Theo đó, một nhóm 7 cá nhân đã khởi kiện ANZ Việt Nam, đề nghị Tòa án buộc nhà băng này phải có mức bồi thường thỏa đáng hơn cho các nhân sự bị nghỉ việc.
Một nguyên đơn đề nghị giấu tên cho biết, anh đã làm việc cho ANZ Việt Nam 8 năm, hoàn thành vượt chỉ tiêu công việc hàng năm và là cán bộ chủ chốt xây dựng Ban Tài chính doanh nghiệp thương mại từ năm 2010.
“Trong thời gian đó, một số ngân hàng khác đã tiếp cận và mời tôi về làm việc với mức thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, tôi đã bỏ qua với suy nghĩ sẽ gắn bó lâu dài với ANZ. Vậy mà, đầu năm nay, ANZ đã đơn phương chấm dứt hợp động lao động với tôi”, anh này cho biết.
Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng, ANZ Việt Nam đề xuất trả cho anh tiền lương còn phải thanh toán và khoản trợ cấp thêm tương đương 3 tháng lương. Với các nhân sự khác trong vụ kiện, ANZ Việt Nam cũng đưa ra đề xuất tương tự. Tuy nhiên, các nhân sự của nhà băng này cho rằng, không thể coi đây là khoản “hỗ trợ thêm”.
Theo quy định tại Điều 42 Bộ luật Lao động, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, người sử dụng lao động phải nhận người lao động làm việc trở lại, trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 2 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động. Nếu không nhận lại thì phải bồi thường thêm theo thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 2 tháng lương.
Các nhân sự này cho rằng, họ đã làm việc nhiều năm cho ANZ Việt Nam, hoàn thành tốt công việc được giao, trong thời gian làm việc tại đây, họ đã bỏ qua các cơ hội việc làm khác. Việc ANZ Việt Nam đơn phương chấm dứt hợp đồng khiến họ gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến uy tín và sự nghiệp trong tương lai. Nhiều nhân viên đang có khoản vay tại ANZ Việt Nam với lãi suất ưu đãi dành cho nhân viên (4,5%/năm) và nguồn trả nợ là từ tiền lương, mất việc làm khiến họ không có nguồn trả nợ và phải chịu lãi suất cao hơn (11,5%).
Bên cạnh đó, một số trường hợp, cách thức ANZ Việt Nam xử lý khiến nhân viên tỏ ra bất bình. Ví dụ trường hợp một nguyên đơn, ký hợp đồng không xác định thời hạn và làm việc tại ANZ Việt Nam gần 6 năm, Ngân hàng thông báo vị trí làm việc của chị không còn nữa do tái cấu trúc và sẽ chấm dứt hợp đồng vào ngày 31/3/2017, khi chị này đang mang thai.
Theo đơn khởi kiện, nhân sự này cho rằng, việc này đã ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần, tài chính và sự nghiệp, đặc biệt trong điều kiện chị đang mang thai, cơ hội kiếm được công việc mới gần như không có.
Một nguyên đơn khác đã làm việc cho ANZ Việt Nam được 3 năm. Tháng 3/2015, Ngân hàng điều chuyển chị vào làm việc tại ANZ TP. HCM, cung cấp vé máy bay, chi phí chuyển hành lý, tiền thuê nhà ở... với điều kiện chị phải cam kết làm việc cho ANZ Việt Nam thêm ít nhất 2 năm. Vì vậy, chị đã mua một căn hộ ở TP. HCM và vay tiền ANZ Việt Nam với lãi suất ưu đãi (ngoài căn nhà ở Hà Nội đã mua trước đó cũng vay của ANZ Việt Nam để mua). Nhưng chỉ 6 tháng sau ngày điều chuyển, Ngân hàng thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khiến nhân sự này gặp khó khăn khi không còn được hưởng lãi suất nhân viên và không còn nguồn trả nợ từ lương tháng.
Một nguyên đơn cho biết, trong số tài liệu gửi tới Tòa án, có chứng cứ cho thấy, ANZ Việt Nam đã bồi thường 12 tháng lương cho một trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định khi nhân sự này không hoàn thành công việc và bồi thường 24 tháng lương cho một trường hợp khác.
Trên cơ sở tham chiếu này, các nhân sự trên yêu cầu ANZ Việt Nam phải bồi thường cho họ 24 tháng lương khi đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Tuy nhiên, sau đó, các nguyên đơn đã thay đổi nội dung khởi kiện, yêu cầu Tòa án buộc ANZ Việt Nam hủy bỏ quyết định chấm dứt hợp đồng lao động bởi cho rằng, quyết định này trái với quy định pháp luật lao động Việt Nam.
Theo quy định, khi tái cơ cấu, ngân hàng phải có phương án sử dụng lao động, ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng. Nhưng ANZ Việt Nam không tổ chức đào tạo để người lao động có cơ hội việc làm.
Một nguyên đơn phản ánh ANZ Việt Nam không có kế hoạch tái cơ cấu chu đáo, sau khi sai thải nhiều nhân sự, họ tuyển thêm người cho đúng vị trí đó, thậm chí còn đề nghị một trong số nguyên đơn quay trở lại làm việc.
Được biết, Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm (TP. Hà Nội) đã thụ lý vụ kiện, mời đương sự lên hòa giải nhưng không thành. Sắp tới, Tòa án sẽ đưa ra xét xử vụ kiện.
Điều 44 Bộ Luật Lao động 2012 quy định:
Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này; trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng.
Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này.