Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chọn ra khoảng 10-20 doanh nghiệp mỗi sàn để khảo sát về tình hình chuẩn bị cho việc áp dụng IFRS

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chọn ra khoảng 10-20 doanh nghiệp mỗi sàn để khảo sát về tình hình chuẩn bị cho việc áp dụng IFRS

Áp chuẩn báo cáo tài chính quốc tế: Tăng sức hút vốn ngoại

(ĐTCK) Việc áp dụng chuẩn mực lập và trình bày báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) được ví như như sử dụng “ngôn ngữ tài chính toàn cầu” sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn quốc tế.

Tại Hội thảo “Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế - Những thách thức và kinh nghiệm áp dụng” do Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) phối hợp với Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) tổ chức đầu tuần này, bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc HOSE chia sẻ một thực tế là việc áp dụng IFRS trong các doanh nghiệp Việt hiện còn khá hạn chế.

Ngoài một số ngân hàng, doanh nghiệp niêm yết lớn hoặc những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, còn lại đa phần doanh nghiệp trong nước vẫn chưa triển khai áp dụng, hoặc còn khá xa lạ với các quy định của IFRS. Thực tế này đang cản trở nền kinh tế Việt Nam hòa nhập vào dòng chảy kinh tế thế giới; trong đó, có dòng chảy rất quan trọng là nguồn vốn.

Theo ông Trịnh Đức Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Bộ Tài chính, bản chất hoạt động của IFRS rất minh bạch, do vậy, khi áp dụng IFRS, việc huy động vốn với nhiều doanh nghiệp có thể không còn suôn sẻ, do khó “tút tát” số liệu trên báo cáo tài chính, đặc biệt là ở những doanh nghiệp hoạt động trong những ngành nghề có tính chất biến động theo thị trường. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp “ngại” áp dụng chuẩn mực này.

Bên cạnh đó, chi phí chuyển đổi từ việc áp dụng hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam sang áp dụng IFRS, trình độ của đội ngũ nhân sự kế toán doanh nghiệp, hạ tầng cơ sở, rào cản ngôn ngữ… cũng đang là những yếu tố gây trở ngại cho việc áp dụng IFRS tại các doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, rào cản trình độ nhân lực là lớn nhất, bởi việc đào tạo nhân lực thực hiện lập báo cáo tài chính theo IFRS tốn khá nhiều thời gian và hơn hết là việc thay đổi tư duy của đội ngũ kế toán không phải là việc có thể thực hiện được trong “ngày một ngày hai”.

Tuy nhiên, theo ông Vinh, tổ chức niêm yết dù muốn hay không cũng sẽ phải áp dụng các chuẩn mực của IFRS vào hoạt động của mình. “Việc thực hiện IFRS hiện nay như một xu thế tất yếu giúp tăng cường minh bạch, trách nhiệm giải trình và tăng khả năng thu hút vốn ngoại của doanh nghiệp”, ông Vinh nhấn mạnh và cho biết thêm, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chọn ra khoảng 10-20 doanh nghiệp mỗi sàn để khảo sát về tình hình chuẩn bị cho việc áp dụng IFRS.

Tại Hội thảo, ông Eddy James, Giám đốc chuyên môn, Ban Báo cáo tài chính ICAEW đã chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc áp dụng IFRS tại Liên minh Châu Âu (EU). Mặc dù chi phí ban đầu khi doanh nghiệp chuyển sang áp dụng IFRS tương đối cao, nhưng về dài hạn, lợi ích thu được là đáng kể. IFRS có thể được xem như một ngôn ngữ quốc tế để nhà đầu tư khi nhìn vào có thể có những đánh giá rõ ràng và chính xác hơn đối với doanh nghiệp, đồng thời cân nhắc cơ hội đầu tư vào doanh nghiệp đó. Tại EU, chuẩn IFRS chỉ bắt buộc áp dụng với doanh nghiệp niêm yết, còn với các doanh nghiệp khác thì khuyến khích áp dụng.

Ông James cũng chia sẻ thêm, việc áp dụng chuẩn mực IFRS sẽ mang lợi ích toàn diện khi được thực hiện một cách đầy đủ và đồng bộ, do vậy, mỗi quốc gia thành viên bên cạnh việc áp dụng một cách phù hợp với bối cảnh của nước mình cần hạn chế tối đa việc sửa đổi hoặc tạo ngoại lệ từ IFRS.

Theo lộ trình của Bộ Tài chính, đến năm 2018, các doanh nghiệp niêm yết có thể bắt đầu áp dụng dần IFRS vào lập báo cáo tài chính, tiến tới năm 2020, các công ty niêm yết sẽ phải áp dụng hệ thống chuẩn mực này.

Được biết, Luật Kế toán sửa đổi 2015 đã bổ sung nguyên tắc giá trị hợp lý. Đây là nền tảng cho việc triển khai áp dụng IFRS tại Việt Nam.          

Tin bài liên quan