Áp chuẩn quản trị rủi ro: CTCK như “gà mắc tóc”

Áp chuẩn quản trị rủi ro: CTCK như “gà mắc tóc”

(ĐTCK) Hướng dẫn về thiết lập hệ thống quản trị rủi ro (QTRR) chưa rõ ràng, đang khiến nhiều CTCK như “gà mắc tóc” khi triển khai hệ thống này theo quy định của UBCK.

Áp chuẩn quản trị rủi ro: CTCK như “gà mắc tóc” ảnh 1Quy định về việc thiết lập hệ thống QTRR trong CTCK có nhiều nội dung khá “mơ hồ”

 

Nhiều quy định mơ hồ

Quyết định 105/2013 (QĐ105) về Quy chế hướng dẫn việc thiết lập và vận hành hệ thống QTRR cho CTCK, được UBCK ban hành từ 3 tháng nay, nhưng các CTCK vẫn còn nhiều lúng túng trong triển khai. Để phần nào giải tỏa tình trạng này, mới đây, UBCK đã tổ chức hội thảo nhằm giúp các CTCK thấu hiểu hơn các bước thiết lập hệ thống QTRR. Tuy nhiên, đại diện các CTCK cho hay, sự lúng túng vẫn chưa được giải tỏa, nếu không muốn nói là gia tăng, vì theo quy định hiện hành, thời gian để các CTCK buộc phải thiết lập hệ thống QTRR không còn nhiều, trong khi họ chưa biết bắt đầu từ đâu.

Trưởng bộ phận QTRR của một CTCK có vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời tổng giám đốc cũng là người nước ngoài cho biết, sau mấy tháng nghiên cứu QĐ105 và vừa trực tiếp tham dự hội thảo về QTRR do UBCK tổ chức, Công ty vẫn chưa biết phải xây dựng hệ thống QTRR ra sao, bởi quy định pháp lý còn nhiều nội dung mơ hồ. Điển hình như Điều 16, QĐ105 quy định: CTCK phải xây dựng và sử dụng các phương pháp đo lường rủi ro thích hợp để làm cơ sở QTRR.

Một loạt quy định khác cũng mơ hồ tương tự, như Điều 12 quy định, tùy thuộc vào bản chất của loại rủi ro, CTCK phải có phương pháp xác định hạn mức rủi ro cho các hoạt động kinh doanh, hạn mức rủi ro cho các bộ phận nghiệp vụ kinh doanh, cá nhân tham gia vào các giao dịch chịu rủi ro. Hay Điều 13 quy định, hạn mức rủi ro được xác định bằng phương pháp định tính và phương pháp định lượng, trong đó ưu tiên sử dụng phương pháp định lượng.

“Quy định như trên chẳng khác nào đánh đố CTCK. Với khả năng của mình, CTCK không thể đong đếm được các loại rủi ro…”, Tổng giám đốc một CTCK thuộc khối ngân hàng nói, đồng thời cho rằng, để đảm bảo tính khả thi, thay vì đưa ra các nội dung chung chung mô tả cách thức xác định rủi ro như trên, cần đưa ra các công thức tính toán để CTCK trên cơ sở đó xác định được hạn mức rủi ro, cũng như biện pháp xử lý hiệu quả.

 

Không biết bắt đầu từ đâu

Chính vì QĐ105 có nhiều quy định còn mơ hồ, chưa rõ ràng, nên mặc dù văn bản này đã có hiệu lực gần 3 tháng nay, nhưng khá nhiều CTCK chưa biết bắt đầu từ đâu, trong khi cuối năm nay là thời hạn cuối cùng các CTCK phải hoàn tất việc thiết lập hệ thống QTRR. Theo nhiều CTCK, với quy định tại QĐ105, họ không thể tự triển khai thiết lập hệ thống QTRR mà phải thuê các đơn vị tư vấn, nhưng như thế không có nghĩa là mọi chuyện dễ dàng được giải quyết.

“Vài lần tìm hiểu qua đơn vị tư vấn cho thấy, bản thân họ cũng lúng túng trong xác lập công thức để có thể tính toán được hạn mức rủi ro, cũng như phân bổ các hạn mức này cho các bộ phận kinh doanh của CTCK…”, trưởng bộ phận QTRR một CTCK nói và cho biết thêm, số kinh phí phải trả cho bên tư vấn lên đến tiền tỷ, trong khi hai năm nay, Công ty kinh doanh thua lỗ, nên duy trì cầm cự đã khó, nay không biết lấy nguồn nào để thuê đơn vị tư vấn vào triển khai hệ thống QTRR. Thiết lập hệ thống QTRR đã tốn kém, để duy trì vận hành hệ thống, các CTCK còn phải tốn thêm một khoản không nhỏ để trang trải cho việc “nuôi quân” bộ phận QTRR.

Để thiết thực hỗ trợ các CTCK tháo gỡ khó khăn trên, đồng thời giúp họ sớm hoàn tất thiết lập hệ thống QTRR, nhiều CTCK cho rằng, trên cơ sở mối quan hệ chặt chẽ lâu nay giữa UBCK với các tổ chức có nhiều kinh nghiệm về QTRR như Công ty TNHH Ernst&Young Việt Nam, Công ty TNHH PricewaterhouseCoopers Việt Nam, UBCK cần phối hợp với các đơn vị này xây dựng tài liệu triển khai QĐ105, sau đó tổ chức tập huấn cho các CTCK. Trong đó, nên tập trung đưa ra các công thức tính toán hạn mức rủi ro, phân bổ rủi ro cho các bộ phận kinh doanh, cũng như cách thức thu xếp nguồn lực xử lý khi rủi ro xảy ra sao cho hiệu quả.

Nếu tình trạng quy định pháp lý tiếp tục mơ hồ như hiện tại và không sớm có cách hóa giải, thì không chỉ UBCK khó đạt được mục tiêu quản lý, mà bản thân các CTCK cũng chưa biết đến bao giờ mới thoát ra khỏi tình trạng bế tắc trong triển khai QTRR như hiện tại.