Hiệu ứng “tin ra là bán”
Phiên đầu tháng 11, áp lực bán tháo diễn ra khá mạnh mẽ, đặc biệt ở những cổ phiếu như HBC, HQC, MWG, PNJ, nhóm cổ phiếu thép có HGP, HSG…
Từ phía DN, CTCP Tư vấn thương mại dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân lập tức đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu quỹ sau khi giá cổ phiếu chạm sàn 2 phiên liên tiếp.
CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình lên tiếng phủ nhận tin đồn trên thị trường về các khoản nợ liên quan đến Khaisilk và kết quả kinh doanh yếu kém. Nhiều doanh nghiệp khác cũng đã có động thái nhằm chặn đà giảm của cổ phiếu trong mấy phiên vừa qua.
Về phía tổ chức tài chính trung gian, nhiều công ty chứng khoán đánh giá, TTCK đang đi đúng quy luật tâm lý bởi đây là quãng thời gian các DN công bố kết quả kinh doanh quý III, nhưng thông thường các kết quả này đã được dự báo trước và đã được phản ánh vào giá trước khi DN công bố.
Khi thị trường kỳ vọng quá cao vào hiệu quả của DN là lý do khi tin tức từ DN chính thức được công bố, những người nắm giữ cổ phiếu sẽ thiên về bán để hiện thực hóa lợi nhuận. Quy luật “tin ra là bán” xuất phát từ thực tế này.
“Tin ra là bán” cũng đồng thời kích thích hiệu ứng đám đông. Nhà đầu tư thường đua theo chốt lời, cổ phiếu bị bán mạnh đến mức thái quá sẽ dần dần tạo nên tâm lý nghi ngờ, thậm chí hoảng loạn trong một bộ phận nhà đầu tư.
Lúc này, những nhà tạo lập thị trường tiếp tục bán hàng ra để tạo sức ép khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ cắt lỗ, bán hàng loạt, tạo sức ép cắt margin. Việc tung tin đồn xấu với cổ phiếu HBC vừa qua là một dẫn chứng cho thấy, có những nhóm lợi ích muốn gây ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, cặp đôi HGN và HAG cũng giảm sàn do hiệu ứng cắt margin từ một công ty chứng khoán đã cho khách hàng nắm giữ cổ phiếu này khối lượng lớn.
Cơ hội cho đầu tư giá trị
Dù tâm lý thị trường chưa vững, nhưng nhiều nhà đầu tư có nghề đã bắt đầu tìm kiếm cơ hội mua mới, khi nhiều cổ phiếu cơ bản giảm về ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật và định giá ở mức thấp.
Chỉ một tháng trước, cổ phiếu TCM được tranh mua ở mức giá 28.000 đồng/cổ phiếu, tương đương P/E 7 lần. Hiện nay, giá TCM đã giảm còn 23.000 đồng/cổ phiếu (tương đương P/E dưới 6 lần), nhưng đà bán vẫn mạnh.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Đinh Hùng, nhà đầu tư tại ACBS cho rằng, đây là mức định giá hấp dẫn cho cổ phiếu cơ bản, thậm chí giá cổ phiếu giảm vô lý vì DN chẳng có điểm nào xấu hơn cách đây 1 tháng.
Với kết quả lợi nhuận quý III khả quan và quý IV dự báo tiếp tục vững, lợi nhuận của Tập đoàn Hòa Phát năm nay dự kiến vượt 7.000 tỷ đồng, tương đương EPS 5.000 đồng/cổ phần. Với giá 35.000 đồng, cổ phiếu HPG đang giao dịch ở mức P/E 7 lần. Mức định giá này thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung toàn thị trường (17 lần), trong khi vào đầu năm 2019, Khu liên hiệp Dung Quất đi vào hoạt động có thể sẽ là một yếu tố mới giúp HPG vững đà tăng trưởng.
Cổ phiếu của Tập đoàn Hoa Sen cũng giảm liền mạch từ gần 30.000 đồng xuống còn 22.500 đồng/cổ phiếu trong 1 tháng qua. Trong Bản tin mới đây, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) nhận định năm 2018, lợi nhuận sau thuế của HSG có thể tăng trưởng 19,2%.
Theo HSC, kết quả kinh doanh của HSG quý IV năm tài chính 2017 kém chủ yếu là do chi phí tồn kho tăng mạnh và do trì hoãn ghi nhận khoản lợi nhuận hơn 100 tỷ đồng từ bán cổ phần tại Công ty Cảng quốc tế Hoa Sen Gemadept.
Triển vọng tăng trưởng cho năm tới tốt hơn nhờ dây chuyền CRC mới sẽ đi vào hoạt động và giúp giảm chi phí. Tuy nhiên, HSC lo ngại về tồn kho tăng mạnh, về quản trị DN và mức nợ cao của chính HSG. Lo ngại là vậy, song HSC vẫn đưa ra ứớc tính giá trị hợp lý của cổ phiếu HSG là 27.516 đồng, tương đương P/E dự phóng là 6,5 lần.
Với kết quả kinh doanh khả quan trong quý III, cổ phiếu TDH của CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức sau khi giảm dài 1 tháng qua đã tăng trần trở lại trong phiên cuối tuần. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý III của TDH tăng mạnh đã khiến nhà đầu tư quay lại tăng mua mã này. Mã TDH hiện có P/E dưới 9 lần, thấp hơn nhiều so với P/E chung trên TTCK.
Từ đầu năm đến nay, sàn chứng khoán đón thêm hàng trăm mã mới, nên dòng tiền đầu tư có sự phân tán nhất định theo sức hấp dẫn của hàng mới chào sàn. Dòng tiền trên thị trường niêm yết đang chịu chịu ảnh hưởng bởi những cơ hội đầu tư mới, chẳng hạn như đợt phân phối cổ phiếu Vincom Retail khi nhà đầu tư phải thanh toán 100% giá trị cổ phần Vincom Retail đặt mua trước thời điểm công ty này niêm yết vào 6/11 tới.
Trên thị trường cổ phiếu tự do, cổ phiếu HDBank đang có sức tăng hấp dẫn, hiện lên đến 29.000 đồng/cổ phiếu sau khi cổ đông nhận quyền chốt chia 9% cổ phiếu thưởng và cổ tức. Thực tế này khiến người có tiền khó “chăm chăm” chỉ mua cổ phiếu trên sàn.
Dòng tiền dù chịu sự phân tán bởi hàng mới hoặc sắp lên sàn, khiến nhiều mã cổ phiếu có phần bị “lãng quên”, thậm chí chịu những phản ứng ngược khi công bố kết quả quý III tích cực. Tuy nhiên, không ít nhà tư vấn đang khuyên khách hàng rằng, giá cổ phiếu giảm trong khi tình hình kinh doanh của DN vững chính là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư giá trị “tích hàng”.
Cơ hội đáng để giải ngân
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán SJC
Một thời gian dài, VN-Index liên tiếp chinh phục những đỉnh cao mới, nhưng trên thực tế, chỉ số tăng chủ yếu nhờ sự đóng góp của các cổ phiếu có vốn hóa lớn ROS, SAB…, trong khi kết quả kinh doanh của các công ty này không có gì đột biến, thanh khoản không có tính đại chúng. Rủi ro thị trường đã tăng lên và áp lực chốt lời cũng vì thế diễn ra, dẫn đến nhiều cổ phiếu có mức giảm sâu khiến nhà đầu tư bị thua lỗ, bị kẹp hàng, chán nản...
Một trong những lý do khác khiến thị trường giảm vào đầu tháng 11 là có nhiều nhóm nhà tạo lập không đồng thuận về quan điểm tăng của chỉ số và một số cổ phiếu đã có giai đoạn tăng khá dài, dòng tiền tham gia đẩy lên đang yếu dần đi, trong khi một số cổ phiếu đạt đỉnh ngắn hạn, dẫn đến các nhóm chốt lời và có hiện tượng đánh xuống, tung tin đồn.
Thêm vào đó, hiện tượng call margin tại một số công ty chứng khoán tại một số mã như HBC, HPG, AAA…, mặc dù DN có kết quả kinh doanh khá tốt. Đây cơ hội cho những nhà đầu tư đang chờ đợi tham gia thị trường trong thời gian qua.
Theo đánh giá của chúng tôi, dòng tiền sẽ chưa rút khỏi TTCK, bởi khối nhà đầu tư ngoại đã tận dụng những thời điểm chính để tích lũy cổ phiếu và đang duy trì ở trạng thái mua ròng.
Để thị trường cân bằng hơn, theo tôi, cần tăng cường tính minh bạch, tăng cường giám sát nhằm củng cố niềm tin cho nhà đầu tư. Cùng với đó, quyết tâm nâng hạng thị trường cần được các chủ thể liên quan thực hiện mạnh mẽ, để đưa thị trường lên mức cao hơn, tăng sức hấp dẫn các dòng vốn chuyên nghiệp. Nếu TTCK có nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp và dài hạn, các DN sẽ dễ huy động vốn hơn và TTCK sẽ thực hiện tốt chức năng kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.
Dòng tiền rút ra chỉ là hiệu ứng ngắn hạn
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng Phòng Phân tích CTCP Chứng khoán Bản Việt
Phiên giảm điểm mạnh đầu tháng 11 xuất phát từ 2 yếu tố. Yếu tố kỹ thuật là ngưỡng kháng cự tại 850 điểm của VN-Index và 842 điểm của VN30 đã tạo áp lực chốt lãi đối với nhóm cổ phiếu dẫn dắt (ROS, GAS, PLX, VCB, BID, CTG, VPB, MWG...).
Chính sự quay đầu của nhóm dẫn dắt này đã làm gia tăng áp lực cho nhiều nhóm cổ phiếu khác, từ nhóm bluechip (HSG, HBC, HPG, GMD, CII, AAA...) đến các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ (KBC, CSM, DRC, QCG, HAI, FIT...) vốn đã sớm suy yếu trong giai đoạn "xanh vỏ, đỏ lòng" vừa qua. Đà giảm sâu của nhiều cổ phiếu đã phần nào được cộng hưởng bởi áp lực giải chấp tại một số tài khoản sử dụng tỷ lệ đòn bẩy cao.
Về xu hướng, chúng tôi cho rằng, dòng tiền đã và đang có dấu hiệu rút ra tại nhiều cổ phiếu và bắt đầu có tín hiệu bị rút ra ở nhóm cổ phiếu dẫn dắt. Tuy nhiên, đây chỉ là hiệu ứng ngắn hạn (3-4 tuần) và tôi vẫn giữ quan điểm lạc quan cho xu hướng trung hạn (3-6 tháng tới) của thị trường.
Khả năng giảm mạnh tương đối thấp
Ông Ngô Phụng Hiệp, Giám đốc Khối Nguồn vốn và đầu tư, Công ty chứng khoán ACB
Bên cạnh tâm lý chốt lời, có thể thấy TTCK đang chịu áp lực margin ở một số mã cổ phiếu. Tình trạng margin căng bắt đầu khoảng 2 tuần trở lại đây, tập trung chủ yếu vào các mã tăng nóng hoặc định giá cao. Tuy nhiên, thị trường giảm không phải vì margin, mà nằm ở mức định giá tưởng như đã quá đà. Ở mức hiện tại, tôi cho rằng, thị trường đang ở vùng giá tương đối hợp lý để mua.
Thống kê 624 DN công bố kết quả kinh doanh quý III/2017 của ACBS cho thấy, kết quả tương đối khả quan khi có tăng trưởng khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2016. 61% số DN niêm yết có kết quả kinh doanh tăng trưởng và 39% sụt giảm so với cùng kỳ.
Trong ngắn hạn, thị trường sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh quý III, chúng tôi tin rằng, VN-Index sẽ xoay quanh vùng điểm hiện tại 840-850 điểm.
Một thông tin đáng quan tâm nữa là Moody’s vừa nâng hạng triển vọng ngân hàng trong vòng 12-18 tháng tới từ ổn định lên tích cực. Đây là thông tin hỗ trợ tích cực đối với nhóm ngành ngân hàng nói riêng và thị trường nói chung trong những tháng cuối năm.