Nước Anh cần khoảng 10 năm để tách mình khỏi EU

Nước Anh cần khoảng 10 năm để tách mình khỏi EU

Anh sẽ phải bảo vệ hệ thống ngân hàng nếu “Brexit” xảy ra

(ĐTCK) Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đang tích cực chuẩn bị các biện pháp bảo vệ hệ thống ngân hàng của nước này, tránh khỏi nguy cơ cạn kiệt nguồn vốn trong trường hợp Vương quốc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) - hay còn gọi là kịch bản “Brexit”.

Theo đó, BoE thông báo sẽ cho phép các ngân hàng thương mại trong nước ba cơ hội đặc biệt để vay tiền nhằm bù đắp cho bất kỳ rủi ro hệ thống nào trước và sau thời điểm cuộc trung cầu ý dân vào ngày 23/6 tới về khả năng “ra đi hay ở lại” EU, đồng thời tránh lặp lại những hỗn loạn tài chính giống như cuộc khủng hoảng giai đoạn giai đoạn 2007 - 2008. Ba cơ hội tái cấp vốn dài hạn đặc biệt này sẽ được thực hiện lần lượt vào ngày 14, 21 và 28/6/2016.

Dù Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne từng thừa nhận rằng, khả năng Anh rời EU là điều chẳng mấy vui vẻ gì, khi nó có thể tác động xấu tới việc làm và đời sống của người dân, song kế hoạch phòng vệ của BoE nhằm tránh các cú sốc tài chính sẽ khiến các Bộ trưởng Tài chính EU phần nào cảm thấy an tâm hơn.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron thì khẳng định chính phủ nước này đã xây dựng các dữ liệu và kế hoạch kinh tế xung quanh kịch bản “Brexit”. Đây sẽ là lần thứ hai, Anh tiến hành trưng cầu dân ý về tư cách thành viên trong EU, sau cuộc trưng cầu đầu tiên vào năm 1975 dưới thời Công đảng nắm quyền.

Kết quả cuộc thăm dò mới nhất do YouGov công bố ngày 5/3 cho thấy, khoảng 40% ủng hộ ở lại, trong khi 37% chọn ra đi. Tuy nhiên, vẫn còn một tỷ lệ khá cao chưa quyết định và đây chính là nhóm có thể làm thay đổi kết quả cuối cùng.

Sau cuộc trưng cầu ý dân của Scotland hồi năm 2014, BoE tiết lộ họ cũng từng triển khai hai kế hoạch dự phòng để bảo vệ hệ thống ngân hàng, do xuất hiện những lo ngại các nhà đầu tư sẽ rút vốn và người tiêu dùng sẽ muốn tiêu đồng bảng Anh hơn là loại tiền mới của Scotland.

Hiện những tranh cãi và cảnh báo về hậu quả nếu Anh rời EU vẫn tiếp tục nổ ra từ các bên trong nội bộ EU. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cho rằng, cuộc bỏ phiếu để Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế Anh, châu Âu cũng như toàn cầu. Các nước sẽ phải đối mặt với những cuộc đàm phán khó khăn nhất kéo dài trong nhiều năm, điều này cũng là khó khăn lớn đối với cả EU.

Bên cạnh đó, các lĩnh vực chế tạo ô tô, nông nghiệp và dịch vụ tài chính cũng sẽ bị ảnh hưởng, bởi nước Anh cần khoảng 10 năm để tách mình khỏi EU. Giai đoạn 10 năm này bao gồm thời gian Anh dùng để rời khỏi EU, để thiết lập các thỏa thuận thương mại mới và các thỏa thuận liên quan, cũng như thương thảo các hiệp định thương mại mới với Mỹ và các nước khác trên thế giới.

Dù Anh vẫn có thể giao thương với EU sau khi rời khối, nước này sẽ không có được lợi thế gia nhập thị trường chung của khối nếu không chấp nhận cho các công dân của khối tự do đi lại hay đóng góp vào ngân sách EU. Quan chức này cũng loại bỏ ý tưởng Anh sẽ làm theo Na Uy, thực hiện các nghĩa vụ thành viên mà không có quyền can thiệp vào quyết định của EU.

Tờ “Thời báo Tài chính" (Anh) dẫn lời cảnh báo của Giám đốc điều hành Ngân hàng JPMorgan, Jamie Dimon rằng việc "xứ sở sương mù" rời EU sẽ khiến các ngân hàng và tổ chức tài chính chuyển hoạt động từ trung tâm tài chính London sang các nước châu Âu hoặc các khu vực khác trên thế giới. Thậm chí, một số giáo sư tài chính lưu ý rằng "Brexit" có thể làm suy yếu lĩnh vực tài chính của EU, bởi động thái chuyển hoạt động sang các nước châu Âu khác nhiều khả năng sẽ dẫn tới sự phân rẽ đáng lo ngại.

Trong khi đó, các thị trường tài chính lớn trên thế giới như New York (Mỹ); Frankfurt và Dublin ở châu Âu; Tokyo (Nhật Bản), Singapore và Hong Kong ở châu Á đang "chờ sẵn" để “hưởng lợi” từ việc các ngân hàng và công ty tài chính chuyển bớt hoạt động giao dịch ra khỏi Vương quốc Anh.

Tin bài liên quan