Dưới góc độ pháp luật và nguyên tắc cạnh tranh trên thị trường, các chuyên gia cho rằng, việc áp giá sàn chỉ xảy ra tại một thị trường không có cạnh tranh, để bảo vệ lợi ích người dân, xã hội trong khi tại thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam, hiện đang có sự cạnh canh gay gắt giữa các nhà cung cấp.
Việc áp giá sàn khi đang có cạnh tranh sẽ hạn chế doanh nghiệp mới tham gia thị trường, các doanh nghiệp đang có thị phần lớn sẽ cùng nhau thụ hưởng mức giá họ mong đợi, trong khi có doanh nghiệp sẵn sàng giảm giá để tăng doanh thu thì lại không được tham gia. Nhà nước cần khuyến khích cạnh tranh để các doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí, giảm giá cho người dùng. Bởi vậy, áp giá sàn là sai nguyên lý thị trường, không thúc đẩy cạnh tranh.
Việc VNPayTV lo ngại thị trường truyền hình trả tiền đang bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt, một số doanh nghiệp mới rất mạnh sẽ tham gia thị trường sẵn sàng chịu lỗ giai đoạn đầu, bán giá cực thấp, để loại bỏ các đối thủ hiện tại là không có có sở, vì đã được xử lý bằng quy định của Luật Cạnh tranh (chống bán phá giá, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh), chứ không phải áp giá sàn để doanh nghiệp không thể bán giá thấp hơn, người dân thì phải chịu giá cao hơn.
Ngoài ra, việc đề xuất giá sàn dịch vụ truyền hình trả tiền của VNPayTV còn vi phạm Luật cạnh tranh khi Luật này cấm “thoả thuận ấn định giá hàng hoá, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp” (Khoản 1 Điều 8) khi các bên tham gia thoả thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên (hiện VNPayTV đang đại diện cho nhóm thỏa thuận thuộc đối tượng bị cấm các thoả thuận hạn chế cạnh tranh và không thuộc trường hợp miễn trừ theo quy định tại Điều 10 Luật cạnh tranh).
Bên cạnh đó, việc áp giá sàn cho dịch vụ truyền hình trả tiền là không thể, vì đây là loại hình dịch vụ không nằm trong danh sách các dịch vụ mà nhà nước quản lý về giá. Việc áp giá sàn cho dịch vụ truyền hình trả tiền sẽ vi phạm luật về giá.
Các DN truyền hình trả tiền tham gia thỏa thuận ấn định giá sàn với VNPayTV còn vi phạm các quy định của Luật cạnh tranh về: (i) lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường như “áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây thiệt hại cho khách hàng” (khoản 2 Điều 13); “Ngăn cản việc tham gia thị trường của những đối thủ cạnh tranh mới” (khoản 6 Điều 13); (ii) lạm dụng vị trí độc quyền như “Các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm theo Điều 13 Luật cạnh tranh”; “Áp đặt các điều kiện bất lợi cho khách hàng” (khoản 2 Điều 14).
Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực này, đề án áp dụng giá sàn dịch vụ truyền hình trả tiền của VNPayTV chỉ phục vụ lợi ích cho một số nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền là thành viên của VNPayTV chứ không vì lợi ích người tiêu dùng, vì thực tế hiện nay, một số DN cung cấp gói cước có giá thấp hơn so với giá sàn, tức là nếu áp dụng, người dùng những gói này phải trả thêm tiền, thậm chí có người phải chịu tăng cước thêm đến 100%.
Bên cạnh đó, Đề án lại chẳng nói gì đến việc cải thiện chất lượng phát sóng và nội dung chương trình truyền hình ngoài yếu tố số lượng kênh không mấy rõ ràng.
Thêm vào đó, thực tế vài năm trở lại đây cho thấy, giá cước truyền hình trả tiền tăng liên tục nhưng chất lượng vẫn luôn bị người sử dụng kêu ca, phàn nàn (mất sóng, sóng yếu, chất lượng âm thanh và hình ảnh kém, quá nhiều quảng cáo; nhiều kênh nhưng nội dung trùng lập; nhiều kênh không thiết thực, nhiều chương trình nhảm nhí và không có sự kiểm soát nội dung, chạy đua dành tiền quảng cáo…).
Ngoài ra, đặc thù của thị trường truyền hình Việt Nam là có sự phức tạp theo từng vùng địa lý và đặc thù cư dân (tức là mỗi loại hình đối tượng thuê bao, phạm vi phủ sóng, yêu cầu chất lượng kênh có thể khác nhau); đơn vị ra sau hoặc phải có nội dung vượt trội hoặc phải dùng chiêu giá rẻ mới mong thu hút được người dùng, cạnh tranh được với các đối thủ đã chiếm lĩnh thị phần.
Chất lượng bao gồm nhiều yếu tố và không thể cào bằng giữa các cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền với nhau. Trong khi giá cả luôn phải đi kèm với chất lượng. Vì vậy việc tạo giá sàn đối với dịch vụ truyền hình trả tiền hiện nay là hết sức vô lý.