Trước hết, với chính sách kiểm soát tài khóa của Chính phủ, giá xăng dầu giảm mạnh những tháng cuối năm, sức cầu tiêu dùng vẫn thấp, cộng với nguồn cung lương thực thực phẩm dồi dào, ổn định, đã làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của 9 tháng đầu năm, chỉ tăng nhẹ ở mức 0,5% mỗi tháng và giảm dần trong 3 tháng cuối năm. Bình quân cả năm 2014, CPI chỉ tăng 4,09% so với cùng kỳ (năm 2013 tăng 6,6%).
Ngân hàng Thế giới (WB) đã dự báo, lạm phát của 2015 cũng chỉ đứng ở mức 5%. Tuy nhiên, hiện nay, CPI của Việt Nam vẫn cao hơn Thái Lan, Philippines và Singapore.
Về tốc độ tăng trưởng của toàn cầu được dự báo chỉ đạt 3,2%, nhưng GDP của Việt Nam đã liên tục tăng trong từng quý và đạt 5,98% vào cuối năm (kế hoạch là 5,8%). Trong 14 chỉ tiêu kinh tế, thì chỉ có 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là lao động qua đào tạo. Kim ngạch xuất khẩu năm 2014 đạt 150 tỷ USD, tăng 13,6% so với 2013, xuất siêu khoảng 2 tỷ USD. Về phía ngành ngân hàng, mặt bằng lãi suất đầu vào đã giảm khoảng 1,5 điểm phần trăm và mặt bằng lãi suất đầu ra giảm 2 điểm phần trăm.
Nhờ lạm phát thấp, Ngân hàng Nhà nước có cơ sở tăng cung tiền, tăng thanh khoản và nhờ đó giảm lãi suất. Bên cạnh đó, các khoản vay cũ cũng đã được điều chỉnh giảm lãi suất, thể hiện qua tỷ lệ các khoản vay có lãi suất trên 13%/năm chiếm 19,72% tổng dư nợ hồi đầu năm, đã giảm về mức 10,65%/năm trong thời điểm cuối năm. Tuy nhiên, dù nền kinh tế nước ta có cải thiện, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP vẫn còn thấp xa mức tăng bình quân của giai đoạn 2000 - 2006 và thấp hơn các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Myanmar.
Tái cơ cấu đầu tư công, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước diễn ra quá chậm, tỷ lệ nợ xấu dù giảm tương đối, nhưng khối lượng nợ xấu vẫn tăng lên, mất cân đối ngân sách và nợ công ngày càng trầm trọng, chi thường xuyên chiếm đến 72% tổng chi, trong khi đó, chi trả nợ công tăng lên đến 26,7% và sẽ còn tăng lên đến 31,3% trên tổng chi của năm 2015.
Mặc dù vậy, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lại là một điểm sáng trong năm 2014 với tổng mức đầu năm cả năm ước đạt 12,5 tỷ USD, tăng 6,6% so với 2013. Khu vực FDI cũng đóng góp cho giá trị xuất khẩu 92,2 tỷ USD, chiếm 67,3% trên tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 14,1% so với 2013.
Đối với ngành bất động sản, nhờ sự cải thiện bước đầu của kinh tế vĩ mô, thị trường nhà đất vào các tháng cuối năm đã sôi động hẳn lên, nhất là ở Hà Nội và TP. HCM. Tuy nhiên, mặc dù khối lượng giao dịch có tăng lên đáng kể và giá bán đã tương đối bình ổn, không còn lao dốc như trước đây, nhưng trên thực tế, thị trường vẫn như một bệnh nhân bị ốm liệt giường lâu ngày, chưa thể phục hồi khỏe mạnh ngay.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, cả nước có 4.015 dự án phát triển đô thị, nhà ở đã được cấp phép với tổng vốn đầu tư khoảng 4.487 ngàn tỷ đồng, tổng diện tích 102.228 héc-ta, nhưng hiện nay chỉ có 81% số dự án vẫn tiếp tục triển khai, còn hơn 1.000 dự án, với diện tích hơn 50.000 héc-ta đất vẫn nằm bất động.
Tuy vậy, nguồn cung căn hộ tại TP. HCM (theo CBRE) vẫn đạt 15.000 căn, tăng gấp đôi năm 2013 và gấp 4 lần năm 2012, tập trung nhiều ở khu vực quận 2 và quận 7. Điều này đã làm tăng tính cạnh tranh giữa các nhà đầu tư và tạo nhiều lựa chọn hơn cho người dân.
Quốc hội và Chính phủ đang nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh - đầu tư, thông qua việc sửa đổi và ban hành nhiều bộ luật, xử lý nợ xấu, ổn định chính sách tiền tệ, tín dụng, tái cấu trúc nền kinh tế… Nhìn ra quốc tế, ta có thể thấy Việt Nam đang bước vào giai đoạn mở cửa rộng hơn, để hòa nhập quá trình toàn cầu hóa mạnh mẽ hơn. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), đã hoàn tất phần đàm phán ngày 10/12/2014 tại Busan và sẽ được ký kết trong những tháng đầu năm 2015. Bên cạnh đó, các FTA Việt Nam - EU, FTA Việt Nam và Liên minh hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan cũng chuẩn bị ký kết. Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP), được các bên quyết tâm kết thúc đàm phán trong năm 2015. Trong khu vực, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), sẽ sớm chính thức hình thành. Các sự kiện quan trọng này vừa mở ra những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, vừa đặt ra những thách thức mới vì tính cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt.
Về mặt địa kinh tế, sự tập trung vào các đô thị lớn đang tiếp tục gia tăng, song song việc quá trình toàn cầu hóa với tốc độ nhanh, là xu hướng bất bình đẳng ngày càng tăng lên. Đây là thời cơ cho những ai biết nắm lấy cơ hội, nhưng đồng thời cũng sẽ là ác mộng cho những kẻ chậm chân.
Báo cáo “Năng lực cạnh tranh của các thành phố” trên Diễn đàn kinh tế thế giới mới đây, đã chỉ ra 6 xu hướng toàn cầu cần chú ý, bao gồm:
1. Đô thị hóa, thay đổi dân số học và tầng lớp trung lưu mới nổi: Từ năm 2010, hơn một nửa dân số thế giới đã sống tập trung ở các đô thị. Dự báo đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên đến 67%.
2. Gia tăng bất bình đẳng: Sự thịnh vượng có gia tăng ở từng quốc gia, nhưng khoảng cách giàu nghèo cũng tăng theo, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị ngày càng rộng hơn.
3. Thách thức với phát triển bền vững: Các nước đang gặp vấn đề là làm sao để lợi thế tích tụ gia tăng (ở các khu đô thị lớn), trong khi vẫn giảm thiểu được tác động tiêu cực của nó về kiểm soát khí thải, môi trường, chất lượng sống.
4. Thay đổi công nghệ: Tiến bộ công nghệ giúp chi phí vận tải và viễn thông giảm mạnh, đồng thời làm cho các hoạt động kinh tế tập trung hơn.
5. Các cụm ngành và chuỗi giá trị toàn cầu là đặc điểm định dạng thương mại quốc tế trong thế kỷ 21: Tính chuyên môn hóa ngày càng cao hơn, làm cho việc phân tán từng công đoạn sản xuất ra toàn cầu ngày càng khả thi hơn. Bởi vậy, mỗi quốc gia hay địa phương, hoặc từng doanh nghiệp phải quyết liệt thu hút nguồn lực, cải tiến công nghệ và đảm bảo một môi trường kinh doanh hiệu quả hơn.
6. Thay đổi cách thức quản trị: Internet, viễn thông di động và truyền thông xã hội đã tạo ra những thay đổi khủng khiếp về cách kinh doanh, giải trí, học tập và làm việc trên toàn thế giới. Do vậy, để thích ứng, cách thức quản trị của từng quốc gia, doanh nghiệp, tổ chức cũng phải nhanh chóng thay đổi cho phù hợp.
Quay trở lại với nền kinh tế nước nhà, nằm trong tổng thể các môi trường, điều kiện chung riêng đã nêu trên, năm 2015 vẫn sẽ là một chặng đường đầy gai góc phải bước tiếp. Nhiều ẩn số vẫn treo lơ lửng làm đau đầu các nhà làm chính sách, như lạm phát, lãi suất, tỷ giá USD, giá dầu, chi tiêu, đầu tư, chưa kể những biến động khó lường trên bàn cờ chính trị quốc tế, quan hệ Đông - Tây, Bắc - Nam, Nam - Nam giữa các châu lục, quan hệ nội bộ khu vực ASEAN…
Thị trường bất động sản sẽ đứng lên như thế nào trong tình trạng lực cầu còn mong manh và ngổn ngang dự án đắp chiếu như hiện nay?
Mặc dù hiện có nhiều dự đoán lạc quan hơn cho bức tranh toàn cảnh trong năm 2015, nhờ vào nỗ lực cải cách của Nhà nước, nỗ lực tái cấu trúc của doanh nghiệp, lực đẩy của nhu cầu nhà ở trong một đất nước đang phát triển, đất chật người đông, nhưng cũng còn nhiều mặt tối của thị trường vẫn đang đe dọa và rình rập. Một cuộc tranh đua gay gắt, đòi hỏi các doanh nghiệp không được chủ quan lơ là ngay từ đầu năm.
Dân số trẻ với thu nhập ngày càng tăng là sức cầu với thị trường bất động sản. Ảnh: Lê Toàn
Tân Xuân đã cận kề, tôi nghĩ rằng, mỗi doanh nghiệp, mỗi thành viên trong xã hội cũng giống như những “lăng kính pha lê” độc đáo và riêng biệt. Chúng ta hy vọng ánh sáng mùa Xuân mới, tượng trưng cho những điều chưa rõ do dòng đời tiếp tục đưa tới, sẽ được từng người hấp thụ, đón nhận. Và như lăng kính đa chiều đó, mỗi người chúng ta sẽ chắt lọc từ nguồn sáng tinh khôi, nhào nặn, sáng tạo nó theo cách riêng của mình với tất cả ý thức, tài năng, lòng tự trọng và niềm tin vào cuộc sống, để chiết xuất ra những tia sáng mới lung linh, rực rỡ, đầy sắc màu để đóng góp những điều tốt đẹp nhất cho cộng đồng, xã hội và cho chính bản thân mình.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966. 43. 45. 46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com |