Anh và EU đẩy mạnh hợp tác về đánh thuế carbon với hàng hoá nhập khẩu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Anh và Liên minh châu Âu (EU) đang tăng cường phối hợp nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Cụ thể, hai bên đang nghiên cứu để áp dụng cơ chế điều chỉnh thuế biên giới carbon.
Anh và EU đẩy mạnh hợp tác về đánh thuế carbon với hàng hoá nhập khẩu

Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết, Anh và EU có thể phối hợp trong việc áp dụng Cơ chế điều chỉnh thuế biên giới carbon (CBAM), loại thuế đánh vào hàng hóa sử dụng nhiều carbon nhập vào châu Âu. Chính phủ Anh sẽ tiến hành một cuộc tham vấn về việc có nên đưa cơ chế CBAM của Anh như một phần của chiến lược đưa phát thải ròng về 0 hay không.

CBAM được EU dự kiến áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ ô nhiễm cao như thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro. Đây là những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của EU. Các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu, nếu lượng khí thải này vượt quá tiêu chuẩn của EU, họ sẽ phải mua "chứng chỉ khí thải" theo mức giá carbon hiện nay tại EU.

Bộ trưởng Năng lượng Anh Grant Sharps cho biết, cuộc tham vấn sẽ giải quyết nguy cơ mất kiểm soát với các doanh nghiệp lách luật thuế carbon trong tương lai, tức là có thể kiểm soát được việc các doanh nghiệp chuyển hoạt động sản xuất sang một quốc gia có các quy định về khí hậu lỏng lẻo hơn để tránh phải trả thuế carbon.

Thủ tướng Sunak nói với các nghị sĩ rằng, Chính phủ đang đạt được tiến bộ về CBAM, ông cho rằng ý tưởng này là hợp lý và ông đã thảo luận vấn đề này với nhà lãnh đạo Đức Olaf Scholz khi còn là Bộ trưởng Tài chính.

Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Anh Kemi Badenoch đã có cuộc hội đàm với Ủy viên thương mại châu Âu Valdis Dombrovskis, thảo luận về phối hợp phản ứng đối với Đạo luật Giảm phát thải (IRA) gây tranh cãi của chính quyền Mỹ. Các đồng minh của bà Badenoch cho biết, chương trình trợ cấp 369 tỷ USD này đã đặt ra những thách thức cho cả EU và Anh, cùng với các đồng minh khác của Washington, chẳng hạn như Australia và Nhật Bản.

Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt cho biết vào cuối năm nay, Bộ Tài chính sẽ đưa ra góp ý chi tiết đối với Đạo luật Giảm phát phát thải (IRA). Ông Hunt cho rằng: "Khoản trợ cấp trị giá 369 tỷ USD của Mỹ tạo ra những rủi ro, do đó chúng ta cần giảm thiểu những rủi ro đó. Điều này không nhất thiết phải là đưa ra gói trợ cấp tương ứng, nhưng Anh cần có chính sách nhằm đảm bảo Anh vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn".

Bộ Tài chính Anh đã đưa ra triển vọng về CBAM trong lần đánh giá phát thải ròng bằng 0 vào tháng 10/2021, mặc dù đã cảnh báo rằng quá trình thực hiện có thể cực kỳ khó khăn. CBAM của EU sắp được phê duyệt và sẽ bắt đầu thu phí vào năm 2026, tuy nhiên cơ chế này đã gây ra rất nhiều tranh cãi.

Trung Quốc cho rằng, CBAM có thể là sự phân biệt đối xử. Loại thuế này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty tại EU, vốn được điều chỉnh bởi hệ thống tiêu chuẩn khí thải của EU.

Ông Jonny Peters, cố vấn chính sách cấp cao tại tổ chức tư vấn về biến đổi khí hậu E3G, cho biết, CBAM của Anh có thể sẽ giống với của EU, vì cả hai sẽ được điều chỉnh bởi các quy tắc của WTO và các hệ thống tiêu chuẩn khí thải của Anh và EU là giống nhau.

Tin bài liên quan