn gây hiểu nhầm trong xã hội về bản chất của vay tiêu dùng.

Tin bài liên quan