Áp dụng... dự thảo luật, doanh nghiệp bị mắc kẹt

Áp dụng... dự thảo luật, doanh nghiệp bị mắc kẹt

0:00 / 0:00
0:00
Trong khi Ban Soạn thảo Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đang nỗ lực lắng nghe ý kiến doanh nhân để những chính sách mới hạn chế thấp nhất rủi ro cho doanh nghiệp, thì chính doanh nghiệp lại đang bị mắc kẹt giữa hai Luật Đất đai (luật hiện hành và dự thảo sửa đổi).

Làm về pháp luật, tôi từng nghe nhiều trường hợp cơ quan nhà nước áp dụng văn bản hết hiệu lực. Nhưng mới đây, tại hội thảo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lấy ý kiến doanh nghiệp về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), lần đầu tiên, tôi được nghe chuyện cơ quan nhà nước áp dụng văn bản còn đang... dự thảo.

Số là, Điều 172, Luật Đất đai 2013 (vẫn còn nguyên hiệu lực) quy định, doanh nghiệp thuê đất có quyền lựa chọn hình thức trả tiền một lần hoặc trả tiền hàng năm. Thông thường, các doanh nghiệp sẽ ưu tiên lựa chọn hình thức trả tiền một lần, vì như vậy vừa bảo đảm số tiền thuê đất không tăng đột biến các năm sau, vừa có quyền thế chấp quyền sử dụng đất để vay ngân hàng.

Tháng 6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về đất đai. Nghị quyết yêu cầu phải hoàn thiện các quy định về cho thuê đất theo hướng cơ bản thực hiện hình thức thuê đất trả tiền hàng năm và quy định cụ thể các trường hợp thuê đất trả tiền một lần.

Dựa theo đó, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến chỉ quy định đất nông nghiệp và đất khu công nghiệp được thuê trả tiền một lần, các loại đất thuê khác phải trả tiền hàng năm. Nhưng để bảo đảm quyền lợi doanh nghiệp, Dự thảo Luật Đất đai cũng sẽ sửa đổi, cho phép vẫn có quyền chuyển nhượng và thế chấp đất trả tiền hàng năm.

Tại Hội thảo lấy ý kiến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới đây tại VCCI, một doanh nghiệp phản ánh việc áp dụng pháp luật khó hiểu của cơ quan nhà nước. Doanh nghiệp đó thuê đất tại Hà Nội năm 2022 và muốn thuê đất trả tiền một lần, nhưng chính quyền không đồng ý, chỉ cho phép trả tiền hàng năm.

Lý do được chính quyền đưa ra là chủ trương giảm các trường hợp được thuê đất trả tiền một lần đã được đưa ra trong các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và Ban Chấp hành Trung ương.

Nói cách khác, chính quyền Hà Nội đã từ chối áp dụng Điều 172, Luật Đất đai 2013 còn nguyên hiệu lực, mà áp dụng các văn bản mang tính định hướng, chủ trương, đường lối và quy định mới đang được đề xuất.

Trong khi đó, Nghị quyết số 18-NQ/TW nói rõ, đây là giải pháp để hoàn thiện các quy định pháp luật, chứ không phải là văn bản áp dụng trực tiếp. Các chủ trương này còn phải qua quá trình thể chế hoá, tức là soạn thảo và ban hành các văn bản pháp luật, thì mới có thể áp dụng. Và nếu Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua đúng lộ trình (vào cuối năm 2023), thì ít nhất đến giữa năm 2024 mới có thể có hiệu lực thi hành.

Trong khi doanh nghiệp đã tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng theo đúng quy định của Nhà nước trả tiền thuê đất một lần cuối năm 2021, thì việc áp dụng dự thảo luật còn đang trong quá trình hoàn thiện đã khiến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp bị đổ bể. Doanh nghiệp mang đất trả tiền hàng năm ra ngân hàng thế chấp, ngân hàng cũng không nhận với lý do Luật Đất đai 2013 không cho phép thế chấp đất trả tiền hàng năm, cho dù doanh nghiệp này đã đầu tư không nhỏ vào lĩnh vực nông nghiệp với nhiều vùng nguyên liệu hữu cơ ở nhiều tỉnh, thành phố như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hà Nội, Ninh Bình, Hải Dương…

Không thuê được đất, đồng nghĩa với việc không xây dựng được nhà máy, khiến doanh nghiệp không thể hoàn thành cam kết bao tiêu sản lượng cho nông dân, dẫn đến nguy cơ phá vỡ vùng nguyên liệu, đặc biệt là những vùng đã đáp ứng được Tiêu chuẩn USDA của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ như Đồng Phú (Hà Nội), Sơn La, Lai Châu… mà rất lâu mới thiết lập được.

Chính quyền địa phương bất thình lình thay đổi chính sách. Và, doanh nghiệp mắc kẹt giữa hai Luật Đất đai.

Tin bài liên quan