Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - thước đo lạm phát tại Anh, chỉ cao hơn 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm so với mức 0,5% hồi tháng 3 năm nay, do giá cả các mặt hàng may mặc, ôtô, giá thuê nhà ở xã hội và giá vé máy bay giảm xuống.
Mặc dù, giá xăng và dầu diesel đã tăng sau khi giá dầu thô tăng trong thời gian gần đây, song lạm phát ở Anh vẫn thấp hơn nhiều so với mức mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) kỳ vọng. Việc lạm phát giảm trở lại trong tháng 4 cũng nằm ngoài dự đoán của các nhà kinh tế Anh, vốn cho rằng con số này sẽ không thay đổi so với tháng trước.
Theo Tổng thư ký Liên hiệp Công đoàn Anh (TUC) Frances O’Grady, lạm phát thấp là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Anh vẫn đang trong tình trạng cầu thấp hơn cung, đồng thời sự tăng trưởng về thu nhập vẫn còn yếu và Anh không có đủ mức đầu tư công cần thiết để đảm bảo tăng trưởng mạnh mẽ.
Ông O’Grady nhấn mạnh rằng trong bối cảnh nền kinh tế chững lại, Chính phủ Anh cần đầu tư vào chuyên môn, cơ sở hạ tầng và dịch vụ công cộng nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn.
Trong khi đó, đồng tình với cảnh báo của Ủy ban chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) rằng việc Anh rời khỏi EU sẽ tác động đến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tăng lạm phát, đẩy nền kinh tế Anh vào tình trạng rủi ro, Bộ Tài chính Anh đã đưa ra những nhận định tích cực.
Bộ này khẳng định các số liệu mới công bố về lạm phát phản ánh thu nhập cao hơn giá cả, do đó sức mua của các hộ gia đình Anh tăng mạnh. Ngoài ra, lạm phát giảm là dấu hiệu cho thấy lợi ích của việc Anh ở lại Liên minh châu Âu (EU).
Tỷ lệ lạm phát của Anh được duy trì dưới 1% kể từ tháng 12/2014. Theo dự báo mới nhất của BoE, lạm phát tại Anh sẽ tiếp tục ở mức thấp hơn mục tiêu 2% cho đến đầu năm 2018.
Bên cạnh đó, lãi suất thấp kỷ lục 0,5% mà BoE áp đặt từ tháng 3/2009 được cho là sẽ không tăng cho tới giữa năm 2019, mặc dù hầu hết các nhà kinh tế hy vọng lãi suất sẽ sớm tăng lên nếu Anh lựa chọn ở lại EU.