Tăng giá tính thuế trước bạ, tiền sử dụng đất
UBND TP.HCM vừa ra Quyết định số 22/2019/QĐ-UBND ban hành Bảng giá nhà ở, công trình, vật kiến trúc xây dựng mới trên địa bàn TP.HCM. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/9/2019, thay thế Quyết định số 66/2012/QĐ-UBND ngày 28/12/2012 của UBND TP.HCM ban hành Biểu giá chuẩn về suất vốn đầu tư phần xây dựng công trình trên địa bàn Thành phố.
Theo Quyết định số 22/2019/QĐ-UBND, giá để căn cứ tính thuế trước bạ, tiền sử dụng đất được chia làm nhiều loại.
Trong đó, biệt thự trệt chia làm 3 loại, với giá từ 6,425 triệu đồng tới 7,657 triệu đồng/m2 (mức giá cũ là từ 5,370 triệu đồng đến 6,4 triệu đồng/m2).
Biệt thự lầu chia làm 5 loại, với giá từ 3,649 triệu đồng đến 7,095 triệu đồng/m2 (giá cũ từ 3,05 triệu đồng đến 5,63 triệu đồng/m2). Nhà phố liền kề trệt chia làm 8 loại, với giá từ 1,125 triệu đến 4,965 triệu đồng/m2 (giá cũ từ 940.000 đồng đến 4,150 triệu đồng/m2)…
Tuy nhiên, Quyết định số 22/2019/QĐ-UBND không điều chỉnh giá nhà chung cư.
Như vậy, mức giá nhà ở theo Quyết định số 22/2019/QĐ-UBND đã tăng 5 - 10% so với quyết định áp dụng giá nhà gần nhất (Quyết định số 66/2012/QĐ-UBND).
Giá nhà sẽ tiếp tục tăng
Theo giới phân tích, khi áp dụng mức giá nhà ở, công trình, vật kiến trúc xây dựng mới, giá nhà sẽ tiếp tục tăng vì nó tác động trực tiếp đến giá nhà bán của chủ đầu tư.
Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, việc TP.HCM đưa ra Bảng giá nhà mới vào áp dụng sẽ ảnh hưởng ngay đến người mua nhà.
“Khi phí trước bạ chuyển mục đích sử dụng đất tăng, doanh nghiệp sẽ áp thẳng vào giá nhà bán ra, kéo theo giá nhà tăng lên, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi người mua nhà”, ông Phượng nói.
Giá trị xây dựng nhà ở, công trình, vật kiến trúc không có trong Bảng giá nhà ở, công trình, vật kiến trúc xây dựng mới trên địa bàn TP.HCM ban hành kèm theo quyết định này, thì áp dụng theo suất vốn đầu tư xây dựng công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình được Bộ Xây dựng công bố.
“Thực tế, cùng một vị trí và thời điểm mở bán, nhưng hai dự án có mức giá khác nhau. Doanh nghiệp bán giá thấp hơn bởi họ đã sở hữu quỹ đất và đóng tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất trước khi TP.HCM áp dụng giá đất mới, còn doanh nghiệp kia đóng tiền sử dụng đất cao hơn theo mức giá nhà, đất mới, nên đội giá thành”, bà Hương cho biết.
Đó cũng là mối lo lớn của doanh nghiệp địa ốc hiện nay, vì có nhiều doanh nghiệp sở hữu quỹ đất từ lâu, nhưng vướng thủ tục chuyển nhượng mục đích sử dụng đất, nên khi áp giá đất mới, số tiền doanh nghiệp phải đóng tăng cao hơn trước rất nhiều, gây bất lợi cho doanh nghiệp.
Thực tế những năm qua, giá nhà tại TP.HCM tăng khá mạnh. Chẳng hạn, năm 2016, Tập đoàn Đại Phúc bán Dự án Van Phuc City tại quận Thủ Đức với giá 5 tỷ đồng cho căn nhà phố diện tích 5x20 m thiết kế 1 triệt 3 lầu, nhưng nay giá đã tăng lên 17 tỷ đồng.
Trong mấy năm qua, giá căn hộ tại TP.HCM cũng tăng rất mạnh. Đơn cử, tại quận 1, giá căn hộ tại nhiều dự án hiện nay có giá cao gấp tới 5 lần so với khoảng 3 năm trước.
Sản phẩm nhà phố thương mại xây sẵn đã tăng trưởng ấn tượng. Nếu năm 2017, giá bán sơ cấp trung bình toàn thị trường nhà phố thương mại là 2.400 USD/m2 đất, thì đến giữa năm 2019, giá bán sản phẩm này trên thị trường đã lên tới 6.000 USD/m2 đất, tăng 2,5 lần so với năm 2017.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, trong bối cảnh giá nhà đất đã tăng mạnh, nay giá nhà mới được áp dụng, thì giá nhà mà các chủ đầu tư đưa ra sẽ còn tăng mạnh.
“Nhu cầu nhà ở tại TP.HCM hiện nay rất lớn, nhưng thu nhập bình quân của người dân còn thấp và nhu cầu nhà ở giá rẻ vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Khi giá nhà tiếp tục bị đẩy lên, thì lượng người dân khó có thể mua nhà sẽ tăng cao. Điều này có thể dẫn tới bong bóng giá nhà trong thời gian tới”, ông Châu phân tích.