Ông Tareq Muhmood

Ông Tareq Muhmood

ANZ vững thế “kiềng 3 chân”

(ĐTCK) ANZ có chiến lược phát triển rõ ràng và tập trung tại thị trường Việt Nam, theo thế “kiềng 3 chân”: dịch vụ tài chính dành cho tổ chức lớn, dịch vụ tài chính dành cho DN vừa và nhỏ và ngân hàng bán lẻ. Đó là chia sẻ của ông Tareq Muhmood, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên ANZ (Việt Nam) với ĐTCK về chiến lược của Ngân hàng.

ANZ đã hoạt động tại Việt Nam được 20 năm, theo ông, những điểm nổi bật của ngành ngân hàng Việt Nam trong những năm gần đây là gì?

Sự phát triển của ngành ngân hàng Việt Nam cũng tương tự như nhiều quốc gia khác, nơi thị trường sẽ có một vài tổ chức tài chính lớn thuộc sở hữu nhà nước, một vài ngân hàng tư nhân hoặc thuộc sở hữu của một số gia đình và các ngân hàng quốc tế.

Vài năm qua, hệ thống đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc, nhưng cũng không thể phủ nhận thực tế rằng một số ngân hàng đang giải quyết hậu quả của tăng trưởng nóng.

Bất chấp những khó khăn vào thời điểm hiện tại, tôi tin rằng, trong vòng 5 - 10 năm nữa, một số ngân hàng trong nước sẽ tiếp tục phát triển và trở thành những ngân hàng hàng đầu, ngay cả khi so sánh trên thị trường khu vực và quốc tế.

 

Vậy ngân hàng nước ngoài, trong đó có ANZ đóng vai trò gì trong việc tạo nên những bước tiến của ngành ngân hàng trong nước?

Đối với ANZ, chúng tôi thường xuyên trao đổi với nhà quản lý cũng như các ngân hàng bạn về các vấn đề của ngành. Hiện nay, ANZ đang là Chủ tịch Nhóm công tác Ngân hàng và chúng tôi cũng là ngân hàng nước ngoài đầu tiên trở thành thành viên của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vì chúng tôi mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm cũng như học hỏi từ các đồng nghiệp hơn nữa.

Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức các hội thảo để chia sẻ kinh nghiệm của chúng tôi ở các thị trường khác. Gần đây nhất ANZ đã tổ chức thành công hội thảo chuyên đề về chống rửa tiền phối hợp cùng với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam dành cho các ngân hàng thành viên. ANZ sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động này để hỗ trợ cho ngành nhiều hơn nữa.

 

Thị trường nợ là nơi ngân hàng nước ngoài có nhiều lợi thế về kinh nghiệm và sản phẩm. Ông đánh giá tiềm năng của thị trường này tại Việt Nam ra sao?

Là một ngân hàng tư vấn và đại lý phát hành trái phiếu hàng đầu, chúng tôi có nhiều thế mạnh trên thị trường nợ và thị trường vốn.

Đối với DN Việt Nam hay DN nước ngoài, đây là kênh cung cấp một lượng vốn lớn cho kinh doanh thay vì phải huy động từ cổ đông.

Đối với trái phiếu tiền đồng, chúng tôi hy vọng thị trường sẽ phát triển trong 12 - 18 tháng tới trong điều kiện lãi suất tiếp tục giảm và điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định. Điều quan trọng bây giờ là sự quan tâm của nhà đầu tư. Chúng tôi nhìn thấy mối quan tâm là có và đang tăng nhưng thanh khoản trên thị trường thứ cấp vẫn khá yếu. Chúng tôi hy vọng từ giờ đến cuối năm, thị trường sẽ có những biến chuyển tốt.

Đối với trái phiếu tiền USD, một số công ty của Việt Nam đã có thể tiếp cận với thị trường vốn quốc tế, nhưng khó khăn là giá có thể cao hơn. Điều này phần lớn là do chỉ số đánh giá tín nhiệm quốc gia. Nếu các chỉ số kinh tế vĩ mô tiếp tục được cải thiện, hy vọng giá vốn vay sẽ giảm trong thời gian tới.

 

ANZ gần đây đưa ra quan điểm tương đối lạc quan về thị trường trái phiếu DN Việt Nam, ông có thể cho biết rõ hơn?

Chúng tôi thực sự nhìn thấy tiềm năng phát triển của phân khúc thị trường này ở Việt Nam và ANZ là một trong những ngân hàng đi đầu và chủ động trên thị trường này.

Trên thực tế, ANZ đã giúp tái khởi động thị trường sau gần 2 năm im ắng, với việc tư vấn phát hành thành công trái phiếu cho Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, với tổng giá trị lên đến 3.000 tỷ đồng.

Như tôi đã đề cập ở trên, chúng tôi nhận thấy mối quan tâm lớn từ phía các nhà đầu tư trong, ngoài nước và chúng tôi cũng đang tích cực làm việc với đối tác, khách hàng để có thể sớm thông báo thông tin khả quan đến với thị trường trong quý III.

 

Có một thực tế đáng chú ý là trong  khi các DN đang gặp phải nhiều khó khăn thì độ giàu có của các cá nhân dường như vẫn tăng mạnh. Liệu ANZ có chuyển hướng chú trọng vào dịch vụ ngân hàng bán lẻ không?

Chúng tôi có chiến lược phát triển rõ ràng và tập trung tại thị trường Việt Nam và chúng tôi tập trung phát triển tất cả các phân khúc theo thế “kiềng 3 chân”: dịch vụ tài chính dành cho tổ chức lớn, dịch vụ tài chính dành cho DN vừa và nhỏ và ngân hàng bán lẻ.

Thực tế là ngay cả trong giai đoạn kinh tế suy thoái, không phải ngành kinh doanh nào cũng gặp khó khăn. Một số ngành mà chúng tôi đang tăng cường cho vay (ví dụ như xuất khẩu hay nông nghiệp) vẫn đang tăng trưởng với tốc độ 2 con số.

Đối với ngành bán lẻ, chúng tôi nhận thấy thu nhập của người dân ngày càng cao và mức độ giàu có cũng ngày càng tăng. Điều này đã thể hiện ở lượng khách hàng cao cấp của ANZ tăng mạnh trong 2 năm gần đây. Chúng tôi đang không ngừng đầu tư vào con người, sản phẩm và dịch vụ để đáp ứng nhu cầu đang ngày càng gia tăng của khách hàng.

Khối dịch vụ ngân hàng bán lẻ của ANZ tăng trưởng mạnh trong một vài năm gần đây, trong đó tập trung vào đối tượng khách hàng cao cấp và khách hàng có thu nhập cao. Chúng tôi nhận thấy nhu cầu của họ tăng cao bao gồm cả nhu cầu vay lẫn đầu tư và một số dịch vụ khác như thanh toán, thẻ tín dụng...

Là “Ngân hàng Bán lẻ tốt nhất Việt Nam ” năm 2013 - danh hiệu do Asian Banker trao tặng, ANZ có đầy đủ tiềm lực để phát triển phân khúc này trong những năm tới.