Theo ghi nhận của một số công ty chứng khoán, sau thời gian đầu… bực bội vì phải làm quen với bước giá mới, những kêu ca, thậm chí là đòi quay trở lại bước giá cũ từ phía khách hàng ngày một thưa dần.
“Việc chia nhỏ bước giá giúp nhà đầu tư giao dịch nhiều tiết kiệm chi phí giao dịch phải trả cho công ty chứng khoán. Cải cách này còn giúp cho bên mua và bán dễ gặp nhau hơn. Cả hai bên không còn bị ép phải giao dịch ở mức giá chưa hẳn là đúng với mong muốn của họ như bước giá cũ. Tôi thích sự đổi mới này…”, một nhà đầu tư tại sàn chứng khoán SSI chia sẻ.
Niềm vui tiết kiệm được chi phí giao dịch của nhà đầu tư liệu có đồng nghĩa với việc thất thu của phía công ty chứng khoán?
Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, Tổng giám đốc một công ty chứng khoán đang niêm yết nhận xét, trên bình diện từng giao dịch đơn lẻ, việc chia nhỏ bước giá phần nào giúp nhà đầu tư tiết kiệm chi phí giao dịch. Tuy nhiên, do việc chia nhỏ bước giá sẽ giúp cho cung - cầu dễ gặp nhau hơn, nên sẽ dần góp phần cải thiện thanh khoản cho thị trường và mức phí mà các công ty chứng khoán thu được có triển vọng cải thiện.
Dẫu vậy, theo vị tổng giám đốc này, mức phí môi giới mà các công ty chứng khoán thu được trong ngắn hạn có thể sẽ có biến động. Điều này có liên quan đến sự tham gia thị trường của các “đội lái” trong bối cảnh một số ý kiến nhìn nhận hoạt động thao túng giá chứng khoán sẽ khó hơn khi chia nhỏ bước giá. Các “đội lái” thường giao dịch với giá trị lớn, nên khi tần suất và giá trị giao dịch giảm sẽ tác động đáng kể đến doanh thu môi giới của các công ty chứng khoán có mối liên hệ với “đội lái”.
“Trước khi áp dụng chia nhỏ bước giá, trong nhiều phiên giao dịch, đơn cử như với cổ phiếu FPT, khá thường xuyên có những lệnh giao dịch lớn được tung ra. Thế nhưng, theo dõi diễn biến kể từ sau thời điểm áp dụng chia nhỏ bước giá đến nay, không còn những lệnh khủng như vậy nữa. Điều này phần nào cho thấy những tác động tích cực của áp dụng bước giá mới trong ngăn ngừa cung cầu ảo…”, Phó tổng giám đốc một công ty chứng khoán nhìn nhận.
Phân tích kỹ hơn tác động của việc chia nhỏ bước giá, đại diện một số công ty chứng khoán nhìn nhận, trước đây, theo bước giá cũ, cả 3 mức giá: trần, tham chiếu và giá sàn đều hiển thị rõ và giữa các mức giá này không còn mức giá nào khác, nên “đội lái” dễ bề tung ra các lệnh để “lái” giá. Còn nay, với việc áp dụng chia nhỏ bước giá, ngoài 3 mức giá trần, tham chiếu và sàn, còn nhiều mức giá khác không hiển thị cụ thể, mà tùy thuộc vào cung - cầu của thị trường ở những thời điểm khác nhau, nên ý đồ tạo cung cầu ảo không dễ thực hiện.
Mặt khác, với bước giá trước đây, có những cổ phiếu giữa 3 mức giá trần, tham chiếu, sàn chênh nhau tới 5 - 6%, nên đây là mảnh đất màu mỡ cho “đội lái” tìm cách thao túng kiếm lời. Còn nay, với việc chia nhỏ bước giá, mức độ chênh lệch giữa các mức giá giảm xuống đáng kể, bớt kích thích các “đội lái” ra tay.
Tuy nhiên, đây là những ghi nhận ở thời điểm hiện tại. Vốn nổi tiếng là “mưu ma chước quỷ”, hành vi vi phạm biến hóa ngày một tinh vi, tới đây, không ai dám khẳng định là đội “lái giá” không tìm ra cách lách để thỏa mãn lòng tham kiếm lời lớn và nhanh. Bởi vậy, đòi hỏi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần dự liệu những giải pháp mới để xử lý các hành vi thao túng giá có sức răn đe cao, qua đó, hỗ trợ thị trường phát triển lành mạnh và công bằng hơn.
Lãnh đạo một CTCK cho biết, với bước giá cũ trước đây việc mua các cổ phiếu trong các rổ chỉ số để hoán đổi lấy chứng chỉ quỹ ETF đối mặt với không ít khó khăn và rủi ro biến động về giá. Tuy nhiên, với việc áp dụng bước giá mới, phần nào rủi ro này được giảm bớt. Điều này cùng với một khi có thêm bộ chỉ số chung cho toàn thị trường chứng khoán Việt Nam, sẽ góp phần hỗ trợ cho quỹ ETF nội địa phát triển tốt hơn trong thời gian tới.